Cật lực đọc tài liệu, chưa hiểu, định vào lớp hỏi thầy. Vậy mà buổi thuyết trình diễn ra với “diễn giả” mặc sức nói, giảng viên trẻ ngồi lơ đãng nghe, các bạn khác mặc tình mơ tưởng… Cả học kỳ cứ thế diễn ra, thậm chí ngày càng có phần tệ hại hơn khi lớp học trở thành chốn tự nhiên chủ nghĩa, thầy ra khỏi lớp nghe điện thoại, ai thuyết trình thì cứ nói, ai không hứng thú cứ việc ra cổng uống cà phê. Để rồi đến lúc gần thi, giảng viên trẻ dành một buổi tổng kết, thực chất là trình bày lại cả đề cương môn học, cộng với hành động mang tính hào hiệp vô cùng: giới hạn đề thi (hay nôm na là… xì đề!).
Chuyện một thầy khác cũng còn trẻ măng, nghe nói là sinh viên xuất sắc được một thầy nổi tiếng nhận làm trợ giảng. Thầy lên lớp, nhìn đám sinh viên mà tỏ vẻ khép nép vô cùng. Những buổi giải bài tập do thầy hướng dẫn, sau vài ba cánh tay xung phong là đến lượt thầy cắm cúi giải mẫu trên bảng. Đôi khi vài sinh viên đặt câu hỏi lắt léo, thầy cứ toát mồ hôi lắp bắp giải thích. Chuyên môn vững nhưng kỹ năng sư phạm cứ run cầm cập thế này chả biết thầy giảng viên chính có hay chăng?
Trong một buổi liên hoan, lúc trà dư tửu hậu, một anh sinh viên vài khóa trước đang được giữ lại trường tâm sự: “Có làm gì đâu mấy em ơi, được đứng lớp cũng khổ vì chưa quen mà cũng không ai chỉ bảo gì. Còn chưa được phân lớp thì phải làm việc văn phòng, đi gác thi… Nhiều người ráng ở lại vì đợi chỉ tiêu du học thôi!”.
Một sinh viên sắp ra trường như tôi có thể cảm thông với suy nghĩ “chờ thời” ấy, nhưng tôi cứ băn khoăn tự hỏi: trường giữ lại những người trẻ ấy mà không đào tạo, không trọng dụng họ, cố tình dập tắt lửa trong lòng họ như vậy thì giữ để làm gì?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận