Cô Ngọc Bích (đứng giữa, cầm hoa) bên các bạn sinh viên Trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: CTV |
* Từ đâu cô có ý tưởng để sinh viên viết thư góp ý cho mình?
- Ý tưởng này hình thành cách đây khoảng ba năm, khi tôi bắt đầu giảng môn xã hội học nhập môn cho khá nhiều sinh viên không thuộc chuyên ngành này. Khi vào lớp tôi hỏi thì hầu hết các bạn không hình dung, hoặc là chưa nghe tên môn học bao giờ.
Là một người quan tâm đến việc lĩnh hội kiến thức của người học, nên tôi nghĩ cần có cách nào đó để biết họ nghĩ gì, biết gì trong buổi học. Để khi kết thúc môn, ít nhất sinh viên đạt được những mong muốn của mình về môn học.
Do vậy, sau buổi học thứ hai hoặc thứ ba, tôi sẽ dành khoảng 10 - 15 phút cho các bạn sinh viên lượng giá về các buổi học trước đó. Yêu cầu của tôi là... không yêu cầu gì cả. Các bạn có thể viết bất kỳ điều gì các bạn muốn, hoặc ấn tượng, hoặc góp ý, thậm chí phê bình về nội dung môn học, về phương pháp giảng bài, về tác phong lên lớp của giảng viên...
Và ngay từ lần đầu tiên tôi thực hiện, các lá thư tôi nhận được rất bất ngờ. Các bạn chia sẻ chân thành, hài hước, và thật sự gần gũi. Từ đó, tôi đều duy trì việc cho các bạn viết thư, như chờ đợi một niềm vui mới trong mỗi lớp học mà tôi giảng dạy.
Những bức thư góp ý của sinh viên đã gây chuyển biến tích cực cho cả hai. Vì sau khi đọc thư của mỗi lớp, dù ý kiến của mỗi bạn là khác nhau, nhưng chắc chắn sẽ nổi lên một ý kiến chung nhất cho lớp học đó. Tôi sẽ điều chỉnh về nội dung và cách thức tổ chức lớp, để phù hợp và thuận theo nguyện vọng của các bạn sinh viên |
Giảng viên PHẠM HOÀI NGỌC BÍCH |
* Những lá thư gửi cô Bích có nội dung như thế nào? Có khi nào cô bị tổn thương bởi những chia sẻ trong đó?
- Khá nhiều bạn nói rằng môn tôi giảng dạy có nội dung khô khan (cười). Nhưng sau vài buổi học các bạn bắt đầu thấy thú vị. Xã hội học là chuyên ngành nghiên cứu về các sự kiện xã hội. Để tìm ra được cách tạo hứng thú cho sinh viên trong giờ học, thì việc để các bạn tự nói lên đó là con đường ngắn nhất và chính xác nhất.
Tôi nhận được những lời nhận xét rất chân thành khi các bạn góp ý rằng tôi giảng bài hơi nhanh, một số khái niệm phân tích chưa sâu nên các bạn chưa hiểu rõ, hay trang phục của tôi quá truyền thống khi tôi chỉ mặc áo dài...
Các bạn hứng thú với các nội dung bài giảng về giáo dục giới tính, về bình đẳng giới, bạo lực học đường hay tình trạng lạm dụng rượu bia trong giới trẻ... Sinh viên của tôi chia sẻ rằng rất thú vị khi tôi để các bạn mạnh dạn phát biểu quan điểm về các sự kiện xã hội đó.
Sự thật là tôi chưa bao giờ thấy thẹn với bất kỳ nhận xét nào. Vì tôi không yêu cầu các bạn sinh viên để lại tên trên thư, nên tôi hiểu rằng dù có lời góp ý phê bình gay gắt nhất thì đó cũng là lời góp ý chân thành nhất. Nên mỗi khi nhận được lá thư góp ý nào, tôi thầm cảm ơn bạn sinh viên đó và luôn tự nhủ phải hoàn thiện mình trên bục giảng.
* Từ những lá thư của sinh viên, cô đã rút ra được những gì cho việc dạy của mình?
- Điều tôi tâm đắc nhất trong quá trình giảng dạy đó là luôn luôn và cần thiết gần gũi với sinh viên. Vì chỉ khi gần gũi mình mới hiểu và trao kiến thức mà các bạn cần bằng cách tốt nhất.
Đối tượng sinh viên của tôi đa dạng ngành học, nên khi tiếp cận với sinh viên, người giảng viên cũng phải có những cách thức phù hợp. Nội dung bài giảng của tôi không thay đổi, nhưng các ví dụ minh họa của tôi thì khác nhau trong mỗi lớp học. Việc tìm hiểu giới trẻ hiện nay thích gì, cần gì, mong muốn điều gì hay thậm chí đang theo trào lưu âm nhạc nào... mình cũng cần nên biết. Mình nên sống trong đời sống của chính các bạn.
Tôi là người hoài cổ, thích xem cải lương và nghe nhạc tiền chiến, nhạc cổ điển. Nhưng lâu lâu tôi cũng quan tâm thị trường âm nhạc đang có cơn sốt gì. Tôi nghe Sơn Tùng, Đông Nhi và cùng đi xem Chàng trai năm ấy với sinh viên. Khi đó, khoảng cách giữa tôi với các bạn sinh viên gần lại. Tôi thấy mình trẻ lên và các bạn sinh viên không nhìn tôi là một giảng viên quá khó tính, dù trong lớp tôi khá nghiêm khắc.
Thư sinh viên gửi cô Bích Lắng nghe sinh viên nhận xét về mình (thông qua hình thức sinh viên viết thư cho giảng viên) để điều chỉnh cách dạy học, dù là người hoài cổ, mê cải lương song cô cũng đã mon men nghe Sơn Tùng, Đông Nhi... cùng sinh viên để hiểu, đồng cảm với các bạn. Dưới đây là trích một vài thư gửi cô Bích: * “Môn học này không phải chuyên ngành của em và nó rất chán. Tuy nhiên, cô đã có những phương pháp cũng như cách dạy làm cho em có hứng thú hơn với môn học này, và em đọc tài liệu ngày càng nhiều hơn. Cô rất vui và thu hút. Cô gần gũi với chúng em, và sẵn sàng chia sẻ với chúng em mọi thứ”. * “Cô vui tính, hòa đồng, dễ gần gũi, nhiệt tình. Cách truyền đạt bài giảng tương đối sinh động, hình ảnh cụ thể và nhiều ví dụ minh họa, dễ tiếp thu. Đôi lúc cô hơi khó tính, làm một số phút học hơi căng thẳng. Nhưng tóm lại là em thích cô cười, và nhiệt tình với lớp. Đặc biệt là cách cô truyền đạt kiến thức”. * “Ưu điểm của cô: cô lên lớp đúng giờ. Cô lồng ghép các đoạn video có liên quan vào bài học rất hay. Cô vui tính và cũng nghiêm túc. Ý kiến góp ý của em về bài giảng của cô: - Cô nên nói nhiều ví dụ về phần giảng, vì theo em ngôn ngữ bài giảng là ngôn ngữ khoa học, mà kiến thức và thuật ngữ đó thì em chưa hiểu nên cô giải thích thêm các thuật ngữ đó. - Cô giảng hơi nhanh. - Ngoài thuật ngữ khoa học cô nên lấy ví dụ thực tế liên quan, để giúp em vừa nhớ bài học vừa nhớ ví dụ cô cho, em hiểu bài hơn”. * “Cô dạy rất hay, em chép bài rất mỏi tay. Tuy học buổi chiều buồn ngủ nhưng em cảm thấy học môn này rất có hứng thú. Những tưởng lịch sử, triết học không liên quan nhưng hóa ra nó rất có mối quan hệ với môn Anh, thú vị lắm. Cô hay mặc áo dài quá, em muốn thấy cô khác biệt hơn chút”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận