Đoạn clip đọc điểm được chia sẻ trên mạng không lâu đã có hàng triệu lượt xem, hàng trăm ngàn bình luận, chia sẻ. Và hai ngày qua, cộng đồng mạng vẫn tiếp tục lan truyền và bàn luận sôi nổi về đoạn clip khiến nhiều người "cười muốn nội thương vì không dừng được".
Giảng viên đọc điểm bằng biệt danh khiến cả lớp cười nghiêng ngả
Trong đoạn clip có độ dài hơn 3 phút, một giảng viên nam ngồi đọc điểm bài kiểm tra của sinh viên cho cả lớp nghe.
Video giảng viên đọc điểm bằng biệt danh khiến dân mạng ‘cười muốn nội thương’
Điều đáng nói, màn công bố điểm rất độc lạ của thầy giáo khiến cả lớp cười nghiêng ngả. Thay vì công bố điểm theo cách truyền thống, thầy giáo đã đọc biệt danh của từng sinh viên cùng với số điểm của từng bạn.
Theo thông tin từ clip này, các biệt danh hài hước, độc lạ do chính các sinh viên tự đặt đã khiến thầy giáo cười đến quên đọc điểm: "Cậu bé vô tri 10; Cầu dừa đủ qua môn 8,5; Cầu trời điểm hơn cả mong đợi 8; Chân ngắn đẹp gái cute 9; Điểm thấp nhất lớp 5; Diệp Đỉnh Chi quá đẹp trai 10; Gì vậy trời 8,5; Phạm Băng Băng 9; Người ấy là ai 10…".
Đặc biệt, có hai biệt danh vô cùng ấn tượng khi thầy vừa đọc, kèm với bình luận khiến cả lớp cười ầm: "Mẹ thương mẹ độ 4. Độ dữ lắm mới được 4, nếu không độ chắc 0 điểm", "Hết cứu 4. Hết cứu thiệt rồi á!".
Hiện đoạn clip này đã có hàng trăm ngàn lượt like (thích), chia sẻ và bình luận. Trong đó nhiều sinh viên đều dễ dàng nhận ra ngay "Thầy Duy khoa công nghệ thực phẩm Trường đại học Công nghiệp TP.HCM". "Ở lớp của thầy Duy, việc nhận điểm trở thành một trải nghiệm vô cùng thú vị".
Nhiều người còn cho rằng: "Thầy giáo sáng tạo thông minh", "Mã hóa tên như vậy hay nè, chỉ có thầy biết điểm của ai, còn lại điểm ai tự biết. Làm như thế cho cả lớp tò mò chơi", "Tính ra cái kiểu đặt biệt danh bảo mật này hay xỉu á"…
Hàng chục ngàn bình luận tỏ ra vô cùng thích thú với đoạn clip này, trong đó có phần lớn đều nhận xét: "Thầy và trò hài hước quá zị trời" và kèm thêm câu vui nhộn: "Dễ thương quá. Buồn cười nhất hai đứa "Hết cứu" và "Mẹ thương mẹ độ". Mẹ độ - hết cứu 4 là dòm bài nhau chắc luôn".
Bạn Hồng Thuận cho biết: "Tui coi video tui cười muốn nội thương, đọc bình luận của mọi người xong tui cười muốn nhập viện luôn vì không ngừng cười được".
"Tạo không khí thoải mái và bảo vệ sự riêng tư của sinh viên"
Chiều 1-9, Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với TS Trương Hoàng Duy - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường đại học Công nghiệp TP.HCM. Ông xác nhận mình là người xuất hiện trong đoạn clip trên.
"Đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube… được sinh viên quay lại lúc tôi công bố điểm bài kiểm tra quá trình môn kỹ thuật thực phẩm 1, là một trong số các môn tôi dạy", thầy Duy cho biết.
Theo thầy Duy, đối với các môn chuyên ngành của ngành công nghệ thực phẩm, sinh viên học sẽ có nhiều cột điểm, trong đó điểm thường kỳ trong suốt quá trình học sinh viên phải làm một vài bài kiểm tra, sau đó còn có điểm giữa kỳ, điểm cuối kỳ.
Đối với điểm cuối kỳ, sau khi thi xong nhà trường cắt phách bài thi để chấm và điểm thi được công bố trên hệ thống của trường.
Điểm giảng viên đọc tại lớp là điểm bài kiểm tra thường kỳ ghi nhận điểm quá trình học một học phần nào đó của sinh viên. Điểm bài kiểm tra quá trình thường sau khi chấm xong, giảng viên không trả lại cho sinh viên.
"Việc đọc điểm bằng biệt danh của từng sinh viên được tôi áp dụng khoảng 2 năm nay. Trước đây mỗi lần công bố điểm, đọc tên của từng sinh viên, có những bạn điểm thấp tỏ ra rất buồn và tự ti.
Trong khi các sinh viên điểm cao, đôi khi bạn bè với nhau có chút gì đó ganh tị. Tôi nhận thấy tâm lý đó của các bạn trẻ ngày nay như vậy nên đã hỏi ý kiến sinh viên cách gì đó để tránh…
Sau đó, sinh viên đề nghị được tự đặt biệt danh cho mình và chỉ có thầy và chính sinh viên đó biết. Tôi thấy ý kiến này hợp lý nên đã áp dụng. Trước ngày công bố điểm, tôi gửi đường link Google Forms cho sinh viên tự điền họ tên kèm biệt danh muốn đặt. Khi công bố điểm, tôi đọc biệt danh thay vì đọc tên sinh viên.
Với khối ngành kỹ thuật công nghệ, nhiều môn học hơi khô khan, bản thân tôi cho rằng giảng viên không nên quá cứng nhắc mà cần nghĩ ra cách để tạo không khí vui vẻ trong lớp học", thầy Duy tâm sự.
Thầy Duy còn cho biết thêm thực tế có một số sinh viên khi đặt biệt danh không phù hợp ông đã nhắc nhở và yêu cầu sửa lại.
"Qua một vài kỳ công bố điểm theo cách này, thực sự đã tạo không khí thoải mái và bảo vệ sự riêng tư của sinh viên. Việc đọc điểm bằng biệt danh thực tế được sinh viên rất thích thú, cả sinh viên đạt điểm cao hay thấp đều đón nhận một cách nhẹ nhàng", thầy Duy chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận