​Giảng viên đi dạy trễ: phải bồi thường

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Đó là quy định mà từ học kỳ 2 này Trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã áp dụng đối với giảng viên đi dạy trễ.

Trường ĐH Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) quy định giảng viên đi trễ sau năm phút phải bồi thường cho sinh viên - Ảnh: Đ.Cường
Quan niệm lâu nay của sinh viên thường là thầy cô luôn luôn đúng. Có khi giảng viên sai nhưng hẳn nhiều sinh viên không dám nói. Đó không phải là các em sợ, mà do sinh viên chưa có thói quen phản biện lại thầy cô. Vì thế, chúng tôi muốn trao quyền bình đẳng cho sinh viên bởi họ là công dân đi học và để sinh viên nói điều mình suy nghĩ
ThS Đỗ Thế

Ngoài việc phải bồi thường cho sinh viên, nhiều nội dung của quy định này được xem là khá nghiêm khắc đối với giảng viên.

Theo ThS Đỗ Thế - phó hiệu trưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh, từ đầu học kỳ II này trường thực hiện quy định nề nếp lên lớp của giảng viên và sinh viên. Theo quy định này, giảng viên ra vào lớp phải đúng giờ, thời gian đến lớp chậm tối đa năm phút đầu buổi hoặc ra sớm năm phút cuối buổi dạy học. Mỗi học phần chỉ được vào lớp chậm hoặc ra sớm năm phút là ba lần.

Giảng viên đi dạy trễ “xử” thế nào?

Cũng theo quy định này, sau năm phút nếu thấy giảng viên không đến lớp sinh viên có quyền ra về. Giảng viên phải dạy bù buổi học đó. Mọi phí tổn và các vấn đề phát sinh cho tổ chức dạy lại, giảng viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm (về tinh thần và vật chất), bao gồm việc bồi thường cho sinh viên về việc họ mất thời gian học lại.

Tất cả các phí tổn này của giảng viên sẽ được phòng tài chính trích trực tiếp từ tiền lương của giảng viên trong tháng xảy ra sự việc. Trước mỗi buổi dạy học, khi có việc đột xuất như đau ốm, hư hỏng phương tiện... cần nghỉ dạy, giảng viên phải báo cáo trước cho lớp trưởng, khoa ít nhất 15 phút không để làm phiền cho sinh viên.

Theo ThS Thế, những quy định này trước khi áp dụng, lãnh đạo nhà trường đã họp tất cả giảng viên, cán bộ để lắng nghe ý kiến. Dù đây được xem là những quy định khá “rắn” nhưng giảng viên đều đồng ý.

Trong quy định này, Trường ĐH Phan Châu Trinh cũng yêu cầu: khi sinh viên vào lớp chậm sau năm phút đầu tiết học, giảng viên có quyền ghi vắng tiết học đó và có thể không cho vào lớp. Ngoài ra, nhà trường không quy định đồng phục khi lên lớp. Giảng viên, sinh viên được mặc trang phục theo sở thích nhưng cần phải đảm bảo tính nghiêm túc, phù hợp thuần phong mỹ tục.

Trao quyền cho sinh viên

ThS Thế cho biết một điểm lý thú trong quy định này là trong lớp học, giảng viên phải xem sinh viên là công dân đi học, khuyến khích sinh viên xưng tôi với giảng viên và bạn bè. Khuyến khích sinh viên tranh luận, phản biện các ý kiến của giảng viên.

Giảng viên Lương Thị Thu Hà (ĐH Phan Châu Trinh) cho biết thường buổi học được hai tiết. Nếu giảng viên đi trễ hơn 5-10 phút, khởi động máy tính mất vài phút thì thời gian dạy chỉ còn đếm trên ngón tay, rõ ràng thiệt thòi cho sinh viên. “Thậm chí khi chưa áp dụng quy định này, nhiều sinh viên xì xầm: sinh viên đi trễ thì đánh vắng, giảng viên đi trễ thì xử lý ra sao?” - cô Hà cho biết thêm.

Cũng theo giảng viên này, bản thân cô cũng có một vài lần đi trễ vì lý do bất khả kháng, sau đó phải làm giải trình với nhà trường.

Theo cô Hà, với việc áp dụng quy định này, trách nhiệm của giảng viên rất lớn, nhưng nếu so với việc để lớp học hơn 40 sinh viên ngồi chờ giảng viên thì cũng thỏa đáng. “Với quy định này, những giảng viên như tôi cũng phải chịu trách nhiệm, bị xử lý như sinh viên. Bình đẳng với sinh viên như vậy cũng là điều nên làm”- giảng viên Hà chia sẻ.

Sinh viên Đỗ Văn Chính (lớp ngôn ngữ Anh) khi được nhà trường phổ biến quy định này tỏ ra rất bất ngờ. Chính cho biết: “Suốt thời gian học phổ thông chưa từng nghĩ đến việc nói ngược lại giáo viên, giờ thấy quy định giảng viên đi trễ phải bồi thường, bị xử phạt, sinh viên có quyền đi về quả hơi lạ. Tụi mình thấy như kiểu được trao quyền và được đối xử bình đẳng”. Tuy nhiên, Chính cho rằng: “Nếu giảng viên có đi trễ chắc cũng ít bạn sinh viên nào ra về mà sẽ ráng chờ thêm ít phút nữa”.

Còn sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung (lớp ngôn ngữ truyền thông) chia sẻ thêm: “Lúc mới được phổ biến quy định sinh viên đi trễ sau năm phút thì bị đánh vắng, tôi cảm thấy hơi nặng tay với sinh viên quá. Nhưng thấy giảng viên đi trễ như vậy cũng bị xử lý thì không bàn cãi thêm nữa”. Cũng theo Dung, với quy định này, sinh viên cảm thấy mình được tôn trọng hơn. 

Ý kiến

TS Mỵ Giang Sơn (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn):

Có thể kiểm tra đột xuất

Quy định như vậy mục đích của trường có lẽ là muốn đặt quyền lợi của sinh viên lên cao nhất, buộc giảng viên phải dạy đúng và đủ giờ. Tuy nhiên, thực tế có nhiều vấn đề khiến điều này hơi khó đối với giảng viên. Ngay bản thân tôi đang lên lớp thì gặp đồng nghiệp và họ hỏi vấn đề gì đó nên trả lời, như thế có thể sẽ bị trễ giờ.

Để quản lý việc lên lớp của giảng viên, Trường ĐH Sài Gòn không đưa ra quy định như vậy. Tuy nhiên, để đảm bảo kỷ cương dạy học, trường nhắc các khoa sinh hoạt với giảng viên, phòng thanh tra có thể kiểm tra đột xuất các lớp để kiểm soát việc vào trễ, ra sớm hay bỏ giờ của giảng viên. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể phản ảnh với trường về việc giảng viên đi trễ hay bỏ giờ dạy theo thời khóa biểu đã phân. Trường sẽ xác minh và xử lý.

Ông Nguyễn Phước Đại (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM):

Không gay gắt như vậy

Hầu hết các trường đều có kiểm soát để tránh tình trạng giảng viên đến trễ hay bỏ giờ nhưng không gắt như vậy. Đặc biệt tại TP.HCM, đường sá đông đúc nên có thể có những sự cố ngoài ý muốn, dẫn đến việc giảng viên đến trễ vài phút. Trường ĐH Ngoại ngữ tin học có bộ phận kiểm tra. Nếu phát hiện giảng viên đến trễ, họ sẽ nhắc nhở giảng viên, sau đó báo cáo lại với trường. Giảng viên cũng có tự trọng của họ nên sau khi được nhắc nhở thường không vi phạm nữa.

L.A.V. (sinh viên ngành báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG TP.HCM):

Không nhất thiết đúng giờ như phổ thông

Trường thường xếp lịch học mỗi môn kéo dài liên tục 3-4 tiết học. Những môn học như vậy, giảng viên thường cho sinh viên nghỉ trước 15-30 phút. Giảng viên của khoa thường đi dạy đúng giờ trong khi giảng viên thỉnh giảng bên ngoài thường đi trễ nhiều hơn.

Thực tế nhiều sinh viên thích giảng viên cho nghỉ sớm bởi nhiều môn học giảng viên kéo dài thời gian dạy thường bị phản ứng. Hơn nữa, nhiều môn học liên tục nhiều tiết và sinh viên cũng đã uể oải, không tập trung. Tôi không đặt nặng vấn đề giảng viên đi trễ, về sớm bởi khi vào ĐH, cách dạy và học không giống như ở phổ thông. Sinh viên tự học, tự đọc sách về môn học đó rồi, giảng viên chỉ gợi mở nên không cần thiết phải tuân thủ giờ giấc nghiêm ngặt như thời phổ thông.

MINH GIẢNG ghi

 

 

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên