Theo bạn đọc Lại Thị Ngọc Hạnh, trong thời buổi ngày nay, ứng dụng Chat GPT đang được rất nhiều sinh viên tin dùng.
Nhưng thay vì biến trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành công cụ phục vụ việc học tốt hơn, một số sinh viên đã sao chép "nguyên con" khiến thầy cô giáo dở khóc dở cười.
Câu chuyện sau đây bạn đọc này gửi đến Tuổi Trẻ Online nhằm góp thêm góc nhìn về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.
"Giáo viên! Không phải chỉ ngày 20 -11 tôi mới nhớ đến bạn"
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, tôi nhận được một tin nhắn chúc mừng rất dài của một sinh viên như sau:
"1. Xin chân thành cảm ơn. Các bạn là những người thầy của chúng tôi, người cho chúng tôi những lời khuyên và ước mơ để xây dựng cuộc sống của mình.
2. Tôi ước gì tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với bạn. Tuy nhiên thật khó để diễn đạt bằng lời nói. Tôi chỉ hy vọng tấm thiệp nhỏ này có thể thể hiện một phần sự cảm kích nồng nhiệt nhất từ tận đáy lòng của tôi.
3. Giáo viên! Không phải chỉ ngày 20-11 tôi mới nhớ đến bạn. Đối với tôi, ngày nào cũng là ngày 20 tháng 11. Chúc thầy mãi mãi hạnh phúc và tự hào về học trò của mình.
4. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Việc giảng dạy của thầy không bao giờ kết thúc. Không có kết thúc cho lòng biết ơn của tôi. Chúc các bạn sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
5. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam xin gửi tới các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và vững bước trên con đường sự nghiệp".
Đọc xong lời chúc dài dằng dặc này tôi thấy lo lắng. Rõ ràng đây là một lời chúc được viết bởi Chat GPT - hiện đang được rất nhiều sinh viên tin dùng.
Điều đáng lo ở đây là sinh viên đã sao chép nguyên vẹn lời chúc do Chat GPT viết mà không hề đọc lại, nên dẫn đến tình huống dở khóc dở cười: người nhận là cô nhưng lời chúc lại viết "thầy", thậm chí có đoạn còn gọi cô là "bạn"!
Đã vậy trong tin nhắn không hề kèm theo bất kỳ tấm thiệp nhỏ nào như lời chúc đã viết.
Điều này cho thấy sinh viên này đã quá tin tưởng vào trí tuệ nhân tạo, cho rằng Chat GPT luôn đúng trong mọi câu lệnh.
Liệu sinh viên có đánh mất khả năng tư duy, suy luận, đánh giá?
Để làm một phép thử, trong một giờ học, khi tôi yêu cầu sinh viên trả lời nội dung quan điểm về chuẩn mực yêu thương con người và liên hệ đến bản thân sinh viên đã có hành động gì thể hiện lòng yêu thương con người?
Một bạn sinh viên đã trả lời tôi: để thể hiện tình yêu thương con người, bạn phải làm A, phải làm B…
Tôi nhắc lại câu hỏi: liên hệ đến bản thân em, chứ không phải đến bạn nào đó nói chung.
Câu trả lời này em lấy từ Chat GPT đúng không? Sinh viên cười ngượng ngùng thừa nhận đúng là mình đã sử dụng Chat GPT.
Câu hỏi không khó nhưng thay vì tự mình phải suy nghĩ thì sinh viên lại nhờ Chat GPT suy nghĩ giùm và bản thân cũng không hề đánh giá lại xem liệu câu trả lời đó đúng hay sai.
Dường như dựa vào Chat GPT nói riêng và các công cụ trí tuệ nhân tạo nói chung, lười suy nghĩ đã trở thành thói quen của một bộ phận sinh viên, tới mức đã trở thành điều bình thường.
Thói quen này về lâu dài sẽ vô cùng nguy hiểm đối với sinh viên, bởi nếu quá phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo thì đến một lúc nào đó sinh viên sẽ đánh mất khả năng tư duy, suy luận, đánh giá, thậm chí tin vào câu trả lời của trí tuệ nhân tạo hơn là tin vào bản thân mình.
Cùng với xu hướng lệ thuộc vào AI là thói quen sử dụng mạng xã hội nhiều giờ trong ngày cho việc xem các video với nội dung giải trí, thậm chí vô bổ, nhảm nhí chỉ để cho vui, thay vì tương tác trực tiếp với người thật.
Không phải ngẫu nhiên mà từ Brain rot - "thối não" - được Nhà xuất bản Đại Học Oxford lựa chọn là từ của năm 2024.
"Thối não" được định nghĩa là sự suy giảm về mặt tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt là do tiêu thụ quá nhiều nội dung tầm thường hoặc không có giá trị.
Nhà xuất bản Đại Học Oxford cho biết thuật ngữ này đã trở nên nổi bật hơn vào năm 2024 khi được sử dụng để nêu bật mối lo ngại về tác động của việc "tiêu thụ" quá nhiều nội dung online chất lượng thấp, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo là xu thế không thể đảo ngược. Nhưng thay vì con người phải là chủ thể chủ động, chứ không thể tự đưa mình vào thế bị động, để trí tuệ nhân tạo sử dụng mình.
Sinh viên có quyền sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo, nhưng không được tin tưởng tuyệt đối, mà cần phải đọc kỹ, đánh giá, chỉnh sửa cho phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận