10/06/2020 11:06 GMT+7

Giảng viên cơ hữu: Quyết liệt ngăn 'đánh trống ghi tên'

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Trước thực tế một giảng viên đồng thời nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của hai trường, Bộ GD-ĐT kiên quyết yêu cầu các trường phải giải trình, điều chỉnh, đồng thời có những giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này.

Giảng viên cơ hữu: Quyết liệt ngăn đánh trống ghi tên - Ảnh 1.

Bộ GD-ĐT đang có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng một giảng viên xuất hiện đồng thời trong danh sách cơ hữu của hai trường. Trong ảnh: giảng viên của một trường ĐH tại TP.HCM tham gia tập huấn dạy học trực tuyến - Ảnh: K.T.

Trước thực tế một giảng viên đồng thời nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của hai trường, Bộ GD-ĐT kiên quyết yêu cầu các trường phải giải trình, điều chỉnh, đồng thời có những giải pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này.

Đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Tài chính - marketing đã được trường hoàn thành từ đầu tháng 5-2020. Tuy nhiên, việc công bố chính thức chưa thể thực hiện ngay do Bộ GD-ĐT phát hiện có một số giảng viên cơ hữu trùng với trường khác, yêu cầu báo cáo.

Trả đề án vì trùng giảng viên

TS Đặng Thị Ngọc Lan, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho biết năm nay trường có tuyển dụng một số giảng viên và đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu trong đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, khi đưa đề án vào phần mềm quản lý, Bộ GD-ĐT phát hiện những người này trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các trường khác nên yêu cầu trường phải báo cáo.

"Có thể trường cũ vẫn để tên những giảng viên này nên phần mềm của bộ phát hiện ra và cảnh báo. Chúng tôi phải cung cấp minh chứng, quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động để chứng minh đây là những giảng viên cơ hữu của trường" - bà Lan nói.

Đây không phải là lần đầu tiên trường phải chứng minh điều này. Theo bà Lan, năm 2019 trường có hơn 20 giảng viên cơ hữu trùng tên với trường khác (một giảng viên đứng tên ở hai trường) trong đề án tuyển sinh. 

Theo bà Lan, đây là giảng viên cơ hữu của trường, có tham gia dạy thỉnh giảng ở một số trường khác và trường đó lại đưa tên họ vào danh sách giảng viên cơ hữu dẫn đến trùng lặp. Trường phải chứng minh đó là người của mình.

Tương tự, nhiều trường ĐH khác cũng bị cảnh báo trùng giảng viên cơ hữu khi dữ liệu đề án tuyển sinh được nhập vào phần mềm quản lý chung của bộ. 

TS Nguyễn Quốc Khanh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết sau khi trường gửi danh sách đăng ký chỉ tiêu, đề án của trường bị bộ trả về với ghi chú có nhiều giảng viên trùng với trường khác. Trường phải xác nhận đây chính là giảng viên cơ hữu của trường.

"Tình trạng này diễn ra nhiều năm rồi. Thậm chí năm 2019, một trưởng phòng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường khác. Có nhiều giảng viên dạy thỉnh giảng và cũng bị đưa vào danh sách giảng viên cơ hữu khi đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của trường thỉnh giảng" - ông Khanh nói.

Tình trạng một giảng viên đứng tên cơ hữu hai trường đã diễn ra nhiều mùa tuyển sinh. Năm 2019, hàng loạt trường bị báo chí phanh phui kê khai giảng viên xác định chỉ tiêu chưa chính xác, nhiều giảng viên đứng tên cơ hữu ở hai trường. 

Bộ GD-ĐT sau đó đã yêu cầu các trường rút đề án tuyển sinh, điều chỉnh lại chỉ tiêu của trường mình cho phù hợp với điều kiện đảm bảo chất lượng của trường.

Hạn chế khai chưa chính xác

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, để hạn chế việc trường khai báo thông tin về giảng viên không chính xác như năm 2019, ngay từ giai đoạn báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã xây dựng phần mềm để hỗ trợ các trường cập nhật danh sách giảng viên cơ hữu vào một cơ sở dữ liệu chung. 

Phần mềm sẽ tự động rà soát (theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu), nếu phát hiện giảng viên cơ hữu của trường đang đứng tên là giảng viên cơ hữu ở trường khác sẽ gửi email đến Bộ GD-ĐT và các trường có giảng viên liên quan. 

Trên cơ sở thông tin cảnh báo liên tục và kịp thời từ hệ thống, các trường sẽ phải điều chỉnh lại để đảm bảo đúng các quy định về giảng viên cơ hữu của trường. Điều này sẽ hạn chế tình trạng kê khai chưa chính xác khi xác định chỉ tiêu do thực hiện không đúng quy định đã xảy ra trước đây.

Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, số lượng giảng viên cơ hữu thuộc các cơ sở giáo dục ĐH tăng bình quân hơn 1.000 người mỗi năm. Riêng năm học 2018-2019, số giảng viên cơ hữu lại giảm hơn 1.600 người so với năm trước. 

Trong đó khối trường công lập giảm gần 3.000 giảng viên, khối ngoài công lập tăng hơn 600 người. Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho biết việc phát triển giảng viên mới phần lớn qua tuyển dụng. Số lượng giảng viên phát triển tại chỗ không nhiều, đa số là mới học từ nước ngoài về hoặc hoàn thành thạc sĩ.

Cũng theo ông này, việc phát triển số lượng giảng viên còn chậm so với quy mô, đó là chưa kể chất lượng. "Việc tuyển dụng thực chất là việc dịch chuyển giảng viên từ trường này sang trường khác. 

Một số người tham gia các đề án đào tạo ở nước ngoài trở về có thể là nguồn bổ sung nhưng không đáng kể. Hơn nữa, số liệu thống kê từ các trường về giảng viên chưa hẳn chính xác.

Thực tế khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, có rất nhiều thạc sĩ, cử nhân ở các phòng ban hoàn toàn không tham gia vào việc giảng dạy chuyên môn nhưng các trường lách và kê vào danh sách giảng viên cơ hữu với mục tiêu tăng chỉ tiêu tuyển sinh" - ông này nói.

Gửi cả bảng lương, bảo hiểm xã hội

Theo TS Phan Ngọc Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, năm nay trường có vài trường hợp giảng viên trùng với trường khác. Việc này được phát hiện ngay khi trường đưa dữ liệu vào hệ thống chung của bộ.

"Đây là giảng viên mới chuyển về trường nên vẫn còn dữ liệu ở trường cũ. Thông thường, trường chỉ cần khẳng định với bộ đó là giảng viên cơ hữu của trường. Trong một số trường hợp khi có yêu cầu, trường phải gửi bảng lương, bảo hiểm xã hội, quyết định tuyển dụng" - ông Minh nói.

Quản lý các điều kiện đảm bảo chất lượng

Với việc sử dụng hệ thống dữ liệu chung, ngoài việc quản lý đăng ký chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng, bà Nguyễn Thu Thủy cho biết dữ liệu này sẽ phục vụ cho công tác quy hoạch mạng lưới, xây dựng đề án tăng cường hỗ trợ năng lực giảng viên, quản lý tuyển sinh, qua đó quản lý các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Các trường căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thị trường lao động, được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong việc xác định, thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm cũng như kê khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của mình.

Tối thiểu 50% giảng viên cơ hữu phải đang trong độ tuổi lao động Tối thiểu 50% giảng viên cơ hữu phải đang trong độ tuổi lao động

TTO - Đối với các trường đào tạo giáo viên ngoài công lập, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy ngành đăng ký đào tạo có tối thiểu 50% số giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy đang trong độ tuổi lao động.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên