Đạo diễn (bìa phải) đang chỉ đạo diễn xuất trên trường quay phim Giang hồ nhi nữ - Ảnh: Sina
Đạo diễn đã yêu cầu người soạn phụ đề tiếng Anh không dịch từ "giang hồ", mà sử dụng nguyên từ tiếng Trung "jianghu" với hi vọng bộ phim của ông, biết đâu, sẽ truyền bá thuật ngữ này ra hải ngoại.
Ra nước ngoài, tên bộ phim tùy thuộc quyết định của nhà phát hành và đôi khi khá xa lạ với tên nguyên bản.
Nhà phát hành ở các nước nói tiếng Anh chọn nhan đề Ash is purest white (Tro trắng thuần khiết nhất) xuất phát từ trường đoạn ở đầu phim, khi nhân vật Qiao đi dạo lên đỉnh đồi với tình nhân, chỉ tay sang núi lửa và nói "Không gì thuần khiết hơn tro núi lửa.
Cái gì cháy ở nhiệt độ cao đều trở nên thuần khiết". Bin nhìn bâng quơ, hình như không cảm nhận Qiao ám chỉ tình yêu nồng cháy của cô...
Ash is Purest White | Official US Trailer |
Giang hồ theo nghĩa rộng ban đầu
Các nhà phát hành Pháp chọn nhan đề Les éternels (Những người muôn thuở) mà ý nghĩa không mấy rõ ràng, phải chăng vì, như Giả Chương Kha nói, trong xã hội Trung Quốc đã biến đổi, các giá trị đều bị đảo lộn, chỉ có một giới vẫn trung thành với những giá trị của họ và ứng xử theo luật cố hữu của mình, đó là những kẻ giang hồ?
Giả ưa nhắc đến cách ngôn - mà cũng có thể do ông tự đặt: "Cứ có người là có giang hồ" - để nhấn mạnh sự trường tồn của giới này trong mọi xã hội.
Giả Chương Kha nhắc rằng trong văn học cổ điển Trung Hoa, giang hồ là thuật ngữ chỉ thế giới những người sống bên lề xã hội, từ nghệ sĩ, tu sĩ, hiệp sĩ... đến cướp phỉ hay mại dâm; nói chung những người có lối sống khác thường, không phục tùng các quy ước xã hội. Về sau này, giang hồ mới đồng hóa với xã hội đen.
Đối với Giả Chương Kha, phải hiểu giang hồ theo nghĩa rộng ban đầu của nó, như là hình tượng nghệ thuật tố cáo sự thoái hóa của trật tự xã hội chính quy, điển hình là Thủy Hử với 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Trong điện ảnh, Giả Chương Kha xác nhận ông chỉ theo bước chân của các đạo diễn đàn anh ở Đài Loan, Hong Kong là Hầu Hiếu Hiền, King Hu - Hồ Kim Thuyên hay Ngô Vũ Sâm.
Tất nhiên, người ta sẽ phân biệt Giang hồ nhi nữ với các tác phẩm Đài Loan/Hong Kong ở ngôn ngữ điện ảnh đặc trưng của Giả Chương Kha.
Phong cách kết hợp phim truyện với phim tài liệu đã trở thành dấu ấn của nhà đạo diễn Trung Quốc, khiến người xem không ngừng bị kéo về hiện thực cuộc sống trần trụi.
Đó cũng là mối quan tâm xuyên suốt sự nghiệp điện ảnh của Giả, từ phim truyện đầu tay Tiểu Vũ, tên móc túi (1998), lồng quyện những câu chuyện cá nhân với lịch sử nước Trung Quốc cận đại.
Cảnh phim Giang hồ nhi nữ
Trung thành, trung trực
Giang hồ nhi nữ lồng quyện mối tình giữa Qiao - Bin vào những biến thiên của Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ 21, chia thành ba thời đoạn.
Chuyện tình của Qiao và Bin mở đầu năm 2001 tại Sơn Tây, tỉnh đông bắc Trung Quốc, nơi những mỏ than lần lượt đóng cửa.
Có bố là công nhân mất việc, Qiao sống chung với Bin - trùm băng đảng xã hội đen ở thị xã Datong.
Tuy không thuộc băng đảng, Qiao tham gia lễ tuyên thệ "trung thành, trung trực" của giới giang hồ.
Khi Bin bị băng trẻ tấn công, Qiao cứu tình nhân bằng khẩu súng mà Bin sở hữu bất hợp pháp. Nhận tội thay người yêu, Qiao bị án tù 5 năm.
Thời kỳ thứ hai là khi Qiao mãn hạn tù năm 2016, tìm kiếm Bin phía tây nam Trung Quốc và phát hiện người yêu đã "sang trang": không những bỏ rơi cô để sống với người khác, mà Bin còn từ bỏ thế giới giang hồ để hội nhập những nhóm lợi ích câu kết với chính quyền tham nhũng.
Trường đoạn hai kẻ cựu tình chia tay trong khách sạn là đỉnh cao cảm xúc, nơi nhiều người cho rằng Triệu Đào xứng đáng nhận giải nữ diễn viên xuất sắc.
Thời kỳ thứ ba, Qiao quyết định trở về Sơn Tây thay chỗ Bin, chiêu tập lại nhóm giang hồ. Năm 2018, Bin thất cơ lỡ vận thân tàn ma dại, được Qiao đón về Datong.
Trường đoạn then chốt của phim xảy ra khi Qiao đưa Bin trở lên đỉnh đồi kỷ niệm, nói: "Em không còn tình cảm với anh nữa".
Bin ngơ ngác: "Vậy tại sao em đón anh về?". "Đó là tính trung trực, nhưng anh không hiểu được, bởi anh không còn là giang hồ nữa". Lời nói của Qiao làm Bin chết điếng. Không chỉ Bin, mà có lẽ cả xã hội Trung Quốc.
Ngoài thông điệp xã hội, người ta tự hỏi Giả Chương Kha có chăng thông điệp cá nhân bởi không chỉ xã hội Trung Quốc đã biến đổi nhiều trong những năm qua, mà bản thân Giả cũng có nhiều thay đổi: từ một nhà đạo diễn độc lập, bị cấm làm phim phải quay chui, không được phát hành phim, không được tham dự liên hoan phim quốc tế;
Kể từ phim Thế giới (The world, 2004), Giả Chương Kha được nhà nước công nhận, được thành lập rạp chiếu riêng, website điện ảnh, liên hoan phim quốc tế. Hơn vậy, còn là đại biểu quốc hội, nhà đầu tư công nghệ giải trí, du lịch...
Với Giang hồ nhi nữ, phải chăng họ Giả muốn ngầm nói lên rằng bất luận những đổi thay cuộc sống, bản thân ông vẫn trung thành với những giá trị của thế giới giang hồ - như một nghịch lý cá nhân?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận