06/04/2019 16:40 GMT+7

'Giang hồ chém gió' kiếm tiền tỉ, xu hướng YouTuber Việt?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Làm video đàng hoàng, có đầu tư chưa chắc đã thu hút nhiều người xem nếu nội dung không hay. Thế nhưng, những video chém gió, chửi đời… lại dễ dàng thu hút cả triệu lượt người xem.

Giang hồ chém gió kiếm tiền tỉ, xu hướng YouTuber Việt? - Ảnh 1.

Những video "chém gió" của giang hồ mạng thu hút rất đông người xem - Ảnh chụp màn hình

Vài ngày gần đây, hàng loạt kênh "giang hồ mạng" đua nhau "nở rộ" trên mạng xã hội YouTube. Các kênh này hầu hết là lấy lại nội dung các video của hai kênh bị đóng kia, nhưng vẫn thu hút đến hàng nghìn lượt xem của người dùng.

Câu view chưa bao giờ dễ thế

Chỉ cần vào YouTube và tìm kiếm với từ khóa Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền, người dùng dễ dàng nhìn thấy hàng loạt kênh mới mạo danh hoặc chứa từ khóa của hai nhân vật trên, như: Dương Minh Tuyền, dương minh tuyền, Dương Minh Tuyền Vlog, Minh Tuyền Dương, Dương Minh Tuyền TV… hay Khá BảnH, Khá Bảnh, khá bảnh, Khá Bảnh Vlogs, Kha khá bảnh, Khá Bảnh chém gió…

Nhiều kênh mới chỉ được lập ra vài ngày gần đây nhưng đã có đến hàng chục, hàng trăm người đăng ký theo dõi. Nhiều video - vốn được lấy lại từ các kênh đã đóng trước đây - vẫn thu hút người xem đến hàng nghìn lượt.

Nội dung những đoạn video của các "giang hồ mạng" nêu trên chẳng phải tốn công phu dàn dựng kịch bản hay đạo diễn quay phim.

Tất cả chỉ cần một chiếc smartphone quay những hình ảnh rất đời thường… còn lại là khả năng "chém gió" của diễn viên chính. Tất nhiên một phần cũng chính bởi nội dung "giang hồ" nên được đông đảo người dùng tò mò vào xem, góp phần mạnh vào việc tăng view (lượt xem) cho các video này.

Nhưng nhiều kênh "giang hồ mạng" thu hút rất đông người theo dõi và xem video.

Chẳng hạn như: Dũng trọc Hà Đông (gần 69.000 người đăng ký theo dõi, gần 5,4 triệu lượt xem), Phú Lê (1 triệu đăng ký, 171 triệu lượt xem), Ngân trọc (173.500 đăng ký, 22,6 triệu lượt xem), Giang hồ Channel nnc (64.400 đăng ký, 22,5 triệu lượt xem)…

Những kênh này đều có doanh thu hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Chính điều này đã khiến việc xuất hiện hàng loạt kênh mạo danh hoặc nhái theo nội dung giang hồ trong thời gian qua.

Giang hồ chém gió kiếm tiền tỉ, xu hướng YouTuber Việt? - Ảnh 2.

Một kênh Youtube mạo danh vừa được lập ra vào ngày 27-3-2019. - Ảnh chụp màn hình

Cũng chính từ hiện tượng nêu trên, nhiều người đang lo ngại những kênh, nội dung video "giang hồ chém gió" sẽ là xu hướng "nở rộ" của làng YouTube Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Thanh Phi, giám đốc Công ty truyền thông Leo Brothers, cho rằng: "Sự bành trướng và lan tỏa nhanh của các kênh nội dung xấu có một phần trách nhiệm từ phía người dùng. Điều này không có nghĩa đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho người dùng, mà muốn nhắc đến vai trò to lớn của người dùng. Chúng ta cần tỉnh táo hơn và nghiêm khắc hơn với các thể loại nội dung xấu, tận dụng những công cụ mà các nền tảng cung cấp để chung tay đẩy lùi tệ nạn này".

Cụ thể, theo ông Phi: "Hãy ngừng chia sẻ những hình ảnh, nội dung xấu mặc cho nó có gây cười; hãy tố cáo cho nền tảng nội dung xấu thông qua nút "report"; hãy nhấn "không thích - unlike".

Thay vì chúng ta thường có thói quen đả kích một vấn đề thông qua sự mỉa mai, cười cợt thì hãy tấn công nó một cách trực diện bằng cách lên án, đề nghị nghiêm túc gỡ bỏ. Đó là những hành động cụ thể mà mỗi người dùng có thể dễ dàng làm ngay để thể hiện trách nhiệm của mình, chung tay ngăn chặn sự lây lan của những nội dung xấu".

Trang bị "sức đề kháng" cho người trẻ

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Lương Phương Lan, thạc sĩ chuyên ngành truyền thông và quan hệ công chúng, cho rằng hiện nay các bạn trẻ có rất nhiều điều kiện tốt để tiếp xúc với các nguồn thông tin, từ các kênh truyền thông, báo chí, và đặc biệt là mạng xã hội, Internet…

Tuy nhiên, đây cũng được xem là con dao 2 lưỡi nếu chính bản thân các em không có "sức đề kháng" với các loại thông tin đó, không biết thông tin nào cần được "tiêu hóa" để trở thành "thức ăn, chất bổ dưỡng" cho mình và thông tin nào thì không.

Giang hồ chém gió kiếm tiền tỉ, xu hướng YouTuber Việt? - Ảnh 3.

Nhiều kênh xuất hiện những nội dung "ăn theo" hiện tượng "giang hồ mạng" - Ảnh chụp màn hình

"Tôi vẫn hay nói với sinh viên của mình rằng, mỗi em cần có một "máy lọc" trong đầu mình để lọc những thông tin "sạch" và loại bỏ thông tin "bẩn", thông tin không phù hợp. Quan trọng nhất là nhận thức được sự PHÙ HỢP.

Tôi không đánh giá ngay về việc xấu hay tốt, tôi thích từ PHÙ HỢP hơn. Có nhiều hiện tượng và hành động trên mạng xã hội có thể được chấp nhận ở một số quốc gia, vì văn hóa và điều kiện sống của họ cho phép, nhưng ở Việt Nam thì không PHÙ HỢP, mặc dù có thể bản chất nó không XẤU", bà Lan nhận xét.

Cũng theo nhận định của bà Lan, với một cộng đồng mạng không có nhiều "kháng sinh" như của Việt Nam hiện nay, đó là nhiệm vụ của giáo dục, để chỉ ra cho các em về sự phù hợp nêu trên.

Cụ thể, cả nhà trường và gia đình cần nhìn nhận các khía cạnh và vấn đề một cách khách quan và chỉ ra cho các em - chứ không phải chỉ cấm đoán và không cho các em biết lý do, như vậy chỉ càng kích thích sự tò mò và mong muốn được tìm tòi của các em mà thôi.

"Tôi ví dụ như hiện tượng "giang hồ mạng" hiện nay - một "hot trend" trong cộng đồng các bạn trẻ hiện nay. Tại sao họ lại được các em xem là thần tượng, tại sao chúng ta thấy những hành động của "giang hồ mạng" không PHÙ HỢP nhưng các bạn trẻ lại không thấy như vậy? Trong chúng ta, có ai đã từng chỉ ra cụ thể cho các em vì sao hiện tượng "giang hồ mạng" là không phù hợp cho các em? - Nhà trường hay phụ huynh?

Thêm vào đó, tôi cũng nghĩ cần có một cơ chế chọn lọc thông tin của các nhà quản lý. Không thể tiếp tục cho phát tán vi-rút vào cộng đồng mạng thiếu "kháng sinh" như của chúng ta hiện nay được, vì những con vi-rút đó sẽ lây lan rất nhanh, gây tác hại khôn lường", bà Lan đề xuất.

YouTube đẩy trách nhiệm cho người xem

Những kênh mạo danh hay đưa lại các video của các "giang hồ mạng" nhan nhản trên YouTube nhưng mạng xã hội này vẫn để xuất hiện cho thấy sự lỏng lẻo trong cách quản lý và kiểm soát nội dung.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, những video của các "giang hồ mạng" đều có những cảnh vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube, chẳng hạn như: cảnh đốt xe; diễn cảnh cầm hung khí rượt đuổi, chém giết; lăng mạ, chửi tục, hăm dọa thanh trừng…

Thế nhưng, khi nói đến sự tác động đến người dùng, YouTube lại "đá bóng" trách nhiệm sang cho người xem khi công bố: "Nếu bạn cho rằng nội dung nào đó không thích hợp, hãy sử dụng tính năng gắn cờ để gửi nội dung đó cho nhân viên YouTube xem xét. Nhân viên của chúng tôi luôn xem xét cẩn thận các nội dung được gắn cờ 24/7 để xác định xem nội dung đó có vi phạm nguyên tắc cộng đồng của chúng tôi không".

Rõ ràng, những video của người dùng đưa lên YouTube được mạng xã hội này sử dụng để kiếm tiền từ các hoạt động quảng cáo (và có chia phần lại cho người đưa video lên như một hình thức trả công) nhưng khi xét đến trách nhiệm trong việc quản lý nội dung cũng như những tác động tiêu cực đối với người xem có thể có từ các video đưa lên, YouTube lại đẩy sang người xem (phát hiện và báo cáo YouTube xem xét).

Giang hồ online, giang hồ livestream, giang hồ

TTO - Giang hồ gì mà "hết ngày dài rồi lại đêm thâu" livetream "chém gió, chửi thề", đóng phim đủ kiểu. Dường như 'giang hồ mạng' thoát khỏi nghĩa đen của nó, khi họ là những người có lượt lớn người theo dõi (follows); tỉnh bơ đưa tin "như phim"

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên