06/08/2011 08:00 GMT+7

Giảng đường ở Pháp mang tên GS Hoàng Xuân Hãn

TỪ HUY dịch
TỪ HUY dịch

TT - Du học sinh tại Pháp vừa loan báo tin vui: tên của GS Hoàng Xuân Hãn (1909-1996) được chọn đặt cho một giảng đường ở Trường đại học Pont et Chaussées (Pháp). Tuổi Trẻ trích giới thiệu tiểu sử của giáo sư trên tấm biển đặt trước giảng đường:

Read this on Tuoitrenews.vn

zH3THrTi.jpgPhóng to
GS Hoàng Xuân Hãn

Hoàng Xuân Hãn, người Việt Nam, là cựu học sinh của Đại học Polytechnique, kỹ sư của Trường Pont et Chaussées, nhà toán học và là một học giả. Cuộc đời ông, cuộc đời của một nhà nhân văn lớn được nuôi dưỡng bởi ba nền văn hóa, ông đã hiến dâng nó cho cuộc đấu tranh giành độc lập suốt từ hai nghìn năm nay của dân tộc ông.

Từ sáu tuổi, cùng với việc học chữ trong gia đình, ông bắt đầu tiếp thu một cách vững chắc nền văn hóa Trung Hoa. Năm lên chín, ông học tiếng Pháp ở trường tiểu học; ở Trường trung học Albert Sarraut Hà Nội, ông khám phá tinh thần của Descartes, tư tưởng của thời đại Khai Sáng và các con đường của khoa học.

Năm 1936, khi tham gia chiến dịch xóa mù chữ, ông nghĩ ra một phương pháp sử dụng cùng lúc cả ngữ âm hiện đại và truyền thống truyền miệng của đất nước.

88Onf9jY.jpgPhóng to

Tiểu sử GS Hoàng Xuân Hãn được gắn trước giảng đường (phòng học ngoại ngữ)

Trong những bài báo xuất bản trên Tạp chí Khoa Học Sài Gòn (ông giữ mục Toán học của tạp chí này), ông đã kết hợp truyền thống dân gian và tính chặt chẽ tuyệt đối của toán học, những bài báo đó là những hình mẫu về sư phạm. Như vậy, qua thực hành, ông đã làm rạng rỡ những phương tiện tiếng Việt sử dụng trong lĩnh vực khoa học, vì thế mà mở một con đường cho sự “Việt Nam hóa” giáo dục mà ông sẽ vận dụng với tư cách là bộ trưởng của chính phủ độc lập đầu tiên (năm 1946).

Trong tư cách là sử gia và là nhà ngữ văn học, ông đã phát hiện ra di tích Đò Lèn, chỉ ra tầm quan trọng về mặt văn hóa của các tấm bia và của các gia phả do các dòng họ gìn giữ; và đặc biệt ông đã khôi phục các tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm.

Ông đã thực hiện bản văn có chú giải của tiểu thuyết bằng thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du (1765-1820), một công trình uyên bác mẫu mực, được Hiệp hội Aubonne xuất bản sau khi ông mất. Ông đã sáng lập hiệp hội này năm 1992, cống hiến cho cả hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp, mà nhiều người Việt Nam hiện đang sống ở Pháp cùng chia sẻ.

* Việc lấy tên danh nhân đặt cho các phòng học hay giảng đường là một truyền thống của nước Pháp. Chẳng hạn, phòng thực hành tin học của Trung tâm Sư phạm quốc tế (CIEP) tại Sèves (Paris) được đặt tên là phòng Marie Curie, tòa nhà lớn của Đại học Joseph Fourier (Grenoble) có tên là Maison Kunzmann.

GS Hoàng Xuân Hãn là người Việt Nam duy nhất trong 15 danh nhân được lấy tên đặt cho các phòng học. Cái tên Xuan Han Hoang được tôn vinh bên cạnh những danh nhân Pháp nổi tiếng đã từng là cựu sinh viên Trường quốc gia Cầu Cống: Jean Kérisel, Benjamin Nadault De Buffon, Henri Vicariot...

* Trường Ponts et Chaussées (thường được gọi tắt là Trường Cầu Cống) chuyên đào tạo các chuyên gia cấp cao về kỹ thuật và kỹ thuật dân dụng, được thành lập năm 1747. Đây là một trường thuộc loại grande école (trường lớn) theo nghĩa người học phải trải qua một kỳ thi tuyển đầu vào thay vì chỉ ghi danh như các trường đại học còn lại ở Pháp. Từ 1-7-2008, trường được đổi tên là École des Ponts ParisTech.

TỪ HUY dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên