08/08/2005 14:29 GMT+7

Gian truân con đường xuất khẩu sách

Theo Thanh Niên
Theo Thanh Niên

Tại các cuộc hội thảo trong nước về lĩnh vực xuất bản, người ta luôn thấy các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh với VN: "Hãy tham gia các hội chợ sách quốc tế.

9rxivGkV.jpgPhóng to
Gian hàng của NXB Thế giới tại Hội chợ sách quốc tế (Đức) năm 2003

Một "kênh" xuất khẩu sách cực kỳ hiệu quả đấy!". Trên thực tế, kinh nghiệm này được chúng ta nắm bắt ra sao?

Cơ hội vàng?

Dĩ nhiên rồi. Bất kỳ một hội chợ sách quốc tế nào, với sự hiện diện của hàng chục, hàng trăm nhà xuất bản lớn, nhỏ cũng đều là một cơ hội tuyệt vời cho những ai muốn quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và mở rộng thị trường ra ngoài biên giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế sẽ ngỡ ngàng khi biết rằng, một nước tưởng chừng mới hội nhập vào lĩnh vực này như VN, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã có đại diện đầu tiên tại một hội chợ sách quốc tế. Trong những chuyến đi "làm quen" ấy, ở một thời điểm hết sức thuận lợi, Công ty Xuất nhập khẩu sách báo VN (Xunhasaba) đã thu về không ít hợp đồng giá trị. Nhờ đó, một lượng sách đáng kể của ta, sau khi được chính các nhà xuất bản nước ngoài chuyển ngữ, đã có dịp chu du tới nhiều nơi trên thế giới và kể với bạn đọc quốc tế những câu chuyện về đất nước hình chữ S.

Cho đến nay, hằng năm Xunhasaba vẫn dành một khoản kinh phí không nhỏ để duy trì sự có mặt đều đặn của mình tại các hội chợ sách quốc tế lớn, mặc dù giờ đây, thật khó mà "dụ" nhà xuất bản nước ngoài nào để mắt đến tác phẩm của chúng ta, một khi nó vẫn còn nguyên bản tiếng Việt.

Không chỉ có Xunhasaba, một số đơn vị khác như Công ty văn hóa Phương Nam, Công ty Phát hành sách Hà Nội, Công ty Phát hành sách TP.HCM... cũng đã tìm cách tiếp cận "kênh" xuất - nhập khẩu sách giàu tiềm năng này, với khẳng định chắc nịch: muốn vươn tới thị trường nước ngoài thì phải tham gia các hội chợ sách quốc tế, nơi diễn ra những "phiên" trao đổi bản quyền lớn cùng cơ hội gặt hái những hợp đồng khổng lồ mà nếu so sánh, thì kiểu mua, bán qua thư điện tử chẳng khác gì tiểu thủ công nghiệp.

Những rào cản

Một khảo sát cho thấy, ngoài Xunhasaba, Tổng công ty sách VN với khoảng dưới 10 lần tham dự hội chợ sách quốc tế hằng năm, và không thể hơn, thì hầu hết các đơn vị khác mới chỉ có mặt tại chừng vài hội chợ sách quốc tế lớn. Nguyên nhân? Kinh phí là bài toán nan giải nhất.

Ông Nguyễn Nam Phong - Phó phòng Hành chính tổng hợp Xunhasaba cho biết, nguyên tiền thuê một gian hàng diện tích nhỏ thôi đã nuốt gọn 2.500 USD mỗi ngày, chưa kể các khoản vé máy bay, sinh hoạt...

Bởi vậy, trong khi các nhà xuất bản nước ngoài kéo quân đi hết sức rầm rộ thì ta chỉ dám cắt cử có vài người, kiêm đủ mọi việc từ bán sách, bày biện gian hàng cho đến... cửu vạn. Khẩu hiệu trước lúc lên đường: những khoản chi nào có thể cắt được là cắt bằng hết, kể cả tiền in tập quảng cáo sản phẩm, vì chỉ riêng cước vận chuyển sách thôi đã là cả một vấn đề.

Theo bà Nguyễn Tân Huyền - Trưởng phòng xuất khẩu Xunhasaba, mỗi gian hàng muốn trông bắt mắt, tối thiểu cần từ 150 - 200 đầu sách. Nhưng với cước phí trên 20 USD/kg thì những gian hàng của ta buộc phải chấp nhận khiêm tốn một chút, cả về diện tích lẫn số lượng sách. Còn nói đến chính sách trợ cước vận chuyển của Nhà nước, ông Trần Tấn Ngô - Tổng giám đốc Tổng công ty Sách VN cho rằng: "Con số 1 - 2 tỉ đồng/năm cho tổng công ty là quá ít ỏi. Tương ứng với số tiền đó, chúng tôi chỉ đưa đi được tối đa có 30 - 50 ngàn bản sách".

Điều đáng tiếc, nỗ lực tham dự các hội chợ sách quốc tế trong nguồn kinh phí hạn hẹp vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi. Vì sao? Thống kê của ông Trần Tấn Ngô và bà Nguyễn Tân Huyền cho thấy, sách mang đi (gần như 100% viết bằng tiếng Việt) khá thu hút cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài hoặc một số trường đại học có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa VN, nhưng lại để vuột mất một đối tượng vô cùng quan trọng khác là các bạn hàng nước ngoài, đương nhiên, sẽ không ghé thăm những gian hàng chỉ toàn sách tiếng Việt.

Đây không phải là sơ suất của Xunhasaba, Công ty Phát hành sách Hà Nội hay Công ty Phát hành sách TP.HCM. Ngoài Nhà xuất bản Thế giới mỗi năm in nhiều lắm cũng chỉ được vài đầu sách tiếng Anh, cho đến nay, chúng ta chưa hề có một chiến lược, một định hướng nào về xuất bản sách song ngữ. Vậy đến bao giờ, thông qua hội chợ sách quốc tế, sách VN mới có cơ hội tiếp tục cuộc chu du năm châu bốn bể, để kể tiếp những câu chuyện về một đất nước hình chữ S thời hiện đại?

Theo Thanh Niên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên