22/12/2014 11:05 GMT+7

​Gian nhà lá trong trường học

THÚY HẰNG - HIỀN TRẦN
THÚY HẰNG - HIỀN TRẦN

TT - Nằm ở góc Trường tiểu học Nguyễn Huệ (phường 6, TP Mỹ Tho) là một nhà lá cũ. Nơi đó là góc nông thôn của trường, ra đời từ ý tưởng của cô hiệu trưởng Huỳnh Mỹ Hòa.

Cô Phạm Thị Thu dạy tiết đọc thư viện tại góc nông thôn của trường - Ảnh: Thúy Hằng

“Con cò là cò bay lả, lả bay la. Bay từ là từ ruộng lúa, bay ra là ra cánh đồng. Tình tính tang là tang tính tình. Chăm học hành vâng lời thầy cô. Rằng có biết là biết hay không, rằng có nhớ là nhớ hay không...”. Giọng hát các em học sinh vang lên từ phía gian nhà lá cũ ấy.

Góc nông thôn mô phỏng lại khung cảnh làng quê Nam bộ với hàng rào tre, gian nhà lá, lu nước và giàn bầu...

Ở đó còn có cái sân rộng với những bụi cỏ, rặng tre, đống rơm, cây cầu tre, có chú mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu. Thấp thoáng trong các bụi cỏ là những con cò với bộ lông trắng muốt đang kiếm mồi. Những điều trước đây chỉ được nghe qua lời kể, thấy trên hình ảnh, sách vở thì giờ đây các em học sinh đã được thấy tận mắt, sờ tận tay.

Tiết học sinh động

Kết thúc nội dung câu chuyện Hai anh em, cô Phạm Thị Thu (giáo viên môn văn) dẫn học trò đi một vòng từ phòng học ra sân.

Dừng lại ở chỗ một con trâu trong tư thế gặm cỏ, trên lưng là chú mục đồng đang đọc sách, cô nói: “Nông thôn mình ngày xưa khó khăn lắm, nhiều nhà nghèo phải đem con đang tuổi ăn học gửi cho nhà giàu nuôi làm trẻ chăn trâu thuê. Các con thấy không, dù phải chăn trâu nhưng trên tay chú bé vẫn cầm chặt quyển sách để học bài đó”.

Cô Phạm Thị Thu (giáo viên dạy văn):

“Trước nay các em chỉ nghe trong sách vở chứ không được trực tiếp đi vô khung cảnh làng quê như thế này. Khi học ở đây các em được nhìn, sờ nắm, hít ngửi không khí nông thôn như mùi rơm rạ, mùi ngai ngái của đất...

Rồi các em cảm nhận nông thôn qua thính giác với âm thanh của tiếng gió thổi qua rặng tre, tiếng gió rít qua cành cây, qua mái nhà. Cái cảm giác ấy hoàn toàn khác với việc đọc sách hoặc xem hình ảnh trên máy chiếu”.

Rồi cô Thu lại tiếp: “Các con có thấy con trâu không, các con biết gì về con trâu?”. Các em học sinh đồng thanh đáp: “Dạ thưa cô, con trâu đi cày”.

Cô Thu vỗ tay khen: “Đúng rồi. Nhờ có con trâu mà hai anh em trong câu chuyện vừa học mới có lúa để thu hoạch đó. Các con nên nhớ con trâu là con vật không thể thiếu đối với người nông dân. Dù ngày nay có nhiều máy móc phục vụ công việc đồng áng nhưng nhiều nơi người ta vẫn quen dùng con trâu để đi cày. Khi cày con trâu đi trước kéo theo cái cày, xới tung đất lên. Người nông dân muốn con trâu rẽ bên nào thì có cây roi quất một cái rồi hô lên để con trâu rẽ theo ý mình”.

Giảng giải rồi cô Thu đặt câu hỏi tiếp: “Cô đố các con ông bà ta thường ví con cò với hình ảnh gì?”. “Người phụ nữ ạ” - các học sinh đáp.

Cô hỏi: “Ví như thế nào?”. Một vài học sinh ngập ngừng: “Con cò.../Con cò lặn lội bờ sông...”. Cô Thu lên tiếng: “Ví như thế nào? Ý nghĩa của sự ví von đó ra sao? Tiết học sau các con phải nói cho cô và các bạn biết đó nhe”. Cả lớp hô to đồng ý, rồi cô Thu bắt nhịp các em hát vang bài Cò lả trong niềm hân hoan.

Em Phạm Đoàn Hồng Phúc, học sinh lớp 5/1, nói: “Em sống ở thành phố chưa bao giờ được về quê nên không biết như thế nào. Được xuống đây nghe mùi cỏ, mùi rơm em rất thích. Tuy những con trâu, con cò không phải thật nhưng em cũng có cảm giác như đang ở đồng quê thật. Học những tiết học ở đây rất sinh động. Chúng em được diễn kịch trong một không gian giống như thật. Nhờ xuống đây nhiều lần, nhìn thấy và nghe cô giới thiệu về nhiều thứ nên em làm văn khá hơn, sinh động hơn”.

Học sinh thích thú với khung cảnh làng quê ở góc nông thôn - Ảnh: Thúy Hằng

Học sinh không còn bị gò bó

Tiết học kết thúc cũng là lúc các em vào giờ ra chơi. Học sinh từ các lớp đổ về góc nông thôn đông nghẹt. Có em ngồi một góc đọc truyện, có em chơi trò nấu cơm, bán hàng.

Ở ngoài sân, nhiều em quây quanh con trâu và ụ rơm, thỉnh thoảng rút một nắm rơm nhỏ nhét vào miệng con trâu làm rơm rơi vãi xuống đất, xong lại lui cui nhặt lên nhét trả về ụ rơm, rồi sang góc khác chơi tiếp.

Cô Thu cho biết học sinh rất thích xuống đây học. Bản thân giáo viên cũng hứng thú khi dạy ở đây. Trong lúc giảng bài mình tận dụng những gì có sẵn ở đây để minh họa cho các em xem.

Xong rồi thì cho các em ra sân, chọn những hình ảnh có liên quan đến bài học để khái quát hoặc mở rộng ra thêm. Thay vì cứ gò bó các em, tới giờ lên lớp thỉnh thoảng mình thay đổi không khí thì các em sẽ thích thú và học tập hiệu quả hơn.

Cô Huỳnh Mỹ Hòa (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ) cho biết góc nông thôn được xây dựng từ đầu năm học 2011-2012.

Góc nông thôn thường được mở cửa vào các tiết đọc thư viện, tập làm văn, các tiết tự nhiên xã hội có liên quan đến chủ đề nông thôn. Ngoài ra, vào giờ chơi giáo viên thường mở cửa để các em vào tham quan, ngồi đọc sách, đọc truyện.

“Qua quá trình công tác tôi thấy các em thường học bài về nông thôn nhưng đa số học sinh của trường lại ở thành phố. Các em không hình dung được nông thôn ngày xưa như thế nào. Còn bản thân tôi từng được sống ở nông thôn, nhớ từng mái nhà, cái bàn, bếp lửa, tôi nghĩ đó là những nét đẹp cần phải được lưu giữ nên nảy ra ý tưởng này.

Mặc dù chỉ tái hiện một phần nào vùng nông thôn Nam bộ nhưng góc nông thôn này thời gian qua rất có hiệu quả đối với việc giảng dạy, giáo dục học sinh. Các em vừa học lý thuyết rồi xuống đây, mọi thứ được tái hiện bằng hình ảnh thực tại nên nhớ bài rất tốt, đặc biệt là các kỹ năng tả cảnh” - cô Hòa nói.

THÚY HẰNG - HIỀN TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên