Phóng to |
Bữa ăn tại một nhóm trẻ mầm non ở Gò Vấp - Ảnh: M.N. |
Sau hai vụ tử vong ở nhóm trẻ tự phát tại quận 8 và Thủ Đức, nhiều phòng GD-ĐT tại TP.HCM đã kết hợp cùng cán bộ chuyên trách ở các phường kiểm tra các nhóm trẻ tự phát, không phép trên địa bàn mình.
Nghề nguy hiểm
Quận Tân Phú (TP.HCM) chỉ có 11 trường mầm non công lập nhưng có đến 30.000 trẻ lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ. Số lượng trẻ quá đông mà trường công quá ít đã khiến quận phải cho phép thành lập rất nhiều trường mầm non và nhóm trẻ ngoài công lập. Từ năm 2010 đến nay, quận này tăng thêm 31 nhóm trẻ tư thục, nâng tổng số nhóm trẻ tư thục hiện nay lên 121 nhóm trẻ và 31 trường tư thục. Ngoài ra, trước nhu cầu giữ trẻ tăng cao, nhiều nhóm trẻ tự phát ra đời.
Theo cô Chung Bích Phượng, phó trưởng Phòng mầm non quận Tân Phú, nhiều người nhận giữ trẻ nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, không đủ điều kiện vệ sinh, thậm chí không hiểu biết gì về an toàn cho trẻ. Đối với những nhóm trẻ như thế này, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú phối hợp với các phường “dẹp hết”. Nhiều nhóm trẻ tự phát có chủ rất “côn đồ”, dọa người làm công tác giáo dục của quận bằng những lời lẽ kiểu như: “Bà có muốn bị đụng xe chết ngoài đường không?”, rồi “Có muốn chết bất đắc kỳ tử...”. Lại có những người dùng tiền bạc để mua chuộc, hỏi thẳng những người làm công tác “dẹp” nhóm trẻ tư thục không phép rằng: “Cần tiền chứ gì? Cần bao nhiêu thì nói”.
Con số nhóm trẻ tự phát tại Tân Phú dẹp được bao nhiêu thì cô Phượng không còn nhớ rõ, nhưng những lần dọa dẫm cũng theo đó mà tăng lên. Cô Phượng kể trong những lần cùng các phường đi dẹp nhóm trẻ tự phát, nhiều người thậm chí đã xông vào đánh cô cùng với một số cán bộ. Hăm dọa đã thành chuyện thường ngày. Vì thế, cô cũng thường nói với gia đình rằng nếu “mẹ, vợ mà bị tai nạn thì các con và anh đừng nghĩ rằng... đi xe ẩu nhé”. Rất nhiều lần cô và các đồng nghiệp bị hăm dọa, thậm chí phải nhờ đến công an can thiệp hoặc canh vòng ngoài. “Nhiều khi tôi nghĩ nghề của mình cũng là một nghề... nguy hiểm” - cô Phượng tâm sự.
Quản có phép chưa xong
Tại quận 9, Phòng GD-ĐT vừa cùng cán bộ phường kiểm tra, lập biên bản xử phạt và đề nghị đóng cửa bốn nhóm trẻ ở phường Tân Phú, hai nhóm trẻ ở phường Hiệp Phú do hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện giữ trẻ.
Một cán bộ Phòng GD-ĐT quận 9 cho biết: “Nhiều gia đình trang trí bảng xanh đỏ, ghi thông báo nhận trẻ dễ làm người dân hiểu lầm nhưng thực chất là nhóm trẻ không phép. Sau khi lập biên bản chúng tôi vẫn phải đi kiểm tra lại, vì nhiều nhóm trẻ tạm ngưng rồi hoạt động chui trở lại. Trước đây, những nhóm trẻ chỉ giữ 3-5 trẻ thường được “ngó lơ”, nhưng từ sau những tai nạn ở các nhóm trẻ gia đình, phòng giáo dục và các phường trên địa bàn đã kiểm tra ráo riết hơn, kiên quyết xóa các điểm giữ trẻ không an toàn”.
Tại Gò Vấp, Phòng GD-ĐT cho biết đang tiến hành kiểm tra các cơ sở giữ trẻ không phép. Mới đây, hai nhóm trẻ không phép ở phường 9 và một nhóm trẻ ở phường 8 bị phát hiện hoạt động “chui”, môi trường kém an toàn đã bị lập biên bản, xử phạt và yêu cầu đóng cửa. “Đa số nhóm trẻ gia đình tự phát được tổ chức ngay trong nhà ở của gia đình nên rất bê bối, chật chội, trẻ phải sử dụng đồ dùng chung với người lớn. Có nhóm trẻ giữ 12 trẻ, trong đó có trẻ mới 7-8 tháng đang nằm nôi nhưng điều kiện nuôi trẻ rất dơ dáy, nhếch nhác. 12 trẻ dùng chung hai, ba cái ly, chăn, gối không sạch sẽ” - một chuyên viên mầm non của Q.Gò Vấp nói.
Hiện nay Q.Gò Vấp có 18 trường mầm non công lập, gần 40 trường mầm non tư thục, hơn 100 nhóm trẻ được cấp phép và hàng trăm nhóm trẻ tự phát nhưng Phòng GD-ĐT Gò Vấp chỉ có năm chuyên viên mầm non, không thể kiểm tra hết hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ có phép trên địa bàn, chưa nói đến nhóm trẻ không phép. Đây là khó khăn của các phòng giáo dục khi nhân sự ít mà số lượng trường lớp, nhóm lớp nuôi trẻ mầm non lại quá đông và tăng nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (trưởng phòng mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM): Nhà trẻ ở khắp hang cùng ngõ hẻm TP.HCM hiện có gần 1.300 nhóm trẻ có phép. Lực lượng chuyên viên mầm non ở các phòng giáo dục rất mỏng, kiểm tra nhóm trẻ có phép đã khó, chưa nói đến nhóm trẻ không phép mọc lên rất nhiều ở các hang cùng ngõ hẻm, nay mở mai đóng, có nhóm chỉ giữ vài ba trẻ là con hàng xóm... Sở vẫn tiếp tục kiểm tra hoạt động của các nhóm trẻ có phép, nhưng với nhóm trẻ không phép thì ngành giáo dục làm không xuể. Phòng giáo dục khi phát hiện các nhóm trẻ hoạt động không phép sẽ tham mưu với UBND phường, quận để kiểm tra, xử lý. Mặt khác, đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế mở các nhóm trẻ bởi tốc độ gia tăng nhóm trẻ hiện nay quá nhanh. L.TRANG |
_______________________
Phóng to |
Điểm giữ trẻ của ông A. (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân) - Ảnh: Bảo Hà |
Cám cảnh
Ít tiền, nhiều cha mẹ là công nhân ven các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP.HCM, Bình Dương đã chọn các điểm giữ trẻ gia đình để gửi con đi làm. Không ít trẻ đang bị giam hãm suốt ngày ở những nơi chật chội cả về không gian lẫn lòng bao dung của các “bảo mẫu”.
Hai đứa nhỏ chưa biết đi đang nằm võng, hai đứa lớn nằm đất. Đứa lớn buồn tiểu, chân trần lạch bạch chạy ra cửa, tụt quần ra khoảng đất trống, ùa sang vũng đất bị bới banh bách bên cạnh ngồi tiểu hồn nhiên. Đây là chuyện thường ngày ở một điểm trông giữ trẻ tự phát trong khu phố 4, P.Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM). “Bảo mẫu” của điểm giữ trẻ này là... người đàn ông tên N.. Ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước tặng để gia đình ông có chỗ tránh mưa tránh nắng nay thành nhà trẻ.
Ở điểm giữ trẻ của vợ chồng ông A. cũng ở khu phố 4, P.Tân Tạo (Q.Bình Tân), thỉnh thoảng hai vợ chồng ông mải nói chuyện, đứa bé nhỏ hơn 2 tuổi phi nhanh như cắt từ trong nhà ra con hẻm trước mặt đầy xe cộ, bà L. (vợ ông A.) chạy theo túm cổ xách đứa nhỏ vào nhà. Trong lúc bà chạy ra đường xách cổ đứa nhỏ 2 tuổi lại, đứa nhỏ khác trong phòng lẩn vào phía trong buồng nơi đặt bếp gas nấu ăn và có nhiều ổ điện...
Ông A. vẫn đều tay đẩy hai chiếc võng. Ông hồn nhiên kể mấy đứa nhỏ thụi nhau là chuyện cơm bữa. Đứa nào quậy, ông “xách gậy lên là nằm im trên võng mà ngủ”. Cả hai vợ chồng ông A. thỉnh thoảng lại chỉ tay, chống nạnh, trừng mắt quát đứa trẻ lớn chừng 2, 3 tuổi tên Ngọc: “Mất dạy”. Đứa nhỏ đang nghịch bỗng im thin thít, mắt lơ láo sợ sệt nhưng chắc chắn không hiểu hai từ “mất dạy” là gì.
Nhìn từ bên ngoài, nơi giữ trẻ của bà T. trên đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) không gắn bảng hiệu. Bên trong trang bị khá sơ sài với một số đồ dùng sinh hoạt. Vào ngày 7-12, nhà bà T. có tám bé, trong đó bé nhỏ nhất 10 tháng tuổi, lớn nhất 5 tuổi. Tùy độ tuổi lớn nhỏ của bé, bà T. ra mức phí giữ dao động từ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Bà T. cho hay nhóm trẻ này ngoài bà có thêm một phụ nữ khác chăm nom. Bà thừa nhận mỗi người chỉ giữ được năm trẻ nhưng có khi số lượng trẻ giữ tại chỗ bà lên tới 15.
Giáo cụ là muỗng inox, thước kẻ, dép... Ngày 28-11, sau một cuộc phỏng vấn, tôi được nhận vào Trường mầm non tư thục Hải Âu (P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) làm giáo viên kiêm bảo mẫu mà không phải trình ra bất cứ giấy tờ tùy thân hay bằng cấp, và làm việc ngay vào 6g30 ngày hôm sau. Việc đón trẻ vào buổi sáng diễn ra rất êm ả nhưng từ hơn 10g trở đi, thay vào giọng nói ngọt ngào của các cô giáo ở giờ đón trẻ là những tiếng la mắng: “Ba mày về chưa? Mẹ mày bị bệnh hay là mày cũng bị bệnh luôn rồi...”. Bà Bùi Thị Kim Thủy, người quản lý Trường mầm non tư thục Hải Âu, tiết lộ ngoài bà, toàn bộ các cô đã và đang làm ở trường đều không có bằng cấp chuyên môn. Trường mầm non Hải Âu có tất cả 30 bé. Trong đó hai bé Dương và Tiến nhỏ nhất mới chỉ hơn 20 tháng tuổi nhưng bà Thủy nói: “Cứ để chúng tự đi đổ bô như thế vừa đỡ ghê, mà cũng bớt công việc cho mình”. Hằng ngày Dương và Tiến còn nhỏ xíu nhưng vẫn phải như các bé khác bê bô nặng, to gần bằng cơ thể chập chững từng bước đi đổ bô. Muỗng inox, thước kẻ, dép, gối... là những dụng cụ được dùng để “dạy dỗ” trẻ. Bà Hương, quản lý nhà trẻ Hải Âu, hướng dẫn: “Cứ cái cây tròn tròn hoặc thước kẻ tét mạnh vào lòng bàn tay, chân của chúng nó, khi nào rát là tự ngủ...”. NGUYỄN NGỌC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận