Lúc nhỏ tôi là đứa rất thích săn bắn chim bằng giàn thun tự chế. Bắn chỉ là trò tiêu khiển của trẻ con thôi, chứ các con chim sâu nhỏ xíu có thịt đâu mà ăn.
Lớn lên một chút, khi đã vào đại học, tôi thường theo anh mình đi công tác khu vực miền Tây, và món ăn yêu thích của hai anh em tôi lại là các món chim, nhất là chim cút, gà nước…
Thời gian đó trong đầu tôi không có nhận thức đặc biệt gì về các loài chim, cảm xúc của tôi đối với chúng gần như không có.
Chợt một ngày mọi thứ đột ngột thay đổi nhanh chóng khi tôi vô tình bắt gặp những bức ảnh sinh động trên trang cá nhân của các anh chuyên chụp ảnh về chim.
Tôi bị cuốn hút bởi những khoảnh khắc đáng yêu, bởi cái thần thái từ đôi mắt, bởi những cử chỉ tình cảm trìu mến chúng trao cho đồng loại.
Tôi cảm nhận được chúng chẳng khác gì loài người chúng ta, cần được trân trọng, yêu thương và bảo vệ.
Vậy là cuộc sống của tôi xuất hiện thêm một "khúc chim hành". Bao nhiêu chuyện buồn vui, cực nhọc, vỡ òa sung sướng khi bắt gặp một con chim quý bắt đầu từ đó.
Chụp chim là thể loại khó. Ngoài việc đầu tư thiết bị đắt tiền, kinh phí đi lại tương đối tốn kém, còn cần đến sức khỏe, thời gian và lòng đam mê.
Người chụp chim phải rèn luyện tính kiên trì và sức chịu đựng dẻo dai, phải tìm hiểu các khu vực có chim, tiếp cận, ngụy trang, chờ đợi…
Chim không phải như người mẫu, nên người chụp phụ thuộc hoàn toàn vào tâm trạng của chim. Để có tấm hình chim đẹp, bắt được khoảnh khắc hay ngoài kinh nghiệm cầm máy còn cần có cả sự may mắn.
Một lần săn hụt sếu
Việt Nam có khoảng 916 loài chim đã được ghi nhận, trong đó có đến 18 loài đặc hữu (nhiều nhất khu vực Đông Nam Á).
Một vài loài chim trước đây khá nhiều, nhưng ngày nay rất hiếm thấy, hoặc đã di chuyển sang các nước láng giềng do môi trường sống tự nhiên ở nước ta không còn tốt như xưa bởi nạn săn bắt vô tội vạ gia tăng, chuyển đổi cơ cấu rừng phòng hộ thành đất nuôi tôm, hoặc nạn chặt phá rừng bừa bãi.
Điển hình là loài sếu đầu đỏ xưa kia thường di trú về Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp), khu vực Hòn Chông, huyện Kiên Lương và Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Cảnh tượng từng đàn sếu đầu đỏ bay về trú ngụ ở những nơi này chỉ còn trong quá khứ.
Lần đầu tiên tôi đi chụp sếu đầu đỏ theo kiểu du lịch chính thống bình thường, phải đứng rất xa chụp ảnh không rõ đẹp được. Thế là lần sau tôi quyết định theo một hướng dẫn quen đi chụp lén trong khu bảo tồn Anlung Pring.
Sau khi nhập cảnh Campuchia, chờ trời tối chúng tôi mới lái xe máy vô nhà dân gần khu bảo tồn ngủ nhờ. Nhà không có điện, chỉ có vài ngọn nến leo lét mờ ảo, nước thì xài từ cái ao tù. Ba giờ sáng mấy anh em lọ mọ thức dậy theo một người Campuchia lội ruộng, băng rừng, vượt qua vài cánh đồng đầm lầy.
Bốn giờ sáng tới gần nơi sếu ngủ, tôi được lệnh nằm giữa đất trời đợi sáng, vì nếu vô rừng núp lúc trời còn tối đen sẽ bị muỗi cắn. Nằm giữa đồng bao la, ngắm sao trời lung linh thật thú vị. Sương bắt đầu xuống, càng ngày càng lạnh.
Tôi đang miên man thì một cánh tay khều khều: "Anh không được ngủ, ngáy sếu nó nghe nó sợ!". Tôi ậm ờ miễn cưỡng thức dậy. Được năm phút thì kế bên tôi "tiếng xe lửa" hú còi inh ỏi! Cái đứa mới khều tôi đang ngáy như sấm.
Tôi được dịp gõ nó lại một cái thật đau. Muỗi bắt đầu nghe hơi bọn tôi nên bay vù vù ra, có muốn ngủ cũng không được nữa. Cứ thế nằm hứng sương rơi mà trong lòng bắt đầu cảm thấy lo sợ.
Rắn, rết cắn thì sao? Biên phòng hoặc kiểm lâm khu bảo tồn bắt thì thế nào? Cái đứa người Campuchia dắt bọn tôi đi nếu có động tĩnh gì chắc nó bỏ chạy mất dép đầu tiên. Hơn 5 giờ sáng, chúng tôi bò nhẹ nhàng vô rừng tới chỗ núp gần nơi sếu ngủ.
Mới lôi máy móc ra bấm được vài tấm thì đàn sếu hơn trăm con bay vụt lên không trung mất hút. Hình như ở cánh rừng kế bên có người cũng núp chụp trộm như tôi mà gây tiếng động làm sếu hoảng hốt.
Thế là công cốc. Cả bọn tiu nghỉu, quyết định ở lại nơi đó luôn chờ tới chiều tối khi sếu trở về ngủ. Càng về trưa mặt trời càng chiếu thẳng góc nắng như điên, chúng tôi vừa khát, vừa đói nhưng ráng chịu đựng.
Cuối cùng trời nhá nhem tối và đàn sếu cũng trở về. Nhưng lần này chúng đậu rất xa, chúng là loài chim rất tinh khôn nên sợ chỗ động lúc sáng. Chúng tôi đã thất bại toàn tập, lủi thủi ra về.
Chim ở xa xôi
Các loài chim càng quý, càng đẹp thì thường sinh sống ở những vùng rừng núi hẻo lánh xa xôi. Đôi lúc biết có con chim mục tiêu sống ở vùng đó mà đi tìm nhiều chuyến vẫn không gặp, nhưng cũng nhiều người may mắn đi một lần là chụp thành công.
Các khu vực như rừng Mã Đà, Thác Mai, cao nguyên Di Linh, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà… hoặc xa hơn về phía Bắc có Mù Cang Chải, Nậm Cang, Vườn quốc gia Phia Oắc, dãy Fansipan hùng vĩ… ít nhiều đều có dấu chân của các nhiếp chim đặt chân đến.
Cuộc chơi thật lắm gian nan, mà chỉ có những người thật sự đam mê mới tiếp tục lâu dài được. Để chụp những con chim quý, chim đặc hữu, cần có sự… hy sinh nhất định.
Bạn cứ tưởng tượng cuộc chuẩn bị công phu từ Sài Gòn bay ra đến Nội Bài, từ Nội Bài đi xe hơn 6 tiếng để tới Sa Pa, sáng hôm sau leo lên đỉnh Fansipan để tìm chim thì gặp sương mù dày đặc, chỉ còn nhìn thấy mờ mờ ảo ảo không thể tìm chim được.
Hoặc lênh đênh trên biển mấy tiếng ra đến quần đảo Côn Đảo thì mưa bão kéo dài liền mấy ngày không dứt.
Có những lúc nghe tin vị trí chim mục tiêu xuất hiện là phải vội vã bay liền bất chấp có bận việc hay không.
Sở dĩ cần nhanh nhạy như vậy là vì có những loài chim rất hiếm, rất nhát, thường chỉ có thể chụp được khi chúng đang có tổ nuôi con, nếu trễ là không còn cơ hội.
Khi biết được tin chim thiên đường đuôi phướn trắng xuất hiện ở tận vùng núi An Toàn - An Lão (Bình Định), là sáng hôm sau anh em có mặt liền để đi tìm.
Phải lái xe máy trên đường mòn trơn trợt men theo vách núi đầy nguy hiểm, phải lội bộ hàng cây số đường rừng đầy vắt, nhiều rắn và mưa phùn lạnh buốt để đến được nơi có tổ chim.
Tất cả mọi nỗ lực cũng chỉ vì muốn ghi lại được khoảnh khắc đẹp của loài chim này.
Chim ở trên cao
Một lần tôi đi Nậm Cang để tìm chụp chim lội suối nâu. Từ Sa Pa lái xe máy hơn 50km vượt qua nhiều bản làng để tới khu vực Nậm Cang.
Từ Nậm Cang phải chạy tiếp vô cung đường rừng quanh co nhỏ hẹp, bên là vách núi, bên là vực thẳm, lúc xuống dốc sâu hun hút, lúc leo dốc cao ngất, dù cài số 1 xe vẫn ì ạch chạy lên không muốn nổi.
Cuối cùng là tuột xuống một triền núi nghiêng 45 độ với độ dài hơn 300 mét. Vừa tuột vừa có những suy nghĩ thú vị về sự sống và cái chết trong khi các đầu ngón chân đau nhức vì phải chịu đựng cả trọng lượng cơ thể dồn xuống. Và câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu tôi là "lát chụp xong sẽ leo lên lại như thế nào?".
Việt Nam có nhiều loài chim đặc hữu đẹp đòi hỏi người chơi phải kiên trì mới chụp thành công. Đi một lần không xong thì phải đi… nhiều lần!
Khướu Ngọc Linh, khướu đuôi đỏ phải leo lên ngọn núi Ngọc Linh ở độ cao 1.480 - 2.200m thuộc dãy Trường Sơn (Kon Tum), Khướu Kon Ka Kinh phải vào rừng quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), khướu cánh đỏ thì sinh sống trên độ cao 2.800 trên đỉnh Fansipan…
Các loài khướu này đang được nước ta xếp vào danh mục nguy cấp, quý, hiếm (nhóm IB), đang bị đe dọa tiệt chủng (vì tình trạng săn bắt lén bừa bãi với các công cụ ngày càng tiên tiến), nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại.
Hiện nay phong trào chụp ảnh chim và động vật hoang dã đang phát triển mạnh. Các nhiếp ảnh gia lùng sục khắp mọi ngóc ngách, góp phần ghi lại bằng chứng các loài chim hiện hữu hằng năm nên danh sách các loài chim được ghi nhận ở Việt Nam ngày càng được nối dài thêm.
Càng chụp ảnh chim, mọi người càng cảm thấy... yêu chim, nên đã cùng nhau lập ra một số hiệp hội tuyên truyền, vận động khắp nơi tham gia vào phong trào bảo vệ chim và động vật hoang dã.
"Đất lành chim đậu", hy vọng một ngày không xa, bằng tất cả ý thức và nỗ lực của nhiều người trong cả nước, chúng ta khôi phục và phát triển được hệ chim hoang dã, để bạn bè quốc tế nhìn vào đó thấy được nước ta thật sự là một đất nước yên bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận