Công nhân thi công tại tuyến đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 trong điều kiện thời tiết bất lợi - Ảnh: N.AN
Song dự án đang đứng trước thách thức lớn khi khó có thể hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào vận hành, đóng điện cuối năm 2020.
Những ngày tháng 10, công trường thi công đường dây truyền tải điện tại Pleiku ngập trong bùn đất do những cơn mưa liên tục.
Bão liên tục đổ vào miền Trung, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới tạo ra mưa lớn ở toàn bộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên, khiến việc thi công của công nhân bị ngắt quãng.
Khi một số hộ dân không đồng thuận, đặc biệt là phần hành lang tuyến nên khó thực hiện, địa phương phải liên tục vận động, tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Do đó tại Kon Tum, tiến độ giải phóng mặt bằng đạt tới gần 100%.
Ông Nguyễn Xuân Ninh (phó chủ tịch UBND TP Kon Tum)
Một hộ chưa đồng thuận... kẹt cả tuyến
Đứng giữa cánh đồng bạt ngàn cà phê ở huyện Ia Grai (Gia Lai), ông Nguyễn Văn Chiến, cán bộ phòng đền bù Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung - CPMB (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - chủ đầu tư dự án), chỉ lên hệ thống cột trước mắt là đường dây truyền tải 500kV, vốn được xây dựng trên nền của hệ thống đường dây 220kV, sau đó được tích hợp song song hai đường dây 220kV và 500kV trên cột 500kV.
"Đây là giải pháp để giảm thiểu việc chiếm dụng hành lang tuyến và tài nguyên, giảm áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng cho chiều dài đường dây này là 8,7km.
Tuy nhiên việc xây dựng trên nền đường dây truyền tải cũ rất khó khăn, thi công phức tạp hơn, phải tháo cột 220kV để dựng cột 500kV, sau đó kéo dây trong điều kiện chỉ cắt điện để thi công chỉ trong 2 tháng" - ông Chiến cho hay.
Dồn lực cho thi công trong 60 ngày đêm, toàn tuyến 500kV từ vị trí cột 375 đến 395 cũng hoàn thành. Ông Chiến nói kết quả này là nhờ sự nỗ lực và phối hợp tích cực của chính quyền địa phương.
Thực tế với những dự án truyền tải điện quy mô lớn, quá trình thi công trải dài qua nhiều địa phương, địa hình phức tạp, yêu cầu giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ lớn. Do vậy, chỉ cần một địa bàn không có được sự đồng thuận dù chỉ một hộ dân, toàn tuyến cũng có thể bị ảnh hưởng.
Toàn bộ tuyến đường dây 500kV được chia làm 26 lô thầu, những lúc cao điểm nhất có tới hơn 5.000 công nhân làm việc.
Anh Trương Văn Tú, chỉ huy trưởng gói thầu Công ty cổ phần Lắp máy xây dựng điện - nhà thầu dự án, cũng cho rằng giải phóng hành lang tuyến gặp khó là do theo quy định, người dân chỉ được bồi thường hoa màu, cây trồng, lại hạn chế chiều cao cây trồng nên người dân khó đồng thuận. Việc kéo dài thời gian khiến chi phí tăng thêm, đặc biệt là chi phí nhân công chờ việc.
Dự kiến nơi đây sẽ xây dựng khu nhà tái định cư - Ảnh: N.AN
Cấp tập dồn lực cho dự án
Dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) gồm 3 hợp phần, có tổng chiều dài 742km đi qua 9 tỉnh, thành.
Đây là các công trình điện cấp bách có vai trò truyền tải điện từ Trung tâm Điện lực Quảng Trạch lên hệ thống điện quốc gia; tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500kV liên kết các miền.
Bởi vậy, việc dự án sớm đi vào vận hành có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo cung ứng điện miền Nam và vận hành hiệu quả hệ thống điện quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, giám đốc Ban quản lý dự án CPMB, cho hay rất trăn trở khi 3 hợp phần dự án có thể chỉ kịp đưa vào vận hành được một tuyến Dốc Sỏi - Pleiku 2 so với tiến độ đề ra.
Đối với tuyến Vũng Áng - Quảng Trạch và Quảng Trạch - Dốc Sỏi đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ do hàng loạt tác động kép, từ giải phóng mặt bằng đến dịch bệnh, mưa lũ liên tục kéo dài.
Tuy vậy, để đạt được mốc tiến độ vận hành, đóng điện với hợp phần đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 vào cuối năm nay cũng là sự nỗ lực rất lớn.
Bởi vậy mà nhiều tháng nay, không chỉ các cán bộ chuyên trách mà đích thân lãnh đạo cũng phải xuống cơ sở để đối thoại với chính quyền, người dân.
Mốc ranh giới giữa Quảng Ngãi - Kon Tum cũng là nơi đường dây 500kV mạch 3 đi qua, được nối liền là cung đèo Vi Ô Lắc vốn được ví như một Hải Vân thu nhỏ. Ông Tuyển kể có ngày phải đi về tới 4 lượt, cùng cán bộ địa phương trực tiếp đi vận động bà con.
"Đó là những ngày gian nan, nhưng chúng tôi phải làm. Hằng tháng lãnh đạo thay phiên nhau làm việc với địa phương giải quyết vướng mắc, truyền thông với người dân" - ông nói nếu không trực tiếp "xắn tay vào việc" thì khó có hiệu quả.
Nhưng rồi cũng có lúc sức người bất lực trước thiên nhiên khi mưa lũ liên tục khiến việc thi công bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến tiến độ.
Dẫn chứng, có thời điểm mưa lũ lớn, từ Hà Tĩnh đi Quảng Bình có gần 40 trụ dọc tuyến bị "xóa sổ" hoàn toàn đường thi công, khiến công nhân phải mất cả tháng để làm lại. Đường dây cũng chủ yếu đi qua vùng núi cao, hiểm trở nên việc vận chuyển thiết bị, thi công càng khó khăn.
Do đó, ông Tuyển cho rằng trong thời gian tới sẽ thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn trong bàn giao mặt bằng các vị trí móng trụ, gắn với đôn đốc nhà thầu thi công nhanh 60% phần hành lang tuyến đã được bàn giao.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương để thực hiện hiệu quả công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo vệ thi công triển khai dự án...
Tổng mức đầu tư toàn bộ các dự án là hơn 11.949 tỉ đồng, khởi công vào ngày 18-12-2018. Hiện các vị trí móng trụ đã bàn giao mặt bằng đạt 96%, còn phần hành lang tuyến mới đạt trên 57%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận