25/10/2018 11:15 GMT+7

Gian nan hàng Việt tìm chỗ đứng

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TTO - Dù có đến 92% người Việt mua hàng hóa sản xuất tại VN, 92% người Việt quan tâm đến cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” theo khảo sát của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội mới thực hiện gần đây.

Gian nan hàng Việt tìm chỗ đứng - Ảnh 1.

tham gia triển lãm ngành công nghiệp thực phẩm tại Q.7, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhưng không phải hàng Việt nào cũng dễ dàng tìm chỗ đứng.

"Rờ" đâu cũng thấy khó

"Dù vẫn còn nhiều trở ngại khó khăn, nhưng phải thừa nhận Chính phủ và nhiều bộ ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng quảng bá, phát triển hàng Việt. Cộng đồng doanh nhân Việt đã có một môi trường sinh thái để các doanh nghiệp sản xuất và phân phối đều có thể trở thành đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ sản phẩm, phát triển thị trường".

Ông Đỗ Thắng Hải,

thứ trưởng Bộ Công thương

"Hội nghị đối tác phát triển hàng VN" nhằm khởi động chương trình "Nhận diện hàng VN - Tự hào hàng VN năm 2018" do Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) mới tổ chức gần đây đã xôn xao khi bà Phạm Minh Hương, giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho rằng hàng Việt vẫn rất chật vật tìm chỗ đứng tại khu vực nông thôn do vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành.

Còn bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết khi tiếp cận với các hệ thống phân phối bán lẻ - siêu thị, trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước là không thể chào hàng các sản phẩm mới vì mức chiết khấu còn khá cao (từ 15-25%), do đó các doanh nghiệp sẽ phải đẩy giá thành cao hơn so với bên ngoài từ 15-30% mới đảm bảo lợi nhuận.

Trong khi đó, một loạt đại diện hệ thống bán lẻ cho rằng không phải siêu thị cố tình "làm khó" nhà cung cấp, nhưng để duy trì được phẩm cấp hàng hóa, một trong những tiêu chí hàng đầu đặt ra phải là sản phẩm có chất lượng, mẫu mã cần hấp dẫn, người phụ trách chào hàng phải am hiểu và đủ tầm để làm việc với nhà phân phối.

Cơ hội quảng bá hàng Việt

Theo ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, trong chuyến làm việc mới nhất cấp Chính phủ với Nhật Bản, Bộ Công thương đã thống nhất được với Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật) về việc sẽ đưa hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại VN tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ mà tập đoàn này hiện diện ở các quốc gia. Trước mắt, từ năm 2020, Aeon sẽ đưa kế hoạch tiêu thụ 500 triệu USD hàng hóa từ VN và sẽ tăng lên 1 tỉ USD từ năm 2025 trở đi trong toàn hệ thống.

Còn bà Phạm Minh Hương, giám đốc điều hành Vinatex, cho rằng để hàng Việt kết nối được sâu rộng hơn người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, cải tiến sản phẩm, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Hàng Việt khó tìm chỗ đứng ở nông thôn

Theo bà Phạm Minh Hương, giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cuộc vận động "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" ít nhiều đã tác động sâu rộng đến người tiêu dùng Việt, làm thay đổi hành vi tiêu dùng theo xu hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại bấy lâu nay.

Song do hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu luôn chiếm ưu thế về mẫu mã, giá thành rẻ, nên khi xâm nhập vào khu vực nông thôn, các mặt hàng này luôn là lựa chọn hàng đầu của người dân vốn có thu nhập không cao, ít quan tâm đến sức khỏe và mức độ an toàn của sản phẩm.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên