16/07/2015 15:15 GMT+7

Gian nan giữ đất, giữ nhà sạt lở vì nạn khai thác cát

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Những mỏ cát đã làm hai bờ sông Hậu dọc cù lao Bình Thủy (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bị sạt lở nghiêm trọng.

Khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng tại cù lao Bình Thủy trước đây, và hiện nay nó vẫn là nỗi ám ảnh với người dân vùng này Ảnh: Đ.VỊNH
Khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng tại cù lao Bình Thủy trước đây, và hiện nay nó vẫn là nỗi ám ảnh với người dân vùng này - Ảnh: Đ.Vịnh

Hơn chục năm qua, người dân phải triền miên chống chọi với việc khai thác cát để bảo vệ đất đai, tài sản của mình.

Sau một thời gian khai thác cát tạm lắng dịu, niềm vui ấy kéo dài chưa lâu, người dân nơi đây lại đang hết sức âu lo khi địa phương tổ chức họp lấy ý kiến cho một doanh nghiệp khai thác cát trở lại.

Đồng lòng chống khai thác cát

Cù lao Bình Thủy rộng 1.550ha với đất đai màu mỡ, vốn là vùng chuyên canh hoa màu trù phú. Tai họa cho cù lao này là ở dưới lòng sông Hậu chứa loại cát được sử dụng nhiều trong xây dựng, đây là cái mỏ “thơm” cho các doanh nghiệp khai thác cát.

Người dân kể hơn chục năm trước bờ sông Hậu dọc cù lao này đã bị xói lở nặng, đấy cũng là lúc ghe tàu tập trung lấy trộm cát ngày đêm.

Tai họa không chỉ dừng lại ở đấy, một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác cũng ồ ạt kéo tới cùng với xáng cạp liên tục múc cát đổ lên những sà lan neo đậu chen kín xung quanh.

Vậy là bờ sông gia tăng sạt lở, bờ bao vạt đất trồng hoa màu lần lượt đổ ập xuống dòng nước, một số đoạn đường giao thông nông thôn bị cắt đứt, hàng loạt nhà cửa phải di dời khẩn cấp.

“Họ chỉ thích múc cát gần sát bờ để lấy được nhiều cát, nhất là cát vàng có giá bán cao. Bờ sông bị sạt lở nặng cũng vì chuyện này” - ông Lê Văn Dũng, phó ban ấp Bình Yên, bức xúc nói.

Phản ảnh, kêu cứu với chính quyền nhiều lần nhưng đâu vẫn vào đấy, người dân bèn cùng nhau bơi xuồng, ghe ra ngăn không cho doanh nghiệp lấy cát. Hễ thấy những chiếc xáng tiến vào gần bờ thì hàng chục hộ ở đầu cù lao cùng nhau xông đến buộc nó phải dời khỏi khu vực mỏ.

Mãi tới năm 2010, khi UBND tỉnh An Giang ra chỉ thị phải được dân đồng thuận mới cấp phép khai thác, tình hình mới tạm ổn trở lại.

Sang năm 2011, không hiểu sao lại thấy Công ty CP Xáng cát An Giang được cấp phép khai thác 200.000m3 cát/năm. Tuy đăng ký chỉ có hai xáng cạp nhưng hằng ngày trên đoạn sông này có cả chục phương tiện hoạt động liên tục ngày đêm.

Tình trạng sạt lở bờ sông tiếp tục diễn ra, không chỉ đất canh tác mà ngay cả nhà cửa cũng lần lượt bị mất, nhiều cơ sở sản xuất gạch, rồi khu vực dân cư bị đe dọa.

Trước tình cảnh đó, người dân liên tục cùng nhau chống xuồng ghe ra giữa sông xua đuổi, buộc công ty phải nhờ địa phương can thiệp và tạm dừng khai thác cát. Trong nhiều lần họp dân, cơ quan chức năng khăng khăng khẳng định nguyên nhân gây sạt lở không phải do khai thác cát.

Bà con thì kiên quyết phản đối việc cấp giấy phép khai thác mỏ cát. Tháng 12-2011, khi công ty khai thác cát trở lại, dân tiếp tục ra cản trở, phản ứng gay gắt khiến công ty phải ngưng hoạt động.

Nhiều hộ bị mất đất, mất nhà cho rằng ở mỗi khu vực mỏ chỉ được phép khai thác 100.000 - 200.000m3 cát/năm nhưng hằng ngày tại đây có hơn 20 chiếc sà lan to đùng, mỗi chiếc có sức chứa hàng ngàn khối cát đến chở cát đi các nơi. Đó là chưa kể không ít xáng cạp còn lấn ra ngoài khu vực cấp phép, tiến sát vào bờ lấy cát.

“Nhà cửa, đất đai là nguồn sống của gia đình đang đứng trước nguy cơ tiêu tan ai mà không sợ, không lẽ làm ngơ? Chính quyền không làm thì chúng tôi phải cùng nhau ngăn cản nạn khai thác cát để bảo vệ tài sản của mình” - bà Lê Thị Hòa, có nhà nằm cặp bờ sông, nói.

Dừng lấy cát là ngưng sạt lở

Tuy người dân không thuận nhưng UBND tỉnh vẫn cấp phép cho một số doanh nghiệp khai thác cát ở đoạn sông Hậu dọc cù lao Bình Thủy. Trong đó Công ty TNHH MTV Tân Lê Quang được phép khai thác cát từ tháng 2-2013 đến tháng 2-2020 tại khu vực mỏ rộng trên 20ha, nằm cách bờ 200m.

Năm ấy mưa lũ không lớn nhưng sạt lở đất lại gia tăng đáng báo động, đường giao thông bị đứt, hàng chục ngôi nhà đổ ập, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp...

Để tự cứu mình, người dân phải thường xuyên giám sát, cử người thay nhau quay phim, chụp ảnh làm cơ sở chứng minh cho cơ quan chức năng thấy những chiếc xáng cạp không di chuyển để lấy cát theo luồng, chỉ múc cố định tại một chỗ, đồng thời khai thác quá giờ quy định, quá số lượng.

Người dân còn luôn theo dõi, canh chừng, hễ thấy xáng tiến vào gần bờ thì đồng loạt kéo ra xua đuổi.

Ngày 20-9-2013 UBND xã Bình Thủy tổ chức cuộc họp, trước bằng chứng không thể chối cãi, đại diện công ty đành phải thừa nhận việc hoạt động không đúng quy định và chấp nhận dừng khai thác.

“Chẳng có doanh nghiệp nào tuân thủ theo giấy phép, họ lợi dụng giấy phép như bùa hộ mệnh để ăn cắp thêm cát, lấy cát vô tội vạ” - nhiều người dân phản ảnh.

Sự việc được báo cáo lên trên, UBND tỉnh An Giang phải ban hành quyết định tạm dừng hoạt động khai thác tại mỏ cát thuộc khu vực cấp phép cho Công ty Tân Lê Quang với lý do bờ sông nơi đây đang xảy ra sạt lở nặng, phát sinh nhiều vụ khiếu nại của người dân.

Từ đó tới nay đoạn sông này chỉ còn một đơn vị khai thác với 1-2 xáng cạp, UBND xã Bình Thủy cũng tăng cường giám sát nên tình trạng sạt lở đất hầu như không còn.

Tuy nhiên đầu tháng 7, Sở Tài nguyên - môi trường và địa phương lại tổ chức họp dân lấy ý kiến để tiến hành cấp phép cho Công ty Tân Lê Quang khai thác cát trở lại.

“Sợ sạt lở ở Bình Thủy lại gia tăng nên phần lớn bà con đều phản đối việc cấp phép khai thác mỏ” - ông Trang Thanh Huy, chủ tịch UBND xã Bình Thủy, cho hay.

Cát tặc hoành hành ngày đêm

Tại ĐBSCL, nạn lấy cát lậu bằng ghe bơm hút vẫn tiếp tục gia tăng. Hằng đêm, từng tốp ghe bơm hút không số tỏa đi khắp nơi để hút trộm cát đưa về các bãi tập kết cạnh bờ sông.

Ở An Giang, Đồng Tháp, cơ quan chức năng mới bắt quả tang hàng chục ghe bơm hút lấy trộm cát. Những chiếc ghe này đều có trang bị động cơ công suất lớn, di chuyển rất nhanh, có gắn bộ phận giảm thanh để dễ bề hoạt động ban đêm.

Theo báo cáo của các tỉnh ĐBSCL, bờ các nhánh sông Tiền, sông Hậu có hơn 200 điểm sạt lở và khu vực cảnh báo sạt lở. Mỗi năm sạt lở làm mất 300ha đất.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên