Gian nan duy trì hậu duệ… bò tót

MAI VINH 22/02/2017 22:02 GMT+7

TTCT - Từ những con bò lai giống bò tót ở Ninh Thuận năm xưa các nhà khoa học đang nỗ lực duy trì 'hậu duệ" của chúng và hy vọng về một giống bò mới ở Việt Nam.

Bò tót lai bò nhà giống đực thế hệ đầu tiên (F1) đang nuôi nhốt để giao phối với  bò nhà-MAI VINH
Bò tót lai bò nhà giống đực thế hệ đầu tiên (F1) đang nuôi nhốt để giao phối với bò nhà-MAI VINH


Trên cánh đồng cỏ vùng Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, H.Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), là vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình, một con bò tót đực đã trở thành bá chủ và chinh phục đàn bò nhà giống cái. Trước khi nó chết năm 2015, các nhà khoa học xác định bò tót đực này đã giao phối với 20 bò cái, để lại 20 hậu duệ bò lai (F1) cả đực và cái.

Đó cũng là tất cả vốn liếng mà các nhà khoa học trong nhóm của PGS.TS Lê Xuân Thám, nguyên giám đốc Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) tỉnh Lâm Đồng, có được khi bắt đầu thực hiện công trình phát triển đàn bò lai giữa bò tót và bò nhà.

Quay lại thời nguyên thủy

Con bò tót bỏ rừng về vườn dân kiếm ăn có sừng to, chắc, uốn cong về phía trước, đuôi chỉ dài ngang đến khuỷu chân sau, cao khoảng 1,7m, dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tấn. Ở cả bốn chân, từ khuỷu chân trở xuống có màu trắng giống như đi tất (vớ) trắng.

Bò tót đực có luồng cơ bắp chạy dọc sống lưng đến quá bả vai và một cái yếm lớn trước ngực, dáng vẻ rất dũng mãnh.

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, người dân sống trong vùng, có nhiều bò là con lai giữa bò tót và bò nhà, kể: “Con bò tót đi khoan thai trên đồng cỏ, tiếp cận bò cái nhẹ nhàng và tất cả bò cái trở thành bạn tình. Bò đực trong vùng không dám bén mảng đến.

Mỗi khi bò tót nổi máu phi ầm ầm tông toạc hàng rào, tạo ra âm thanh gây hoảng sợ cho thú nuôi của những nhà sống gần đồng cỏ. Tôi có con bò đực trêu ngươi con bò tót này và bị húc lủng ngực”.

PGS.TS Lê Xuân Thám cho biết: “Con bò tót chết già năm 2015 thuộc nhóm bò tót Đông Nam Á, độ hung hãn chỉ đứng sau loài hổ. Khi nghe tiếng súng nổ, bò rừng hoảng loạn chạy trốn nhưng bò tót sẵn sàng tấn công nếu phát hiện nơi ẩn nấp của thợ săn”.

Và con lai của con bò tót ở Phước Bình cũng có những đặc điểm như bò cha. Nhóm nghiên cứu lập trang trại ngay nơi bò tót xuất hiện năm 2009.

Âm thanh có thể nghe suốt ngày ở khu nghiên cứu là những tiếng phi ầm ầm qua lại hàng rào cao giăng kẽm gai, thỉnh thoảng là tiếng những thanh gỗ chắn khu nuôi bò với đồng cỏ gãy rôm rốp và những con bò nặng xác rượt nhanh như gió trong đồng cỏ voi rậm rạp.

“Phá không thể tưởng tượng nổi, tụi này phá hơn bố nó nữa, không có hàng rào nào chịu nổi” - anh Hồ Bá Quân, cán bộ Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng, người chăm sóc, ghi nhận các thông số phát triển của đàn bò tót tại đây, nhún vai kể về sự hung hăng của các con bò lai.

Anh Quân nói mỗi lần có việc cần tới gần để lấy mẫu máu cũng ớn ớn! Những lúc cần động chạm đến các con bò tót lai, anh Quân thận trọng tiếp cận lúc đàn bò đã no nê cỏ, nằm hiền lành, thân thiện. “Không con bò nào xỏ mũi được hết, cùng lắm là bấm số lên tai để dễ quản lý. Thấy nằm hiền hiền thôi chứ động mạnh vô thịt là nó quạu đó” - anh Quân cười.

Bò tót xâm nhập nương rẫy giáp ranh vùng rừng núi ở nhiều địa phương trong nước đã được ghi nhận thời gian vừa qua như H.Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), H.Đại Lộc (Quảng Nam), H.Đồng Xuân (Phú Yên), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai và Lâm Đồng)...

Tuy nhiên chưa có ghi nhận nào về việc bò tót đực sống chung với bò nhà thời gian dài và giao phối với bò cái nhà ở các địa phương trên như ở vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình. Đến nay, một số bò cái của nông dân tại đây đã sinh được hơn 20 con bê.

Giải mã bộ nhiễm sắc thể, ông Trần Quế, Trung tâm Công nghệ sinh học (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), khẳng định những con bê có vóc dáng giống bò tót chính xác là lai giữa bò tót và bò nhà. Nhưng nhóm nghiên cứu chỉ giữ được 10 con lai F1 vừa đực vừa cái, số còn lại người dân đã bán đi trước khi nhóm nghiên cứu kịp mua lại.

Theo PGS.TS Lê Xuân Thám, năm 2011, khi đến Phước Bình cùng những người am hiểu về động vật và di truyền, nhìn đàn bò lai F1 với những ưu điểm như bò tót, ông đã suy nghĩ về việc phải phát triển được hậu duệ của con bò tót đực, vì chuyện bò tót lai bò nhà cho ra đàn bò khỏe mạnh là cực kỳ hi hữu và tại VN đây là trường hợp duy nhất.

Bên cạnh gìn giữ nguồn gen lai quý hiếm bò tót - bò nhà, việc phát triển hậu duệ bò tót còn giúp cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt. Con lai giữa bò nhà với bò tót có thể cải thiện tính chống chịu với bệnh tật, khí hậu thời tiết nóng ẩm.

Ông Thám nhấn mạnh: “Việc nghiên cứu lai bò tót - bò nhà và các thế hệ tiếp theo của bò lai với bò nhà thuần chủng nhằm sử dụng nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên của bò tót, tạo ra các tổ hợp lai ưu thế mới, từ đó tạo ra các dòng, giống bò thịt vượt trội tại VN”.

“Thời nguyên thủy, trong những chuyến săn bắn, loài người đã mang về các con bò với giống loài khác nhau, nhốt chung chuồng và để tự do giao phối. Ngẫu nhiên xuất hiện những dòng lai mà con lai hiền, cho thịt ngon và dễ dàng chịu sự quản thúc của con người. Chúng tôi đi lại con đường của người nguyên thủy và theo dõi bằng các ghi chép khoa học” - ông Thám nói.

Hiện nhóm của ông Thám đang lai theo hai hướng: cho bò đực lai giao phối với bò cái nhà và ngược lại với sự tác động của nhóm nghiên cứu; cho bò lai giao phối ngẫu nhiên với bò nhà của dân. Đáng lẽ có thêm hướng thứ ba, nhưng hướng cho bò đực lai giao phối với bò cái lai bò tót thất bại vì nhiều năm liền những cuộc giao phối đều không cho kết quả.

Bò tót lai bò nhà vẫn còn đặc tính hung dữ nên khi muốn gần phải rất cẩn thận-MAI VINH
Bò tót lai bò nhà vẫn còn đặc tính hung dữ nên khi muốn gần phải rất cẩn thận-MAI VINH

 

Thêm tin vui?

Đến năm 2016, trang trại nghiên cứu đã đón chào những con bò tót lai bò nhà thế hệ thứ hai (F2) và thứ ba (F3) nhưng tất cả là bò cái. Những con bò tót đực lai F1 vẫn giao phối bình thường với bò nhà nhưng không có kết quả, trong khi đó bò cái lai giao phối với bò nhà thì có thai.

Theo ông Trần Quế, dù chưa giải mã nhiễm sắc thể nhưng đối với bò F3, có thể khẳng định là con lai của bò tót do chúng giống mẹ và mang nhiều đặc điểm của bò tót, đặc biệt cặp sừng và bốn ống lông trắng ở chân.

Ông Thám cho biết chuyện duy trì hậu duệ cho con bò tót xuất hiện ở vùng đệm Vườn quốc gia Phước Bình đã thành công, nhưng để cải tạo đàn bò thịt ở VN thì câu chuyện còn dài vì cần bò tót đực lai F1 thể hiện khả năng sinh sản.

“Con bò đực F1 hiện đang bất thụ, nếu bò đực cho thấy khả năng thụ thai và con của chúng tiếp tục thụ thai được với bò nhà có nghĩa mọi thứ mỹ mãn” - ông Thám nói và cho biết đến giờ vẫn chưa ghi nhận được trường hợp bò đực lai F1 có khả năng sinh sản.

“Con đực nếu có khả năng sinh sản thì mới tính đến chuyện cải tạo đàn bò vì chỉ cần lấy phối tinh bò tót đực cho hàng loạt bò cái nhà là có thể có hàng chục, hàng trăm con bò lai.

Còn đối với bò cái lai, muốn gầy dựng được đàn bò số lượng lớn thì mất nhiều năm vì nó chỉ sinh một con/năm, trong khi con bò tót lai F1, gần với bò tót nhất, sẽ chết già trong 20 năm” - ông Thám lo lắng.

Ở khu vực nghiên cứu, con bò tót lai giống đực F1 có vóc dáng khỏe nhất được đưa vào chuồng nuôi ăn kỹ lưỡng và lần lượt nhiều bò cái nhà dạng tuyển chọn đến kỳ động dục được đưa vào ở chung chuồng.

Khi chúng tôi cùng đoàn tham gia lấy mẫu máu để ứng dụng khoa học phân tử giải mã bộ nhiễm sắc thể thì nhóm nghiên cứu tiết lộ tin vui lớn: trong đàn bò của dân, có bò cái nhà mang thai và thông tin từ người nuôi bò thì đây là kết quả giao phối của bò đực F1 với bò cái nhà.

Trong trang trại nghiên cứu, một bò cái nhà cũng đã mang thai. Dựa theo nhật ký trang trại thì đây là bào thai của bò đực F1 với bò cái nhà. “Sau khi bò con ra đời, chúng tôi sẽ phân tích nhiễm sắc thể để có thể công bố điều hi hữu của thế giới có diễn ra ở Phước Bình hay không?” - ông Thám mừng rỡ nói. ■

Theo báo cáo của nhóm thực hiện đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa”, bò tót là động vật thuộc bộ guốc chẵn (Artiodactyla), họ trâu bò (Bovidae), phân họ bò (Bovinae), chi bò (Bos), có lông màu sẫm, kích thước lớn, sinh sống chủ yếu ở vùng đồi của Ấn Độ và Đông Nam Á.

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy mối quan hệ chủng loại phát sinh rất gần gũi giữa các nhóm bò hoang dã: bò tót (Bos gaurus, Bos frontalis), bò rừng Banteng (Bos javanicus), bò rừng châu Âu Wissent (Bos bonasus = Bison bonasus), bò rừng Bắc Mỹ (Bos bison bison), bò Yak (Bos grunniens) và bò nhà (Bos taurus taurus và Bos taurus indicus) phân hóa từ bò cổ châu Âu Bos primigenius (bò aurochs).

Bò tót được người dân tộc thiểu số gọi là con min, nghĩa là trâu rừng, do chúng có hình dáng tương tự loài trâu.

Bò tót VN xuất hiện ở Vườn quốc gia Phước Bình từ năm 2009 đến năm 2015, qua phân tích gen nhận thấy thuộc nhóm Bos gaurus, theo nhiều nhà nghiên cứu thì thuộc về nhóm phổ biến ở Đông Nam Á - Malaysia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận