25/05/2020 14:11 GMT+7

Gian nan đường đến trường kiếm 'vốn chữ' lận lưng

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Ngày Nguyệt được tuyển thẳng vào đại học cũng là ngày bà Hằng xuống Hà Nội mổ ung thư tuyến giáp. Mổ xong, ngày ngày mẹ vẫn cần mẫn mang hàng xuống chợ bán, còn Nguyệt tranh thủ nhận việc làm thêm để trang trải sinh hoạt phí.

Gian nan đường đến trường kiếm vốn chữ lận lưng - Ảnh 1.

Bản thân bị khuyết tật vận động nhưng chưa lần nào Ánh Nguyệt từ bỏ ước mơ học tập của mình - Ảnh: HÀ THANH

Thế nhưng dịch COVID-19 xảy đến, mọi thứ ngưng lại...

Quyết tâm học giỏi

"Mẹ luôn nói với tôi: Nhà mình không có vốn liếng gì, mẹ chỉ lo cho con được vốn chữ để sau này con có một công việc ổn định, để không phải buôn gánh bán bưng như mẹ" - Nguyễn Ánh Nguyệt, 19 tuổi, khoa kinh tế Học viện Tài chính Hà Nội, nhớ như in lời mẹ dặn. 

Bị khuyết tật vận động, tay trái teo lại, đôi chân cũng không chịu được vận động mạnh, có những ngày đôi vai oằn xuống nhưng cô gái nhỏ nhắn vẫn gắng sức bước tiếp để học lấy con chữ.

Bố mất năm Nguyệt lên 9 tuổi, toàn bộ kinh tế trong nhà phụ thuộc vào người mẹ. Bà Hằng - mẹ của Nguyệt - cũng bị khuyết tật dạng vận động, hằng tháng hai mẹ con phải nhờ đến trợ cấp xã hội. Tuổi cao, mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng ngày ngày bà Hằng vẫn buôn thúng bán bưng ở cổng chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Trước lúc bố mất, gia đình chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho bố, mãi đến ba năm sau mới trả hết nợ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô gái nhỏ nhắn quyết tâm học tập thật tốt để lấy con chữ "làm vốn lận lưng" như lời mẹ dặn. Suốt ba năm liền cấp III Nguyễn Ánh Nguyệt đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, năm lớp 12 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý rồi được tuyển thẳng vào đại học.

Cô nhớ ngày được tuyển thẳng vào Học viện Tài chính, bước vào cổng trường đại học cũng là lúc mẹ khăn gói xuống Hà Nội chữa trị ung thư tuyến giáp. Mẹ phải nghỉ bán hàng để nhập viện, gia đình đã khó lại càng khó khăn hơn. 

"Ngày biết tin mẹ bị ung thư, tôi rất sốc bởi từ nhỏ đã quen với việc được mẹ chăm sóc, mình ốm mẹ chăm. Các bác các cô động viên: Giờ muốn mẹ khỏe phải tập trung học, để mẹ không suy nghĩ nhiều" - Nguyệt chia sẻ.

Xoay xở mùa dịch

Đợt dịch COVID-19 vừa qua bà Hằng xuống Hà Nội xạ trị, lúc về đúng đợt phải cách ly xã hội. Có những hôm mẹ đi chợ từ sáng đến tối mà không bán được hàng, còn cô sinh viên cũng chẳng thể xuống trường đi làm thêm được. Gánh nặng kinh tế một lần nữa đè nặng lên đôi vai của hai mẹ con. 

Để đỡ đần mẹ, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn nhận thêm chiếu trúc về đan lát. Đôi tay dù nhỏ xíu nhưng bù lại khéo léo, tỉ mẩn hợp với đan lát, đây cũng là công việc cô gắn bó suốt những năm tháng học cấp III, mỗi chiếc chiếu hoàn thành nhận tiền công 70.000 đồng.

"Mẹ gần 60 tuổi, mắc nhiều bệnh tật, ngày nào cũng phải vất vả bán hàng từ sáng đến tối. Dịch ở nhà chỉ học online, không xuống trường đi làm thêm được, mẹ cũng không bán được hàng nên tôi tranh thủ làm được thứ gì hay thứ đó. May bữa đó hai mẹ con được hỗ trợ 1 triệu đồng, 20kg gạo, thùng mì gói, nước mắm và gia vị" - Nguyệt bộc bạch.

Mới từ quê Lạng Sơn xuống Hà Nội thi cuối kỳ, cô sinh viên chia sẻ phải tập trung vào ôn luyện nên chẳng thể xin việc làm ngay được. May thay được Đoàn trường gọi điện giới thiệu về quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường mùa COVID-19", Nguyệt tức tốc gửi đơn đề đạt nguyện vọng.

"Đối với tôi, quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" có ý nghĩa rất lớn, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, là niềm động lực và niềm tin giúp tôi và mẹ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, giúp tôi luôn vững bước trên con đường mình đã chọn" - Nguyễn Ánh Nguyệt bộc bạch.

Những ngày mẹ nhập viện, sáng đi học, chiều từ 14h cô nhận đóng hàng thuê. Mỗi giờ thử việc được nhận 10.000 đồng, về sau người ta trả công 15.000 đồng/giờ. Làm đến tối, Nguyệt lại đón hai tuyến xe buýt vào viện chăm mẹ. Có lần mệt quá ngất đi, nhưng Nguyệt ráng gượng dậy vì nghĩ đến mẹ.

“Không dám nói với mẹ đâu vì sợ mẹ nghĩ nhiều, sau này mới dám nói thật với mẹ là con đi làm thêm, thật ra là vì mẹ phát hiện ra lâu lắm không thấy tôi xin tiền đóng học phí. Mệt nhưng phải cố gắng làm thêm đỡ đần cho mẹ bởi hằng tháng thu nhập của mẹ không đáng là bao” - cô sinh viên trải lòng.

Nhi Nhi 'vé số' và nỗi sợ dang dở ước mơ

TTO - Từ năm lên 6 tuổi, cô bé Phan Thị Hoài Nhi đã lang thang bán vé số khắp các con đường ở TP Đà Nẵng và làm đủ nghề mưu sinh. Nay vừa tròn 15 tuổi, số nghề mà Nhi trải qua cũng nhiều như ước mơ của em vậy.


HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên