TTCT - ... “Từ độ người đi biết trưa quêThương giàn mướp nhỏ hoa chưa vềVàng hoa trưa ấy còn bay phấnThơm đến trưa này trưa mướp quê”. (Trưa quê - Sao Mai) Minh họa: Đức Trí Thời thơ ấu của tôi quanh quẩn với lẫm lúa, gốc chùm ruột và giàn mướp trước sân nhà. Tôi còn nhớ mồn một những ô tre với rất nhiều bông mướp vàng ươm lấm tấm phấn lấp ló như là có sự sắp xếp tài tình. Từng chiếc lá giông giống bàn tay cứng cáp, từng cái ngọn cong cong vươn ra sởn sơ mềm mại, từng xoắn móc neo giữ cẩn trọng... được thiên nhiên tạo bằng tất cả sự tinh xảo, âu yếm. Và cái “tuyệt tác” giàn mướp ấy không thể thiếu những chú ong bầu tròn tròn đen đen như hòn bi ve biết bay. Tôi mê mẩn tiếng ong bầu trong ống tre, loại nhạc kỳ diệu của thời tuổi nhỏ. Khi đã nhiều tuổi, để nhớ về má, tôi tạo lại giàn, dây mướp đã phủ đều bốn góc nhưng loay hoay mãi tôi vẫn chưa tìm được tre, lại chỉ đan bằng những cọng kẽm lớn, nhìn có vẻ chắp vá, thiếu đi cái hồn vía “thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về”. Dù là gì tôi vẫn xem đó là “giàn mướp của má tôi”, tôi thường ngồi hàng giờ với nó, cố giữ gìn, vun vén những rung động của chính mình và của tâm hồn thế giới xung quanh. Cảm giác vậy nên mỗi lần ngồi dưới bóng râm mát của những bông vàng lấp ló ấy, tôi như thấy mình đang sống lại cái thuở thần tiên của đời người và hình như đâu đây thôi, má tôi đang bận rộn liền tay liền chân, năm tao bảy tiết chống chọi với gió mưa cuộc đời. Giàn mướp cảm giác, “giàn mướp của má tôi”, đã nhiều lần tôi gọi tên nó như vậy. Bông mướp rụng nhiều là điềm chẳng lành. Bông mướp dày nhưng không đậu trái cũng không là điềm tốt đẹp. Cái búp như chiếc bông tai của người con gái mới được nhà trai đến dạm ngõ. Đôi bông ấy không đính hai hạt cẩm thạch lạnh lùng rào giậu mà nó mang, nó gợi cái tính, cái hồn của người con gái: vừa mơn mởn căng tràn sức sống lại vừa khuôn phép, rụt rè, vừa khao khát hiến dâng lại vừa e lệ, khép nép. Mỏng mảnh yếu đuối vậy mà bông mướp đã trở thành hình ảnh khó phai, là chút gì đó hiền hòa, vương vấn, mến yêu không thể thiếu trước hiên nhà, sân nhà của miệt quê yên tĩnh. Hồi nhỏ, bọn trẻ xóm tôi thường ngắt ruột cọng mì từng đoạn, giữ lớp vỏ ngoài lại để tạo thành sợi dây chuyền, thắt lá dừa thành nhẫn, thành đồng hồ và bông mướp làm đôi bông tai, rồi len lén đeo tặng cho nhau, rụt rè nhìn trước ngó sau dúi vào tay nhau rồi ù chạy mà nhịp tim như nhịp trống. Ôi! Những ngây thơ, ngây ngô, “ngố rừng” nhưng không kém phần da diết của một thời vụng dại. Dưới giàn mướp râm mát ấy, trò chơi đám cưới của những đứa bé quê chúng tôi đã thành những ký ức lung linh, quý giá hơn của cải vàng bạc châu báu. Chúng tôi mang theo như một phần hành trang trong suốt đời mình. Nơi chân núi Tà Cú, tôi thường có khách văn ghé thăm. Dưới giàn mướp ấy, tôi để bộ bàn ghế đá uống trà, không hiểu sao câu chuyện của chúng tôi cứ thường quay về đề tài cảm giác. Chúng tôi đang ngồi uống trà, chợt tất cả ngoái nhìn ra vườn: bầu trời phủ đầy những chấm đen di động, thì ra đó là bầy ong mật đang chia đàn chuyển tổ. Khi bầy ong tụ hết lại thành khối nơi góc giàn mướp, một nhà văn bạn đã nói: bầu trời giờ như chiếc tủ kính trong veo. Mọi người ồ lên xác nhận cái cảm giác ấy. Cảm giác đã tạo nên thái độ nhìn và cả thời tiết đời sống... Những lúc như vậy, tôi biết do cái khung cảnh dưới giàn mướp đã tác động đến chúng tôi nên cách nhìn, cách nghĩ của mọi người, của tôi trở nên lãng mạn như vậy. Tạo hóa là một đấng sáng tạo điềm tĩnh, lạnh lùng, có phương pháp nhưng xét cho cùng cái mục đích thì lại để mở cho con người. Bầu trời cảm lạnh hay bầu trời trong veo là do cảm giác. Giàn mướp thơm tho hay không mùi vị cũng là cảm giác. Phàm những gì tinh tế chỉ có nơi những tâm hồn biết tĩnh lặng, biết lùi khỏi ồn ào, hào nhoáng, phù hoa. Nhà thơ Sao Mai viết những câu thơ đã trở thành cổ điển về cái “trưa mướp quê” như có như không. Ấy vậy mà mỗi lần tôi nhớ lại, lẩm nhẩm đọc cứ rờn rợn trong người. Giàn mướp của má tôi, câu hỏi như không hỏi của nhà thơ Sao Mai: Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn đã tạo ra những dấu lặng trong đời sống tinh thần của tôi, mãi mãi là như thế. Tags: Tạp bút
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?