Công an khám xét nhà Vũ Trọng Lương, nguyên phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Giang, hôm 20-7-2018 - Ảnh tư liệu
Ba vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang dần đi tới hồi kết. Vụ án tại Sơn La đang được Tòa án nhân dân tỉnh này thụ lý, nghiên cứu hồ sơ và chuẩn bị đưa ra xét xử trong thời gian tới.
Vụ án tại Hà Giang, Tòa án nhân dân tỉnh mới trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát tỉnh để yêu cầu bổ sung những chứng cứ quan trọng. Vụ án tại Hòa Bình, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang trực tiếp điều tra, làm rõ.
Trong quá trình xử lý ba vụ án gian lận thi cử, cơ quan chức năng tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình đã lần lượt đề cập tới danh tính các lãnh đạo ở địa phương có con nằm trong danh sách được sửa nâng điểm.
Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, tại tỉnh Sơn La có 44 thí sinh được nâng sửa điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, trong đó nhiều thí sinh có cha, mẹ đang đảm nhiệm những vị trí quan trọng tại tỉnh này.
Trong số đó có thể kể đến các ông bà cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cục trưởng Cục Thuế tỉnh, phó chánh Thanh tra tỉnh, phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Sơn La, hai phó chủ tịch UBND TP Sơn La, phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, giám đốc VNPT Sơn La, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La, phó chánh văn phòng Tỉnh ủy…
Đối với các phụ huynh này, ngày 10-7, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có công văn số 2267 gửi các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố của tỉnh.
Theo đó, chủ tịch tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định số 889 - QĐ/TU ngày 28-5-2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc xem xét, kiểm điểm cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La.
Trong công văn này, Chủ tịch tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh yêu cầu "chưa xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử, khen thưởng, bổ sung quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc nâng điểm cho thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La khi chưa có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền".
Còn tại tỉnh Hòa Bình, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy hôm 28-7 đã họp và ra thông báo về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý liên quan tới vụ gian lận thi cử năm 2018 tại tỉnh này.
Trong đó, Ủy ban kiểm tra nêu rõ 5 lãnh đạo có con được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, gồm nguyên giám đốc Sở Giao thông vận tải, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giám đốc Sở Khoa học và công nghệ, phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh và giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình cũng nêu rõ kết quả xác minh: dù các vị cán bộ trên và người thân khẳng định không tác động, can thiệp nâng điểm cho con nhưng thực tế là con họ đã được sửa nâng điểm và đã sử dụng điểm bất hợp pháp này đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, học viện.
Việc làm này của các thí sinh trên là vi phạm điều 49 quy chế thi và điều 13 quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ do Bộ GD-ĐT ban hành, vi phạm quy định của pháp luật. Vì vậy, là phụ huynh của các em, các cán bộ lãnh đạo trên đã vi phạm khoản 8, điều 3, quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình đã yêu cầu Ban thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, các đảng ủy liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện quy trình, xem xét, thi hành kỷ luật Đảng các cá nhân trên theo thẩm quyền, báo cáo kết quả trước ngày 10-8.
Như vậy, đối với hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình, việc xử lý cán bộ đảng viên liên quan đến gian lận thi cử đã tương đối rõ ràng. Còn tỉnh Hà Giang thì sao?
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Giang xác định có 309 bài thi trắc nghiệm các môn đã bị Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương (nguyên trưởng và phó Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang) can thiệp để nâng điểm cho 107 thí sinh, nhưng kết luận điều tra, cáo trạng lại không chỉ ra được những phụ huynh nào đã tác động nhờ nâng điểm. Trong kết luận điều tra dài 17 trang và cáo trạng dài 20 trang, phụ huynh "kém may mắn" duy nhất bị nêu danh là ông Phạm Văn Khuông, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo.
Hà Giang là nơi phát hiện gian lận thi cử đầu tiên, ngay sau khi Bộ Giáo dục và đào tạo công bố kết quả thi THPT quốc gia (ngày 11-7-2018).
Thế nhưng tới nay đã qua một năm, dù vụ án đã đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, báo chí vẫn chưa từng được tiếp cận thông tin chính thức về các trường hợp phụ huynh là cán bộ đảng viên của Hà Giang có con được sửa nâng điểm.
Theo Công an tỉnh Hà Giang, có tới 210 vị phụ huynh có con trong danh sách được sửa nâng điểm năm 2018. Tuy nhiên hai phụ huynh của Hà Giang được báo chí nhắc đến cho tới nay chỉ có ông Triệu Tài Vinh (nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang) và ông Phạm Văn Khuông (nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang, cũng là bị can trong vụ án này).
Là cơ quan báo chí, báo Tuổi Trẻ có cơ hội tiếp cận với các cơ quan đang xử lý vụ án gian lận thi cử và xử lý các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, bao nhiêu lần chúng tôi liên hệ làm việc là bấy nhiêu lần các cơ quan này né tránh, từ chối.
Sơn La, Hòa Bình đã lần lượt "gọi tên" lãnh đạo trong vụ gian lận thi cử, thật lạ sao Hà Giang đến giờ còn… nín thinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận