Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Hà Nội - Ảnh: TIẾN LONG
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo cũng như các trường có cái khó khi tính toán phương án giải quyết quyền lợi cho các thí sinh bị mất cơ hội. Nhưng mong muốn của nhiều người dân và người nhà các em là hợp lý.
Bao năm đèn sách, trải qua một kỳ thi cử không phải đơn giản. Cơ hội thi vào trường mong muốn nhất (nguyện vọng 1- NV) nhiều khi thay đổi cả cuộc đời các em. Đây là điều bộ cần chú ý để lựa chọn giải pháp cho hài hòa.
"222 thí sinh trượt mất cơ hội rất đáng thương, các em bị những đối tượng gian lận điểm cướp mất cơ hội vào trường. Nếu tôi thì tôi sẽ đề xuất giải pháp cho các em xét tuyển thêm", ông Tuấn chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn chia về việc giải quyết quyền lợi cho các thí sinh "trượt oan" - Video: TIẾN LONG
Đồng tình ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng có nhiều giải pháp giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh bị "mất chỗ oan". Thông thường có nhiều trường, chương trình học năm thứ nhất còn nhẹ nên có thể tuyển sinh thêm những em này, sau đó cho các em đăng ký "học đuổi".
Đối với những trường không thể gọi bổ sung vào năm học này thì có thể tạo điều kiện để các em nhập học vào năm sau. "Tôi nghĩ Bộ giáo dục và các trường đại học cần xem xét các yếu tố làm sao có lợi cho các em", ông Hòa nói.
Liên quan đến gian lận thi cử, năm 2018 có 222 thí sinh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La được nâng điểm thi THPT quốc gia, trong đó 94 em đã nhập học vào 26 đại học.
Trong tháng 4 vừa qua, 82 thí sinh trong số này đã bị buộc thôi học do không đủ điểm trúng tuyển hoặc đủ điểm, nhưng vi phạm quy định tuyển sinh của ngành công an.
Dù vậy, các trường đại học đều không có kế hoạch bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018, lý do sinh viên đã học gần hết một năm học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận