17/10/2019 07:52 GMT+7

Gian lận thi cử được lên kế hoạch tinh vi, 'thống nhất' từ trên xuống dưới

TH.HOÀNG - C.TUỆ - N.TRẦN
TH.HOÀNG - C.TUỆ - N.TRẦN

TTO - Lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy cả một kế hoạch tinh vi sửa bài thi đã được vạch ra từ trước và được thống nhất từ phó giám đốc Sở GD-ĐT đến chuyên viên và cả cán bộ công an làm nhiệm vụ trong kỳ thi...

Gian lận thi cử được lên kế hoạch tinh vi, thống nhất từ trên xuống dưới - Ảnh 1.

Bị cáo Lò Văn Huynh tại phiên tòa chiều 16-10 - Ảnh: DANH TRỌNG

Ngày 16-10, hai phiên tòa xét xử 2 vụ gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La và Hà Giang tiếp tục làm việc với nhiều thông tin củng cố hành vi phạm tội của các bị cáo.

Tại Sơn La, có phụ huynh thừa nhận việc đưa tiền để cảm ơn vì con mình được nâng điểm.

Sơn La: thống nhất từ trên xuống dưới

Phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La tiếp tục phần thẩm vấn bị cáo Trần Xuân Yến, cựu phó giám đốc Sở GD-ĐT, cùng các phụ huynh có con được nâng điểm. Ngoài ông Yến, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, thừa nhận cả việc nhận tiền để nâng điểm thi.

Lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy cả một kế hoạch tinh vi sửa bài thi đã được vạch ra từ trước và được thống nhất từ phó giám đốc Sở GD-ĐT đến chuyên viên và cả cán bộ công an làm nhiệm vụ trong kỳ thi. Mỗi người một vai trò và thực hiện "rất chuyên nghiệp", từ sửa bài thi đến xóa dấu vết để tránh bị phát hiện.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga khai trước khi diễn ra kỳ thi khoảng nửa tháng, ông Trần Xuân Yến đã trao đổi việc sửa bài thi nâng điểm cho con em cán bộ trong sở và có trường hợp được giám đốc sở nhờ vả.

Bà Nga trao đổi kế hoạch sửa bài thi với bà Cầm Thị Bun Sọn, Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá), Đặng Hữu Thủy (phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Lò Văn Huynh (trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục)...

Nhóm này đã thống nhất sẽ cùng nhau rút bài thi các môn trắc nghiệm mang ra ngoài khu vực chấm thi để sửa nâng điểm rồi trả về vị trí cũ, xóa file ảnh đã quét và quét lại file ảnh mới.

Trong các đêm 29 và 30-6-2018, họ mở cửa phòng rút bài thi rồi vận chuyển bằng ôtô đến nhà riêng ông Thủy để sửa. Những lần sửa bài thi đều diễn ra đến 12h đêm, xong xuôi vận chuyển bài thi về các phòng thi và niêm phong lại như ban đầu.

"Theo quy định, quy chế thì tất cả bài thi quét xong phải niêm phong nhưng các bị cáo không thực hiện, việc này được anh Yến đồng thuận. Việc sửa bài thi thống nhất thực hiện ở nhà anh Thủy vì sợ sửa tại sở thì bị lộ" - bà Nga khai và cho biết chính ông Yến chỉ đạo xóa dấu vết khi có đoàn của Bộ GD-ĐT lên kiểm tra.

Tuy nhiên, tại tòa ông Yến phủ nhận những lời khai trên, một mực khẳng định không chỉ đạo và không tham gia đường dây nâng điểm thi. Về danh sách 13 thí sinh được chuyển cho bà Nga, ông Yến lý giải "là để xem điểm cho đồng nghiệp và bạn bè".

Mặc dù khai chỉ nhờ xem điểm nhưng trong các danh sách do ông Yến chuyển cho bà Nga thì có đầy đủ tên, số báo danh của thí sinh, môn thi và đặc biệt bên cạnh còn có cả số điểm được ghi sẵn. "Đó là số điểm mà các cháu tự chấm nên bị cáo ghi vào để so sánh" - ông Yến lý giải.

Ông Yến thừa nhận việc chỉ đạo bà Nga in tài liệu các bài thi ra 16 CD khi có đoàn lên kiểm tra, nhưng giải thích là do "sợ máy tính nhiễm virút bị mất dữ liệu". Sau đó, ông Yến tự tay tiêu hủy số đĩa này vì lo "lọt ra ngoài sẽ ảnh hưởng".

Hà Giang: "choáng, sốc" cũng không đủ diễn tả

Gian lận thi cử được lên kế hoạch tinh vi, thống nhất từ trên xuống dưới - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang - Ảnh: NAM TRẦN

Tại phiên tòa hôm qua, ông Vũ Văn Sử (cựu giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh) thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính (cựu phó giám đốc sở), trong đó có một nữ thí sinh có cha qua đời trước ngày thi đầu tiên, thấy hoàn cảnh đặc biệt nên ông Sử khi đưa thông tin thí sinh này cho bị cáo Chính cùng lời nhắn nhủ xem xét, để ý "nếu đậu tốt nghiệp thì tốt, nếu không thì phải xem xét đưa vào danh sách xét đặc cách".

HĐXX đặt tiếp vấn đề việc ông Sử nói với cấp dưới của mình cần quan tâm tới một số con em các đồng chí lãnh đạo, nói như vậy có khác gì dẫn dắt, mở lối họ vào con đường tiêu cực, làm xấu xí ngành hay không?

Ông Sử cho rằng đây chỉ là câu chuyện bình thường hằng ngày, cũng chỉ nói đồng chí này, đồng chí kia có con năm nay thi, không biết kết quả ra sao. "Nói xong tôi cũng quên câu chuyện đó ngay. Chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp có ít người thôi" - ông Sử phân trần.

Ông Sử khẳng định nếu có ý gì thì đã không đề xuất lắp 2 camera, 2 khóa, 2 phòng chứa bài thi, tăng số công an, không đích thân đi mua giấy niêm phong để về dán vào bì chuyên dụng đựng đề thi... "Tôi đã dùng những biện pháp rất cao trên cả quy chế để bảo vệ kỳ thi an toàn nhất, để về hưu được thanh thản" - ông Sử nói.

Tiếp đó, HĐXX đề nghị ông Sử đặt cương vị là người có vai trò cao nhất ngành giáo dục Hà Giang thời điểm xảy ra vụ án để tự nói về trách nhiệm của bản thân, ông Sử cho rằng điều khó nhất chính là yếu tố con người, ông không bao giờ ngờ tỉnh Hà Giang lại xảy ra việc này.

Đây là lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử thi cử nước nhà, từ "choáng, sốc" cũng không đủ để phản ánh. Ông Sử cũng thừa nhận sai phạm và khẳng định bản thân đã nhận trách nhiệm với cơ quan cao nhất là Ủy ban Kiểm tra trung ương, sẵn sàng nhận kỷ luật.

Đối chất lời khai đưa tiền "cảm ơn"

Bà Lò Thị Trường, phụ huynh, khai có đưa tiền cho bị cáo Lò Văn Huynh. Ông Huynh khai sau kỳ thi, bà Trường có đến đưa 300 triệu đồng cảm ơn nhưng ông đã trả lại. Bà Trường cũng xác nhận "sau khi đưa tiền được 2 ngày thì ông Huynh đã trả lại".

Bà Nga tiếp tục khai được ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP Sơn La, đưa số tiền "cảm ơn" cho 4 thí sinh là 1,040 tỉ đồng, nhưng ông Điện khẳng định chỉ nhờ xem điểm.

Đối chất tại tòa, các phụ huynh khác cũng khẳng định chỉ nhờ xem điểm nhưng con mình vẫn được nâng điểm. Tuy nhiên, bị cáo Cầm Thị Bun Sọn và Đặng Hữu Thủy đều khẳng định lời khai của các phụ huynh là không đúng, họ đã nhận được tiền "cảm ơn" từ 150 triệu đến 440 triệu đồng.

Xử vụ gian lận thi ở Hà Giang: Đánh cả xe tải chở bài thi về sửa Xử vụ gian lận thi ở Hà Giang: Đánh cả xe tải chở bài thi về sửa

TTO - Vũ Trọng Lương giới thiệu là phó trưởng ban thư ký đến chuyển đồ về Sở GĐ-ĐT Hà Giang. Khi được sự đồng ý của một cán bộ công an giám sát phòng chứa bài thi đang đi ăn trưa, nhóm công an bảo vệ đã để Lương đem bài thi về sửa.

TH.HOÀNG - C.TUỆ - N.TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên