18/06/2012 04:02 GMT+7

Gian lận là một thứ chất lỏng !?

CHỌT
CHỌT

TTC - Nguyên lý bình thông nhau là kiến thức mà có lẽ ai cũng biết khi nó được dạy trong chương trình vật lý lớp 8.

jSMlojPx.jpgPhóng to

Trên một trang web mà Chọt tui đọc được, nhiều người lãng mạn đã ước rằng: giá mà nguyên lý bình thông nhau không chỉ có giá trị với chất lỏng mà cả với trong cuộc sống. Khi ấy sẽ không có hố sâu ngăn cách giữa giàu và nghèo, mọi quyền lợi được chia đều cho tất cả. Sẽ không có những cuộc mưu sinh trong cơn đói lả bên cạnh những lụa là nhung gấm, ném tiền cho lạc thú xa hoa…

Nhưng cũng có người đã cãi lại, may mà nguyên lý bình thông nhau không thể có trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bởi nếu thế thì tất cả đều là bình quân chủ nghĩa, người giỏi, siêng năng cũng hưởng như kẻ kém tài, lười biếng; con người sẽ sống không còn ý chí, nghị lực và tâm huyết, mọi thứ sẽ nhàn nhạt mà thôi. Cuộc tranh cãi rồi cũng có kết thúc: Tạo hóa đã có lý khi để nguyên lý bình thông nhau chỉ có giá trị đối với chất lỏng mà thôi.

Ấy vậy mà, tui có thể chứng minh được rằng, bình thông nhau không chỉ có trong chất lỏng. Nó đã xuất hiện trong thể thao, cụ thể trong môn bóng đá, và chính xác hơn nữa là trong một phạm trù thuộc về tính cách của con người: sự gian lận!

Ơ, gian lận mà lại giống như chất lỏng à? - Ắt có người sẽ ngạc nhiên hỏi thế. Vâng, tui sẽ chứng minh ngay sau đây:

Trong hai thập niên cuối của thế kỷ 20, bóng đá Việt Nam chúng ta rộ lên căn bệnh gian lận trong các giải thiếu niên nhi đồng. Cụm từ “nhi đồng cụ” đã xuất hiện trong thời điểm đó. Những người đi đầu trong việc phát hiện, chứng minh “nhi đồng cụ” chính là các nhà báo thể thao. Các nhà báo đã chụp được những hình ảnh rất đắt giá như là cầu thủ trước khi thi đấu đã len lén vào nhà vệ sinh, chui vào gầm cầu thang để cạo lông tay, lông chân, ria mép để cho mình giống thiếu niên hơn! Các nhà báo đã thực hiện được nhiều vụ “trả lại tên cho em” khi moi ra hồ sơ, giấy tờ cho thấy anh mang tên em, già xài hồ sơ của trẻ.

Có những vụ chấn động, làm suy sụp đến cả một bộ máy lãnh đạo một địa phương, ví dụ như vụ “những chú voi con” - biệt danh của đội bóng nhi đồng Đắk Lắk. Một buổi lễ hoành tráng đón những nhà vô địch nhí được chuẩn bị chi tiết với sự tham gia của đầy đủ các vị lãnh đạo cao nhất địa phương, nhưng tất cả bị hủy đột ngột khi một bài điều tra với đầy đủ nhân chứng vật chứng cho thấy các cầu thủ nhí không phải là “voi con” mà là “voi già”! Vô số những cầu thủ được tán dương, kỳ vọng là những tài năng xuất chúng của bóng đá Việt khi chơi hay vô kể so với lứa tuổi 7, 8; nhưng sau đó bẽ bàng phát hiện tuổi thật gấp đôi tuổi trên giấy tờ!

Sự chiến đấu miệt mài, quyết liệt của các nhà báo thể thao đã đẩy lùi đáng kể nạn “nhi đồng cụ”. Giờ đây, đã có thể yên tâm ở các giải thiếu niên nhi đồng; đã chẳng có ai bận tâm đến chuyện tuổi tác với các lò đào tạo như Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal; PVF (An Viên hợp tác với VFF, Barcelona)…

Nhưng trong khi nạn gian lận vì bệnh hám thành tích trong bóng đá trẻ đang xuống thấp thấy rõ thì nó lại dâng cao ở sân chơi của các… nhà báo - những chiến sĩ tích cực trong cuộc chiến với “nhi đồng cụ”!

Tại những giải đá bóng đầu tiên dành cho các nhà báo diễn ra hơn chục năm trước, khỏi phải nói nó vui đến chừng nào. Ngày ấy, những người hâm mộ thể thao cũng khoái đi xem những trận đấu của các nhà báo, bởi tuy nó không hay, nhưng ở đó có thể gặp những cây bút xuất hiện mỗi ngày trên báo. Trong khi chuyện ấy bây giờ hơi bị khó thấy! Đã có khá nhiều những chuyện cười ra nước mắt ở các giải bóng đá dành cho nhà báo: sau trận đấu, đội thua tố đội thắng là đã mượn cầu thủ A, B, C ở các lò năng khiếu; đội thắng cũng vạch mặt đội thua đi mượn cầu thủ X, Y, Z. Các nhà báo cũng hám thành tích y như các địa phương ngày nào, cũng biết ký hợp đồng cấp tốc để hợp thức hóa hàng loạt cầu thủ bên ngoài với danh nghĩa làm ở nhà in, phát hành…

Cứ thế, các giải bóng đá dành cho nhà báo ngày càng buồn, càng vắng những cây bút thứ thiệt vì họ biết rằng vào đó chịu sao thấu với những người “làm báo” được đào tạo cấp tốc trong một ngày, thậm chí một giờ.

Tháng 6 có ngày nhà báo, đôi lời “vạch áo cho người xem lưng”, mong sao các nhà báo đừng để gian lận giống chất lỏng: hạ thấp bên làng bóng để chảy sang giới báo chí!

d3iRa9Jp.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 454 (15-06-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

CHỌT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: gian lận chất lỏng