Phóng to |
Phóng viên đang sử dụng điện thoại vệ tinh để gọi về tòa soạn từ vùng biển Hoàng Sa |
Trước những chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa, với đa số phóng viên Việt Nam, theo “quán tính” vẫn nghĩ điện thoại vệ tinh là phương tiện phức tạp và xa lạ. Nhưng trong vài ngày, nhu cầu truyền tin cấp thiết từ Hoàng Sa đã làm thay đổi nhanh chóng “quán tính” ấy.
Sáng ngày 12-5, trong khi tất cả các tờ báo vẫn đăng lại những dòng thông tin từ báo cáo của Cảnh sát biển và kiểm ngư về tình hình tại Hoàng Sa nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 thì chỉ duy nhất báo Tuổi Trẻ giật tít:
Bài tường thuật chỉ dài 700 chữ nhưng được truyền thẳng từ Hoàng Sa với những cảm nhận, thông tin riêng của phóng viên Tuổi Trẻ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc.
Sự khác biệt của bản tin ấy được tạo ra từ chiếc điện thoại vệ tinh Isatphone Pro dài khoảng 20cm, chỉ to bằng chiếc điện thoại di động những năm cuối thập niên 1990.
Tòa soạn Tuổi Trẻ đã âm thầm chuẩn bị, mua chiếc điện thoại này từ trước đó và cấp tốc “huấn luyện” cho chúng tôi - những phóng viên đi Hoàng Sa trong 30 phút sau khi bất ngờ có lệnh cho phóng viên lên tàu ra Hoàng Sa.
Và đến lúc đó, chúng tôi mới vỡ lẽ chiếc điện thoại này cũng không phức tạp hơn chiếc điện thoại di động hay dùng, kể cả cách nạp tiền bằng thẻ cào!
Giá điện thoại vệ tinh mua cũng chỉ đắt ngang một chiếc Iphone 5s với cước phí khoảng gần 30.000 đồng/phút. Tuy nhiên, suy nghĩ về một chiếc điện thoại vệ tinh phức tạp, đắt tiền và không dễ mua được đã “nằm vùng” trong suy nghĩ của đa số các phóng viên trước đó.
Và có lẽ vì thế, trên chuyến tàu kiểm ngư 9226, chuyến tàu đầu tiên đưa phóng viên ra Hoàng Sa, dù có tới 19 phóng viên nhưng chỉ duy nhất một người mang theo điện thoại vệ tinh.
Nhưng chỉ sau hai ngày 12 và 13-5 khi Tuổi Trẻ là tờ báo duy nhất có những bản tin đưa trực tiếp từ Hoàng Sa mà mấu chốt nằm phương tiện truyền tin, hàng chục chiếc điện thoại vệ tinh đã được các phóng viên, tòa soạn thuê hoặc mua cấp tốc để đưa ra Hoàng Sa tác nghiệp.
Báo Tuổi Trẻ cũng gấp rút mua thêm 4 điện thoại vệ tinh để trang bị cho từng phóng viên ra Hoàng Sa. Và đến chuyến tàu thứ hai chở phóng viên ra Hoàng Sa ngày 13-5 đã có đến 6 phóng viên của nhiều tờ báo kịp chuẩn bị điện thoại vệ tinh.
Từ một phương tiện gần như xa lạ với người làm báo, nhu cầu thông tin bức thiết từ Hoàng Sa đã ngay lập tức giúp cho chiếc điện thoại vệ tinh trở nên gần gũi và đơn giản - chắc chắn sẽ còn xuất hiện trong nhiều đợt tác nghiệp khác sau này.
Và câu chuyện về chiếc điện thoại vệ tinh chắc chắn cũng không dừng lại ở đó. Những chiếc máy Insatphone Pro thực tế chỉ đáp ứng được nhu cầu gọi điện để đọc bài cho tòa soạn, chưa thể gửi hình ảnh và clip. Những ngày tiếp theo trên biển Hoàng Sa còn như một khóa “huấn luyện” cấp tốc cho các phóng viên về những chủng loại điện thoại vệ tinh.
Không kể những điện thoại vệ tinh đương nhiên phải có của các tàu cảnh sát biển, nhiều phóng viên nước ngoài đã xách theo điện thoại vệ tinh tuy nặng hơn (khoảng 1 đến vài kilogram) loại của phóng viên Việt Nam dùng nhưng lại truyền được trực tiếp hình ảnh về tòa soạn.
Sau khi được đồng nghiệp nước ngoài cho dùng thử, các phóng viên Việt Nam chắc hẳn sẽ tiếp tục cuộc “cách mạng” về điện thoại vệ tinh. Nên sẽ không ngạc nhiên lắm nếu những ngày tới ở Hoàng Sa và nhiều sự kiện thời sự nóng sau đây, những chiếc điện thoại vệ tinh đủ chủng loại sẽ xuất hiện trong hành trang tác nghiệp của nhiều phóng viên!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận