02/09/2021 10:33 GMT+7

'Giãn cách xã hội gây nhiều khó khăn, Chính phủ hiểu và chia sẻ với những phiền toái của người dân'

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp hơn 70 nhà khoa học ngành y vào chiều 1-9 để tri ân, bày tỏ sự trân trọng và tiếp tục lắng nghe ý kiến các nhà khoa học trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19.

Giãn cách xã hội gây nhiều khó khăn, Chính phủ hiểu và chia sẻ với những phiền toái của người dân - Ảnh 1.

Thủ tướng trao quà cho các nhà khoa học tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP

Phát biểu tại đây, Thủ tướng cho biết luôn lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, trong các quyết định liên quan tới sự nghiệp y tế nói chung và trong phòng chống dịch nói riêng, trong đó có dịch COVID-19.

Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các cuộc làm việc, gặp mặt, trao đổi để lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học ngành y bằng nhiều hình thức khác nhau, từ đó có thêm thông tin, cơ sở khoa học để có quyết định, giải pháp phù hợp công cuộc phòng chống dịch chưa có tiền lệ. 

"Các giải pháp về y tế chủ yếu phải dựa vào trí tuệ đội ngũ các nhà khoa học ngành y tế" - Thủ tướng nói.

Thay đổi chiến lược điều trị có hiệu quả bước đầu

Việc thay đổi chiến lược điều trị, lấy xã, phường, thị trấn làm "pháo đài" trong bối cảnh số ca mắc tăng cao đã bắt đầu phát huy hiệu quả trong những ngày qua. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại Đồng Nai - việc triển khai các trung tâm hồi sức tích cực là hết sức cần thiết nhưng không đủ.

Để giảm tử vong, phải thực hiện tổng hòa các giải pháp. Việc tập trung nguồn lực vào các tầng điều trị tầng 1, tầng 2, trong đó có các trạm y tế ngay tại xã phường, là hoàn toàn đúng đắn. Việc thiết lập hệ thống điều trị 3 tầng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong điều trị, giảm tử vong cho bệnh nhân.

Cả nước đã huy động hơn 17.000 nhân lực ngành y, chưa kể lực lượng quân y, chi viện cho các tỉnh, thành phố phía Nam.

GS.TS Trương Việt Dũng - chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học; PGS.TS. Lê Văn Truyền - Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế - khẳng định các hội đồng sẽ làm việc trách nhiệm, khẩn trương nhất có thể, họp bất kỳ lúc nào cần để thực hiện quy trình xem xét, đánh giá ứng viên vắc xin theo đúng quy định, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng đặc biệt quan tâm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. GS Phạm Gia Khánh - nguyên giám đốc Học viện Quân y - bày tỏ đồng tình với quan điểm của Thủ tướng là phải thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất tiêm cho người dân.

Giãn cách xã hội gây nhiều khó khăn, Chính phủ hiểu và chia sẻ với những phiền toái của người dân - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt và làm việc - Ảnh: VGP

Tìm cách thích ứng và an toàn trong đại dịch

Các nhà khoa học cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan tới chiến lược phòng chống dịch, tăng cường các trung tâm hồi sức cấp cứu tại các địa phương, chăm sóc bệnh nhân của các bệnh khác, nghiên cứu sản xuất vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi, huy động công nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc điều trị COVID-19, quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ phòng chống dịch nói chung và các y bác sĩ, nhà khoa học nói riêng…

"Các biện pháp giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách tại một số địa phương đang gây nhiều khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần đối với nhân dân. Chính phủ hiểu, chia sẻ với những khó khăn, phiền toái của nhân dân" - Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định người dân đang mong chờ từng ngày để dịch bệnh qua đi và để thực hiện được điều đó, phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan, tìm cách thích ứng và an toàn trong mọi diễn biến của dịch.

"Chúng ta không thể sử dụng biện pháp cách ly, phong tỏa mãi được vì khó khăn cho nhân dân và nền kinh tế là rất lớn. Việc ứng dụng khoa học y khoa trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh" - Thủ tướng khẳng định.

Trong số các tỉnh, thành phố đang thực hiện chỉ thị 16, có 6 tỉnh đã kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi được dịch bệnh, 13 tỉnh, thành phố đã thực hiện được một số tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Những ca tử vong đã giảm nhẹ trong mấy ngày vừa qua.

Tại TP.HCM và Bình Dương, số ca mắc mới vẫn ghi nhận ở mức cao do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, nhưng số ca tử vong đang từng bước được kiểm soát.

Giãn cách xã hội gây nhiều khó khăn, Chính phủ hiểu và chia sẻ với những phiền toái của người dân - Ảnh 3.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà khoa học - Ảnh: VGP

Chính phủ cần thêm nhiều đóng góp của đội ngũ chuyên gia

"Chính phủ cần sự cố gắng nhiều hơn nữa, nhiệt huyết hơn nữa của đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế trong và ngoài nước chung sức, đồng lòng, bằng những hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" - Thủ tướng đề nghị.

"Tất cả các ý kiến liên quan tới COVID-19 gửi tới Thủ tướng, Thủ tướng sẽ xử lý, gửi tới các cơ quan có trách nhiệm ngay trong ngày" - Thủ tướng nêu rõ.

Giãn cách xã hội gây nhiều khó khăn, Chính phủ hiểu và chia sẻ với những phiền toái của người dân - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh: VGP

Mục tiêu đặt ra hiện nay là phải giảm thiểu số lượng bệnh nhân tử vong. Với bối cảnh mới và dự báo diễn biến tiếp theo của dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sinh phẩm, thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch.

Đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, phát triển và đẩy nhanh thử nghiệm vắc xin. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh, do đó vắc xin và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài, là công cụ quyết định.

Trước tình hình khan hiếm vắc xin và thuốc chữa COVID-19, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia tận dụng tối đa sự liên kết với mạng lưới các nhà khoa học, các tổ chức khoa học trên thế giới, tìm kiếm các nguồn cung vắc xin và thuốc cho Việt Nam, hướng dẫn khám, chữa COVID-19 cho nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội khẩn trương di dời dân ra khỏi điểm dịch Thanh Xuân Trung Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội khẩn trương di dời dân ra khỏi điểm dịch Thanh Xuân Trung

TTO - Chiều 1-9, đại diện Quận ủy Thanh Xuân, Hà Nội cho biết khoảng 18h đến 20h cùng ngày, quận sẽ di dời bớt các hộ dân ra khỏi điểm dịch ở ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) đến ở tại ký túc xá của Trường đại học FPT tại Hòa Lạc.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên