Nội dung tái cơ cấu ngành cà phê được quan tâm tại hội thảo quốc tế "Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam", một hoạt động bên lề chuỗi sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 tại Đắk Nông do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tổ chức.
Các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp bàn giải pháp phát triển cà phê bền vững.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 3 sản phẩm chế biến chính của cà phê nước ta là cà phê nhân xuất khẩu, cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Nếu như trước đây, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô thì thời gian qua, đã có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu cà phê nhân, tăng tỷ trọng chế biến và xuất khẩu cà phê hòa tan, cà phê rang xay.
"Trong vòng 4 năm qua, công suất chế biến cà phê hòa tan (gồm cả cà phê nguyên chất và cà phê hỗn hợp) tăng từ 150.000 tấn/năm lên trên 180.000 tấn/năm. Từ năm 2014, sản lượng cà phê hòa tan xuất khẩu không ngừng tăng lên. Nếu như vụ 2014 – 2015 mới đạt 1,28 triệu bao thì đến vụ 2016 – 2017 đã đạt mức 2,1 triệu bao. Cà phê rang xay cũng có sự tăng trưởng", đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết.
Tuy vậy, tỷ trọng xuất khẩu cà phê nhân vẫn chiếm đa số trong tổng sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI có thương hiệu và tài chính dồi dào chiếm ưu thế trong xuất khẩu cà phê chế biến sâu như Nestle, Olam, Tập đoàn Neumann Gruppe…
Việc chủ yếu xuất khẩu thô dẫn đến cà phê Việt Nam không có thương hiệu, giá trị mang lại thấp. Do đó, việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam, đầu tư cho chế biến sâu và hướng đến xuất khẩu cà phê đã qua chế biến trở thành ưu tiên số 1 của ngành cà phê hiện nay/.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận