Với việc thuế VAT được điều chỉnh giảm 2%, từ 10% xuống còn 8%, nhiều hệ thống bán lẻ, dịch vụ ăn uống... kỳ vọng sức mua sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Tiết kiệm được kha khá
Theo ghi nhận tại một số quán cà phê ở TP.HCM, nhiều người mua hàng đều ngạc nhiên vì giá hóa đơn đều thấp hơn vài ngàn đến vài chục ngàn so với giá niêm yết trên thực đơn. Chẳng hạn ly cà phê 35.000 đồng được bán với giá mới 34.000 đồng, giảm 1.000 đồng. Nhiều loại thức uống cũng được bán giá mới so với bảng giá niêm yết của cửa hàng. Quản lý tiệm cà phê K (quận 7) cho biết cửa hàng bắt đầu hoàn thiện phần mềm thanh toán và áp dụng chính thức từ ngày 2-7.
Ngày cuối tuần đi mua sắm, chị Ngọc (Thủ Đức) cho biết nhiều mặt hàng thực phẩm khô, bánh kẹo, mì, quần áo... được bán với mức thuế VAT 8%. "Với hóa đơn hơn 2 triệu đồng, mức thuế mới giúp tôi tiết kiệm khoảng 40.000 đồng, nếu cộng dồn các lần đi mua sắm sẽ có một con số tiết kiệm không nhỏ", chị Ngọc cho biết.
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng cho biết đã giảm còn 8% cho những mặt hàng đang chịu thuế VAT 10%. Bà Đào Phương Dung, chủ hệ thống Trung tâm mua sắm ăn uống đa dịch vụ GooGoo (TP Thủ Đức), cho biết ngay khi nhận được thông báo của cơ quan thuế, toàn bộ cơ cấu các mặt hàng của trung tâm đều đã được áp dụng thuế giảm còn 8%.
"Việc giảm thuế là điều kiện để người tiêu dùng giảm chi phí sinh hoạt hằng ngày vì các mặt hàng được áp dụng đều rất thiết yếu. Nghe giảm 2% có thể ít nhưng cộng nhiều hóa đơn thì mức tiết kiệm có được sẽ rất nhiều" - bà Dung nói, đồng thời cho biết đã làm việc với nhà cung cấp để phối hợp kích cầu, giúp người tiêu dùng mua hàng tiết kiệm hơn.
Kỳ vọng sức mua tăng lại
Theo một số nhà bán lẻ, hệ thống đã kết hợp với các nhà cung cấp để thực hiện khuyến mãi cho một số mặt hàng rau củ với mức giảm giá từ 15 - 25%, với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng gói áp dụng chương trình mua 2 tặng 1... Nhiều nhà bán lẻ cũng thực hiện chương trình riêng như mua hóa đơn 500.000 đồng tặng thêm phiếu mua sắm, dịch vụ ăn uống trong hệ thống...
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, giám đốc vận hành Co.opmart, cũng cho biết từ 1-7, hàng nghìn sản phẩm ở 800 điểm bán của hệ thống này đã được giảm giá nhờ chính sách thuế mới giảm 2% thuế VAT. Năm ngành hàng gồm: hóa phẩm, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, may mặc thời trang và đồ dùng gia đình ở hệ thống này giảm trung bình 22 - 62% nhờ cộng gộp mức giảm giá thông thường cộng thêm giảm 2% thuế VAT.
Theo ông Thắng, việc cộng dồn giảm thuế VAT và các chương trình khuyến mãi tại hệ thống nằm trong kế hoạch hưởng ứng chủ trương hỗ trợ phục hồi và phát triển nhanh chóng hoạt động kinh doanh sản xuất, động lực tăng trưởng của một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của Nhà nước và chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
"Đây là lần thứ hai thuế VAT được giảm 2% đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng, có tác dụng trực tiếp giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm. Điều này còn giúp kích thích tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc mua thêm hàng hóa tiêu dùng", ông Thắng nhận định.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, chính sách giảm thuế VAT là giải pháp kịp thời để khơi thông tiêu dùng. Thuế VAT giảm kéo theo giá hàng hóa giảm, không những người tiêu dùng được hưởng lợi mà doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, cơ hội bán được hàng hóa nhiều hơn...
Tuy vậy, theo ông Đức, để kích thích sức mua, cần phải có hành động trên diện rộng, tức các nhà bán lẻ phải liên kết để cùng thực hiện những chương trình khuyến mãi sâu hơn. Bởi nếu một hai điểm bán hay ngành hàng giảm giá sẽ khó tạo được hưởng ứng. "Các ngành hàng cần có sự bắt tay, thực hiện "kích cầu chéo", tức ngành này ủng hộ và bổ sung khuyến mãi cho ngành khác, lúc đó người dân sẽ có cơ hội tiêu dùng với giá tốt hơn", ông Đức đề xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận