Nếu sức mua tăng, nhà nhà đón Tết vui vẻ, doanh nghiệp có cơ hội cầm cự chờ trời sáng. Nhưng sau Tết thị trường lại trầm lắng, sức mua chỉ dồn vào mặt hàng thiết yếu, chẳng lẽ doanh nghiệp lại lay lắt?
Vì vậy, nhiều doanh nhân mong muốn Nhà nước nên giảm thuế thu nhập cá nhân cho hàng triệu người, nhưng không giảm tiền thuế phải nộp mà giảm qua... voucher (phiếu mua hàng, phiếu tặng quà).
Trong vòng tuần hoàn của nền kinh tế, tiền phải có ra - có vào, với hàng hóa phải theo cung - cầu. Doanh nghiệp cung ứng hàng hóa ra thị trường thì phải có nhu cầu tiêu dùng để tạo vòng quay: sản xuất - tiêu thụ - sản xuất - tiêu thụ...
Vòng tuần hoàn này càng nhanh, nền kinh tế càng phát triển. Cái khó của nền kinh tế là sức mua trong nước chưa đủ mạnh, còn sức mua trên thế giới qua xuất khẩu hàng hóa lại giảm.
Lúc này, kích cầu tiêu dùng để tạo thêm việc làm, đưa thu nhập của người lao động trở lại mức bình thường là rất quan trọng.
Được giảm thuế thu nhập cá nhân bằng voucher sẽ là niềm vui cho mọi người, mọi doanh nghiệp. Khi tất cả cùng hưng phấn, nền kinh tế có thêm sức cầu mới, mua sắm nhộn nhịp bù vào sức mua do xuất khẩu giảm, GDP sẽ tăng thêm...
Nhưng tại sao cần giảm thuế thu nhập qua voucher để kích cầu sức mua khi mà chúng ta đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp như giảm thuế giá trị gia tăng, giãn giảm tiền thuê đất...? Đúng là giảm, giãn thuế đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, tiếp tục cần cù sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho nền kinh tế.
Đó là cách mà những nhà điều hành kinh tế "đẩy sức cung". Nhưng cung mãi mà cầu không tăng, người tiêu dùng vẫn thắt lưng buộc bụng, vẫn chi xài tiện tặn.
Tình hình này kéo dài, hàng tồn kho tăng lên, thật khó cho doanh nghiệp. Mà cứ vậy thì sao mà mở rộng kinh doanh, tăng quy mô hoạt động!
Giảm thuế qua voucher góp phần giải quyết bài toán này và chúng ta có cơ hội thực hiện vào dịp quyết toán thuế thu nhập cá nhân cuối quý 1-2024. Sau khi quyết toán thuế, Nhà nước sẽ giảm luôn 20 - 30% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho người dân.
Người chưa nộp đủ thì đừng thu cho đủ nữa. Người đã nộp đủ thì giảm khấu trừ thuế vào các tháng sau. Tất cả tiền thuế giảm đó được quy ra voucher (bản giấy hoặc bản điện tử) để mua hàng hóa - dịch vụ và có thời hạn sử dụng trong thời gian nhất định.
Cần thiết, Chính phủ chọn loại hàng hóa, dịch vụ cần kích cầu để tạo ra vòng quay mới cho sản xuất kinh doanh. Người không dùng voucher trong thời gian này xem như không nhận giảm thuế từ Chính phủ. Như vậy, qua giảm thuế bằng voucher, Chính phủ sẽ tạo ngay ra một sức cầu lớn cho nên kinh tế.
Kích cầu bằng voucher không phải là mới. Lúc này, các doanh nghiệp cũng ra sức khuyến mãi, giảm giá và tặng voucher để bán được hàng hóa, dịch vụ. Nhưng họ chỉ đủ sức kéo khách hàng trong dịp mua sắm Tết.
Vì thế, chỉ có nguồn lực từ Chính phủ, giảm thuế để tặng voucher cho người dân mới có thể thuyết phục người tiêu dùng bỏ dần tâm lý thắt lưng buộc bụng.
Giải pháp giảm thuế, rót tiền vào tài khoản cho người dân mua sắm để kích cầu tiêu dùng đã được nhiều nước thực hiện.
Nhưng cách này làm cho có một lượng tiền lại nằm trong túi người dân mà không dùng vào mua sắm, không tham gia "vòng tuần hoàn" kinh tế.
Còn khi giảm thuế bằng voucher, toàn bộ tiền giảm sẽ chạy ra thị trường để tiêu thụ hàng hóa, đó là viễn cảnh "trên cả tuyệt vời" cho doanh nghiệp.
Tiêu dùng nội địa tốt, bên cạnh đầu tư công và xuất khẩu, là nền tảng để chúng ta thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm 2024 mà đã được nhận diện là đầy thách thức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận