19/05/2022 12:30 GMT+7

Giảm thời gian thử thách cho 2 bị cáo vụ chìm canô ở biển Cần Giờ

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Sáng 19-5, TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết cùng mức 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, giảm thời gian thử thách thành 3 năm 6 tháng.

Giảm thời gian thử thách cho 2 bị cáo vụ chìm canô ở biển Cần Giờ - Ảnh 1.

Hai bị cáo Vũ Văn Đảo (phía ngoài) và bị cáo Đinh Văn Quyết tại tòa - Ảnh: T.L.

Theo bản án sơ thẩm, ông Vũ Văn Đảo là giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc, có chức năng sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu mới.

Ngày 29-3-2013, Công ty Việt Séc ký hợp đồng bán cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hai chiếc tàu (loại canô cao tốc) ký hiệu H29 và H790 và đã bàn giao cho đơn vị mua. Hai tàu này đã được cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật với khả năng chở 12 người đi tuần tra, và không có khả năng đi biển.

Đến tháng 7-2013, đơn vị mua đã bàn giao lại hai tàu này cho đơn vị sản xuất để lắp thêm thiết bị nên hai tàu này được neo đậu tại cầu tàu của Công ty Việt Séc.

Cuối tháng 7-2013, Công ty PV PIPE (có trụ sở tại Gò Công Đông, Tiền Giang) có chủ trương cho nhân viên công ty đi chơi vào đêm 2-8-2013 tại khu du lịch Đảo Xanh, TP Vũng Tàu nên đã liên hệ với Đinh Văn Quyết - giám đốc Công ty Vũng Tàu Marina - về chương trình, số lượng người để Quyết chuẩn bị phương tiện.

Sau đó ông Quyết đã báo cho ông Đảo (đồng thời là chủ tịch HĐQT Vũng Tàu Marina) và ông Đảo bổ nhiệm ông Phạm Duy Phúc làm đội trưởng đội tàu đưa khách của PV PIPE đi du lịch.

Sáng 1-8, ông Đảo chỉ đạo cho Tạ Thanh Sơn mượn hai chiếc tàu của biên phòng để đưa đón khách. Đến 19h cùng ngày, chiếc tàu Phúc lái chở 28 người chạy về Vũng Tàu khi ngang qua biển Cần Giờ thì bị tai nạn và lật làm 9 người chết.

Cuối năm 2018, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Đảo và Quyết cùng mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách 5 năm) về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. 

Không chấp nhận phán quyết trên, cả 2 bị cáo cùng kháng cáo kêu oan. Viện KSND cấp cao tại TP.HCM lại cho rằng hình phạt trên quá nhẹ nên kháng nghị tăng hình phạt.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Đảo kêu oan, cho rằng mình không phải là chủ thể của tội danh.

Theo HĐXX phúc thẩm, các bị cáo không phải là người chịu trách nhiệm về tình trạng kỹ thuật của phương tiện gây tai nạn, cũng không có trách nhiệm, thẩm quyền điều động phương tiện. Phương tiện đã được Phòng đăng kiểm hải quân thực hiện đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận đưa vào sử dụng nên phải chịu trách nhiệm về tình trạng kỹ thuật đưa vào sử dụng, các bị cáo không phải chịu trách nhiệm về phương tiện.

Tàu là tài sản của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nên thuộc quyền quản lý của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu. 

HĐXX cho rằng ông Đảo chỉ đạo sử dụng 2 tàu và hỏi mượn tàu của biên phòng để đưa đón người của công ty. Như vậy, ông Đảo không có quyền điều động, mà là lãnh đạo Bộ đội biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu.

HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm có một số sai sót về tố tụng và nội dung, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Đảo và Quyết về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn, là đúng người, đúng tội, nhưng để tạo điều kiện cho các bị cáo làm ăn cần giảm thời gian thử thách. 

Từ những phân tích trên, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt bị cáo Đảo và Quyết cùng mức 3 năm tù treo, thời gian thử thách là 3 năm 6 tháng (giảm 18 tháng so với án sơ thẩm).

Video: Đã vớt được thi thể 1 trong 3 thợ lặn mất tích khi đang trục vớt tàu tại Cần Giờ Video: Đã vớt được thi thể 1 trong 3 thợ lặn mất tích khi đang trục vớt tàu tại Cần Giờ

TTO - Chiều 11-12, các lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 1 trong 3 thợ lặn mất tích khi đang trục vớt container trên sông Lòng Tàu, Cần Giờ, TP.HCM.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên