19/02/2020 18:21 GMT+7

Giảm thời gian giải quyết tờ khai hải quan, tiết kiệm mỗi năm 200 triệu USD

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việc thay đổi mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp lên tới 200 triệu USD mỗi năm. Nhưng hiện vẫn còn tình trạng kiểm tra kiểu mò mẫm, chồng chéo...

Giảm thời gian giải quyết tờ khai hải quan, tiết kiệm mỗi năm 200 triệu USD - Ảnh 1.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp về xây dựng dự thảo đề án "Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu"

Chiều 19-2, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp về  xây dựng dự thảo đề án "Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay một năm có hơn 11 triệu tờ khai hải quan. Hoạt động kiểm tra hải quan, kiểm tra chuyên ngành có nhiều tiến bộ rất lớn, đơn cử như có 5,3 triệu tờ khai hải quan giảm từ 58 giờ xuống còn 55 giờ.

"Mỗi 1 năm tiết kiệm được 90 USD/tờ khai/lô hàng, như vậy mỗi năm chúng ta tiết kiệm được khoảng 200 triệu USD" - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, những tồn tại theo ông Dũng là trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tỉ lệ phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng rất thấp, chỉ 0% đến 0,47%.

Mặc dù đã yêu cầu các cơ quan ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng thực tế rất nhiều mặt hàng, các bộ không ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên chỉ kiểm tra mò mẫm, nên lúc bảo được, lúc bảo không.

Việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro cũng không triệt để, có bộ áp dụng rất tốt, nhưng có bộ không áp dụng. 

Việc áp dụng công nhận lẫn nhau, nhất là các tổ chức nước ngoài với hàng nhập khẩu cũng không hiệu quả. Đặc biệt có những mặt hàng không sản xuất được nhưng cũng "đè ra kiểm tra".

Vẫn còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, có những mặt hàng còn 3 bộ, 2 bộ kiểm tra. Sau khi cơ quan hải quan kiểm tra rồi vẫn còn kiểm tra chuyên ngành xuống. 

Do đó, ông Dũng cho rằng cần phải tăng cường cải cách, tạo dư địa cho tăng trưởng.

"Chúng ta phải làm sao để vẫn kiểm soát được hàng hóa, bảo đảm sức khỏe cho người dân, bảo đảm trật tự quản lý xã hội, văn hóa, truyền thống, đặc biệt là an ninh quốc phòng nhưng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là cho xuất khẩu, nhập khẩu" - ông Dũng nói.

Tranh luận cơ quan hải quan làm một đầu mối kiểm tra mọi lĩnh vực

Theo đề án, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa sẽ do cơ quan hải quan thực hiện làm đầu mối.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Anh - quyền vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho rằng ngành nông nghiệp có hơn 7.000 dòng hàng, cần phải định ra dòng hàng nào cơ quan hải quan kiểm tra, cơ quan nông nghiệp sẽ đảm nhiệm việc nào.

"Đơn cử như vấn đề kiểm dịch phải là nông nghiệp thực hiện. Nên chăng chọn một số mặt hàng và bộ ngành thí điểm trước được hay không. Vì nếu làm đồng loạt mà chưa lường hết khó khăn vướng mắc, nếu cả hệ thống chỉ đưa về một cơ quan hải quan, là rất khó khăn", bà Kim Anh nói.

Phản biện lại, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, phó giám đốc Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, cho biết doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn, mất nhiều thời gian "quay cuồng" với các cơ quan khác nhau trong kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Do đó, doanh nghiệp rất đồng ý chủ trương tiếp tục cải cách để triển khai một đầu mối ở cửa khẩu, tại khâu thông quan.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên