17/01/2019 15:47 GMT+7

Giảm thính lực do ồn

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc trung bình lớn trong một thời gian dài có thể gây tổn thương các mô mềm của tai trong.

Giảm thính lực do ồn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: noticde.com

Thính giác cho phép bạn tham gia với thế giới xung quanh. Từ khi là một đứa trẻ, bạn đã học nói bằng cách lắng nghe và bắt chước giọng nói của người khác. Trẻ bị điếc gặp khó khăn trong việc học nói chuyện rõ ràng. Bạn đã học được nhiều thứ bằng cách lắng nghe cha mẹ, thầy cô, từ đài radio và TV. Âm nhạc, âm thanh tự nhiên và tiếng nói của những người thân yêu có thể mang lại cho bạn niềm vui. Tiếng còi báo động có thể cảnh báo bạn về những nguy hiểm xảy đến, ngay cả khi bạn đang ngủ.

Cấu trúc của tai

Tai của người được chia thành 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai trong nằm bên trong hộp sọ và là phần phức tạp nhất của tai. Các mô mềm của tai trong được làm bằng các loại các tế bào và dây thần kinh khác nhau; tất cả đều được sắp xếp trật tự trên một lớp mô mỏng. Lớp mô này được bao quanh bởi một loại dịch lỏng đặc biệt và tất cả được chứa trong một ống xương có hình xoắn ốc. Suy giảm thính lực (tức là khả năng nghe) xảy ra khi tai trong bị tổn thương.

Những ảnh hưởng của tiếng ồn

Sự lão hóa, một số loại thuốc, chấn thương đầu và quá nhiều tiếng ồn đều có thể gây tổn hại lâu dài đến thính giác. Bài viết này nói về những kiểu suy giảm thính lực vĩnh viễn phổ biến nhất do quá nhiều tiếng ồn.

Việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc trung bình lớn trong một thời gian dài có thể gây tổn thương các mô mềm của tai trong. Tế bào thần kinh ở tai trong sẽ bị phá hủy nếu tiếp xúc liên tục hoặc lặp đi lặp lại với những âm thanh lớn. Khi số tế bào thần kinh bị hỏng đủ nhiều, thính giác sẽ mất đi vĩnh viễn.

Tiếng ồn có hại cho thính giác hay không phụ thuộc vào độ lớn, độ cao và độ dài thời gian tiếp xúc. Độ lớn của một âm thanh (đo bằng decibel, hay dB) và độ dài thời gian được tiếp xúc có liên quan với nhau. Âm thanh càng lớn, thời gian tiếp xúc phải càng ngắn nếu không muốn tai trong bị hỏng. Ví dụ, việc tiếp xúc với tiếng ồn có độ lớn là 85 dB 8 tiếng mỗi ngày có thể gây tổn thương tai trong sau một thời gian. Tuy nhiên, việc dùng tai nghe với âm lượng lớn (khoảng 110 dB), dự một show nhạc rock (khoảng 120 dB) hoặc nghe tiếng súng nổ (140-170 dB) có thể tổn thương thính giác của một số người ngay sau vài lần.

Các triệu chứng của suy giảm thính lực do tiếng ồn

Một trong những lý do người ta không nhận ra sự nguy hiểm của tiếng ồn là vì tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn gây ra rất ít triệu chứng. Suy giảm thính lực hiếm khi gây đau đớn. Các triệu chứng thường là những cảm giác mơ hồ của áp lực trong tai hay ù tai, tiếng nói nghe như bị nghẹt hoặc ở xa hơn. Bạn cũng có thể nghe như có tiếng ong hay muỗi kêu trong tai khi ở nơi yên tĩnh. Những triệu chứng này có thể mất đi trong vài phút, vài giờ hoặc vài ngày sau khi tiếp xúc với tiếng ồn.

Nhiều người cho rằng nếu triệu chứng biến mất, tai của họ đã trở lại bình thường. Điều này không đúng lắm. Thậm chí ngay cả khi những triệu chứng không còn nữa, một số tế bào ở tai trong có thể đã bị phá hủy bởi tiếng ồn. Thính lực của bạn trở lại bình thường vì còn đủ số lượng tế bào khỏe mạnh. Tuy nhiên, thính lực sẽ suy giảm dần dần nếu việc tiếp xúc với tiếng ồn cứ lặp đi lặp lại.

Dấu hiệu đầu tiên của suy giảm thính lực do tiếng ồn là không nghe ra âm thanh tần số cao, như tiếng chim hót, hoặc không nghe được giọng nói trong một đám đông hoặc trong khu vực ồn ào. Khi tổn thương tiếp tục diễn ra, thính lực suy giảm hơn nữa và âm thanh tần số thấp cũng trở nên khó nghe.

Làm thế nào để biết tiếng ồn là quá lớn?

Các dấu hiệu sau đây cảnh báo rằng những tiếng ồn xung quanh bạn là quá lớn:

- Nếu bạn phải hét lên để nói chuyện trong tiếng ồn.

- Nếu bạn không thể nghe giọng nói của người cách bạn ngắn hơn 0,6 m.

- Nếu một người đứng gần có thể nghe thấy âm thanh từ headphone trên tai bạn.

Làm thế nào để ngăn ngừa suy giảm thính lực do tiếng ồn?

- Giảm tiếp xúc với tiếng ồn. Bước này đặc biệt quan trọng đối với những người làm việc trong môi trường ồn ào hay đi lại trong thành phố náo nhiệt. Đồ bịt tai (earmuffs) đặc biệt rất cần thiết cho những người làm việc ở nơi ồn ào như gần máy móc hạng nặng. Bạn cũng có thể giảm tiếp xúc với tiếng ồn bằng cách lựa chọn các hoạt động giải trí yên tĩnh.

- Xây dựng thói quen đeo nút bịt lỗ tai khi bạn biết bạn sẽ phải tiếp xúc với tiếng ồn trong một thời gian dài. Nút tai bán ở nhà thuốc có thể cắt giảm 25 dB và bảo vệ tai bạn hiệu quả. Không nên đứng gần loa công suất lớn trong các buổi hòa nhạc và đeo nút tai khi tiếng ồn giao thông quá lớn, khi sử dụng máy cắt cỏ, máy thổi lá, hoặc khi đi du lịch trong xe có động cơ lớn.

- Sử dụng vật liệu hấp thụ âm thanh để giảm tiếng ồn ở nhà và ở nơi làm việc. Thảm cao su có thể được đặt dưới các dụng cụ nhà bếp ồn ào, máy in máy tính và máy đánh chữ để cắt giảm tiếng ồn. Rèm cửa và thảm cũng giúp giảm tiếng ồn trong nhà. Cửa sổ chống bão hoặc cửa sổ hai lớp có thể làm giảm âm lượng tiếng ồn từ bên ngoài vào nhà hoặc vào nơi làm việc.

- Không sử dụng máy móc ồn ào cùng một lúc. Cố gắng giữ âm lượng TV, dàn máy nghe nhạc và tai nghe ở mức thấp. Nghe với âm lượng lớn là thói quen có thể thay đổi.

- Đừng cố gắng làm át tiếng ồn không mong muốn bằng các âm thanh khác. Ví dụ, không tăng âm lượng trên radio xe hơi hoặc tai nghe của bạn để át đi tiếng ồn giao thông hoặc bật TV to tiếng hơn trong lúc hút bụi.

- Kiểm tra thính lực. Những người có nguy cơ suy giảm thính lực nên đi kiểm tra thính lực hằng năm. Người có nguy cơ là người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn tại nơi làm việc hoặc khu vui chơi.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên