Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, lượng xe đến hạn kiểm định đã gia tăng và dự báo có thể quá tải trong vài tháng tới.
Đặc biệt trong bối cảnh có khoảng 65.000 lượt xe/tháng đến hạn đăng kiểm trong khi công suất các trung tâm ở TP.HCM chỉ 56.000 lượt xe/tháng. Không chỉ vậy, nhiều đăng kiểm viên (100/147 đăng kiểm viên) phải tạm ngừng việc khi các vụ án liên quan đăng kiểm bị đưa ra xét xử.
Nên miễn đăng kiểm xe cá nhân chạy dưới 12.000km/năm?
Nhiều bạn đọc đề xuất giải pháp gỡ khó cho tình hình đăng kiểm sắp tới.
"Thử làm một bài toán đơn giản về chi phí vận hành và tiền lương của một bộ máy đăng kiểm thì sẽ ra số tiền không hề nhỏ. Nếu cho đại lý của các hãng xe tự đăng kiểm và nộp phí lại cho Nhà nước thì chẳng phải vừa tiết kiệm số tiền khá lớn và lại tiện lợi cho người dân hay sao?", tài khoản Alain nêu vấn đề.
Còn theo bạn đọc Nam: "Nên bỏ hẳn đăng kiểm xe gia đình, hoặc giao các gara kiểm định 2 năm một lần, và chỉ cần kiểm tra khí thải và hệ thống lái, phanh là đủ".
"Xe cá nhân không kinh doanh vận chuyển có thể bỏ đăng kiểm. Ví dụ xe tôi 5 năm mới đi 20.000km, bảo dưỡng hãng theo định kỳ, vậy có cần thiết phải đi đăng kiểm không?
Người dân luôn quan tâm đến an toàn của họ và gia đình khi ngồi trên chiếc xe của mình, do đó với xe cá nhân chỉ chạy dưới 12.000km/năm thì nên bỏ đăng kiểm cho bớt áp lực các bên", tài khoản SH nêu ý kiến.
"Để ổn định lâu dài, giảm cơ chế dễ tạo tiêu cực trong đăng kiểm", theo bạn đọc Phạm Sanh "phải san sẻ công tác đăng kiểm xe cơ giới đường bộ về cho các hãng xe, trung tâm bảo hành bảo trì, giảm các quy định quy trình thủ tục nhiêu khê chưa khoa học và không phù hợp thông lệ thế giới.
An toàn xe cơ giới phải là trách nhiệm chính của chủ sở hữu, người sử dụng và cộng đồng. Không thể chỉ kỳ vọng tập trung vào quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm".
Ở các nước, quy trình đăng kiểm xe như thế nào?
Tại Đức, chủ sở hữu ô tô mới không cần đăng kiểm. Sau một thời gian vận hành, các loại xe khác nhau sẽ có thời hạn kiểm định khác nhau. Với ô tô mới dưới 8 chỗ, chủ xe cần đi đăng kiểm lần đầu sau 3 năm sử dụng. Sau lần kiểm định này, chủ xe tiến hành đăng kiểm định kỳ 2 năm một lần.
Quy trình đăng kiểm bao gồm hai phần chính là kiểm tra mức độ đảm bảo an toàn giao thông và kiểm tra khí thải. Phần kiểm tra khí thải thường được thực hiện trước, nếu có lỗi phát sinh về cơ khí hoặc hệ thống điện tử, chủ xe có bốn tuần để khắc phục.
Sau khi hoàn thành quá trình đăng kiểm, phương tiện sẽ được cấp tem kiểm định có thời hạn 2 năm.
Mẫu tem này thường được thay đổi theo từng năm để lực lượng chức năng có thể nhận diện từ xa.
Việc đăng kiểm xe cơ giới được Chính phủ Đức ủy quyền cho các công ty tư nhân như TÜV, DEKRA, GTÜ và KÜS.
Khi muốn tiến hành đăng kiểm, người dân Đức có thể tới bất cứ cơ sở nào của các công ty trên hoặc tới các gara có hợp đồng với công ty kiểm định.
Để tránh việc phải chờ đợi, chủ xe có thể đặt lịch trước thông qua trang web hoặc ứng dụng di động của các công ty đăng kiểm.
Trong khi đó, quy định về đăng kiểm xe cơ giới tại Mỹ phụ thuộc vào luật của mỗi bang.
Về cơ bản, tất cả các bang đều cấm thay đổi cấu trúc xe cộ, cụ thể như cấm thay đổi độ cao gầm xe, không thay đèn pha quá sáng, không lắp đèn lên nóc xe tải…
Những lệnh cấm này do cảnh sát kiểm soát thực hiện. Ngoài ra, trước khi bán xe hoặc chuyển sang một bang khác, chủ xe phải đăng ký lại, kèm theo chứng nhận kiểm tra an toàn.
Hiện có 15 bang ở Mỹ yêu cầu kiểm tra an toàn định kỳ hằng năm hoặc 2 năm một lần, 31 bang yêu cầu kiểm tra khí thải định kỳ và có thể thực hiện tại các cơ sở tư nhân được cấp phép.
Nhiều bang như Alabama, Alaska, Arkansas, Iowa, Florida, Kentucky, Mississippi hay Oklahoma không bắt buộc kiểm tra bất kỳ tiêu chí nào.
Tại Singapore, theo Cục Giao thông đường bộ Singapore (LTA), ô tô phải thực hiện kiểm tra an toàn và kiểm tra khí thải 2 năm một lần bắt đầu từ năm thứ ba sử dụng, và định kỳ hằng năm kể từ năm thứ 11.
Xe buýt, taxi, xe thương mại và xe kéo rơ moóc phải được kiểm tra định kỳ hằng năm hoặc sáu tháng một lần tùy theo độ tuổi của xe.
Các tiêu chí kiểm tra bao gồm cấu trúc xe có bị thay đổi không, hệ thống bánh xe, phanh, hệ thống lái, tình trạng thân xe, hệ thống hình ảnh và chỉ dẫn, hệ thống xả của xe.
Người dân có thể mang xe đến bất kỳ Trung tâm Đăng kiểm Ủủ quyền (AIC) nào của LTA để kiểm tra định kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận