Phóng to |
Theo đó, hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 4, đồng thời bộ yêu cầu áp dụng ngay trong học kỳ 2 của năm học 2005-2006. Thời hạn gấp gáp này đang khiến giáo viên và các trường lâm vào cảnh "khóc dở, mếu dở".
Vẫn quá tải
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT: Qua 3 năm thực hiện giảng dạy chương trình và SGK mới ở lớp 1, 2, 3, bộ cũng đã tự nhìn nhận rằng, sự phù hợp của một chương trình, một bộ SGK với tất cả các nhóm đối tượng học sinh (HS) là rất khó, do vậy vẫn còn tình trạng quá tải đối với một bộ phận HS. Gây nên tình trạng quá tải này, nguyên nhân được đưa ra trước tiên là "SGK còn có nội dung nặng và khó, một số chi tiết chưa thống nhất giữa chương trình và SGK, sách giáo viên".
Trước áp lực lớn của dư luận, phụ huynh về gánh nặng học hành của HS của cả ba cấp, Bộ GD-ĐT mới chỉ "ưu ái" giảm tải cho cấp tiểu học, còn cấp THCS và THPT vẫn còn phải chấp nhận sự quá tải về chương trình và SGK.
Hướng dẫn mới của bộ đã chỉ ra rất tỉ mỉ, chi tiết những phần "nếu không có điều kiện, được phép giảm bớt" hay "nếu không có điều kiện, có thể giảm bớt", những yêu cầu tối thiểu HS cần đạt được đối với từng môn tiếng Việt, toán, tự nhiên và xã hội, nghệ thuật, thể dục... Môn tự nhiên và xã hội lớp 3, GV có thể "miễn" cho HS phải sưu tầm các loại tranh ảnh hay vẽ theo yêu cầu trước đây của bài học...
Bên cạnh đó, đối với tất cả các môn, GV được quyền chuyển một số bài thành nội dung tham khảo, tự chọn phần, chương, bài học, bài tập để đáp ứng yêu cầu kiến thức, nội dung học tập cho từng đối tượng học sinh trên lớp.
Bao giờ giáo viên mới "ngấm"?
Bác sĩ Cao Thanh Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương: Bệnh viện đang phối hợp với Trường ĐH Valdebuilt (Hoa Kỳ) và Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ quốc tế của ĐH Melbourne (Australia) thực hiện dự án "Chăm sóc sức khoẻ tâm thần HS trường học thành phố Hà Nội". Qua khảo sát bước đầu, có thể thấy một số hành vi rối loạn có thể gặp ở HS là rối loạn lo âu - HS bị cô giáo, thầy giáo gọi lên bảng thì hoảng sợ, lo âu, vã mồ hôi, tè ra quần; HS bị ám ảnh về học bài, sợ học bài, ngại đi đến trường đến lớp. Để chống lại sự sợ hãi, HS có thể trốn học, bỏ học, dẫn đến kết quả học tập kém... |
Vì vậy, trong hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học này, vai trò của GV rất được chú trọng. Người đứng lớp lúc này phải tự chịu trách nhiệm trong việc giảng dạy ở mỗi tiết học. GV và cán bộ quản lý nhà trường cần khắc phục "bệnh thành tích và hình thức".
Cán bộ quản lý tạo điều kiện cho GV làm tốt nhiệm vụ dạy học trên lớp. Yêu cầu GV không được đưa thêm nội dung ngoài chương trình, SGK tạo nên sự quá tải trong giảng dạy...
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai, thì để những chỉ đạo từ văn bản "ngấm" tới từng GV không phải là chuyện một sớm một chiều. GV không phải là một công chức, nên việc giảng dạy thế nào cho phù hợp với lớp học, với từng HS là do lương tâm nhà giáo. Điều cốt yếu là HS phải học và được học.
Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là trách nhiệm thuộc hết về GV. Mỗi nhà trường tự chịu trách nhiệm về việc cụ thể hoá nội dung và phương pháp giảng dạy (kể cả thời lượng, thời gian bắt đầu và kết thúc của mỗi nhà trường, nhất là vùng núi và vùng dân tộc).
Chỉ đạo thực hiện điều chỉnh việc dạy và học cho HS tiểu học phù hợp với đối tượng HS nhằm đạt hiệu quả thiết thực. Vai trò quản lý, chỉ đạo, công tác thanh tra, kiểm tra, dự giờ, thao giảng của các sở cũng phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu.
Lý thuyết và thực tế còn khoảng cách
Nói về quyền tự chủ của GV, thầy Lê Ngọc Điệp - Phó phòng Tiểu học - Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: Ngay từ đầu năm, tổ khối chuyên môn của từng trường đang họp bàn để thống nhất chương trình giảng dạy cụ thể.
Phóng to |
Vì vậy, trên thực tế, học sinh cũng sẽ phải học đủ số lượng bài. Nhưng, giáo viên sẽ có quyền chủ động tăng thêm thời gian giảng dạy ở những nội dung khó, giảm tiết hoặc đi lướt qua những nội dung sơ sài.
Theo khuyến cáo của Bộ GD-ĐT khi ra chủ trương: GV chỉ cần dạy đủ những kiến thức cơ bản cho HS, còn chương trình mở rộng hoặc nâng cao thì tuỳ thuộc vào sự "hấp thu" của HS mà quyết định.
Song, trong thực tế chương trình vẫn còn nặng, bởi có một số kiến thức trước đây là của lớp học sau, nay lại dồn xuống cho lớp dưới, khiến HS bắt theo không kịp, như với học sinh lớp một, trước đây chỉ yêu cầu tính toán những phép cộng - trừ - nhân - chia trong phạm vi 20, với chương trình cải cách thì lại nâng lên đến 100 (!?). Như vậy thì dù bộ có chủ trương giảm tải và cho GV quyền "tự chủ", thì lại thành "làm khó" GV - cô Trần Anh Thư (quận 3) cho biết.
Cô Nguyễn Hoàng Anh - Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - thì cho rằng: Chủ trương mới giúp GV được chủ động hơn trong việc quyết định thời gian dành cho từng nội dung. Nhưng làm gì thì làm, vẫn phải rút bớt chương trình (ít nhất là ở phần nội dung mở rộng) thì mới có thể giảm tải được, chứ không thể không cắt giảm chương trình mà giảm tải như đã yêu cầu.
Có lẽ cứ phải loay hoay với chương trình còn "nặng" so với HS, nên dù đã được giảm tải nhưng rất nhiều trường tiểu học hiện nay HS vẫn phải học liên tục từ sáng đến 6-7 giờ tối mới được về nhà.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến phụ huynh phải luôn muốn con học thêm là vì chương trình học liên tục thay đổi, phụ huynh không thể tự dạy con học được. Nếu muốn con học giỏi, điểm cao, hầu như phải đến thầy cô học thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận