Ông Nguyễn Minh Hoàng* Ông NGUYỄN MINH HOÀNG (phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế Ủy ban Trung ương MTTQ VN):
Phải biết lắng nghe thật sự
Trước tiên Nhà nước phải cụ thể hóa quy chế bằng pháp luật, cải cách hơn nữa về thủ tục hành chính, công khai, minh bạch rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, của cán bộ, công chức để có những cơ sở pháp lý rõ ràng và lấy đó làm căn cứ cho việc giám sát, phản biện, đưa ra các đề xuất, kiến nghị hay các chế tài đối với những việc làm sai trái. Đồng thời phải thay đổi về nhận thức, biết lắng nghe thật sự và đặt quyền lợi của người dân lên trên hết; cần xem những ý kiến khác nhau, trái chiều là chuyện bình thường. Cần phải có những quy định chặt chẽ để đảm bảo việc giám sát và phản biện thật sự khách quan, công tâm, không để lợi ích nhóm có thể chen chân vào các hoạt động này.
Về cơ bản, giám sát và phản biện phải được thực hiện ngay từ khâu ban hành chủ trương, chính sách. Song song đó phải giám sát chặt khâu tổ chức thực hiện để xem các chủ trương, chính sách có khả thi, hợp lòng dân hay không. Đây là hai mảng công việc rất cần hiện nay để hạn chế những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật xa rời thực tế, thiếu khả thi được ban hành đã xảy ra khá nhiều trong thời gian qua, hay ngược lại, những chủ trương đúng, hợp lòng dân thì không được thực hiện đến nơi đến chốn.
Đi vào một số lĩnh vực cụ thể, trước hết cần phải giám sát và phản biện việc thực thi Hiến pháp để pháp luật được ban hành không trái với Hiến pháp; việc thực hiện Luật đất đai, trong đó trọng điểm là thực hiện các quy hoạch, thu hồi đất, chính sách đền bù giải tỏa... Đây là hai vấn đề rất lớn, có ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh của mỗi người dân mà hoạt động giám sát và phản biện cần đặt trọng tâm vào đây.
TS Nguyễn Việt Hùng* Tiến sĩ NGUYỄN VIỆT HÙNG (cựu chiến binh P.12, quận 4, TP.HCM):
Phải độc lập, không dính líu đến lợi ích
Một trong những điều kiện đầu tiên để quy chế giám sát và phản biện xã hội do Bộ Chính trị ban hành thật sự phát huy hiệu quả là phải khuyến khích cho bằng được các cá nhân và tập thể có chuyên môn sâu, độc lập, có tư cách đạo đức, uy tín tham gia giám sát, phản biện. Đồng thời những con người này không dính líu đến bất kỳ lợi ích nào liên quan đến chủ trương, chính sách hay dự án, công trình... được giám sát, phản biện.
Có đảm bảo được yêu cầu nói trên mới có thể hạn chế khả năng nhóm lợi ích chi phối, len lỏi vào các hoạt động này, làm cho cơ chế giám sát và phản biện không còn mang ý nghĩa tích cực như nhiều người dân mong đợi. Chúng ta từng nghe nhiều dư luận về “lobby chính sách” (vận động hành lang), “đi cửa sau”... trong quá trình xây dựng một số chính sách hay các quy định ở một số lĩnh vực, kể cả việc xét duyệt những công trình, dự án, ký kết hợp đồng... Làm sao để tình trạng này từng bước giảm đáng kể, khó xuất hiện trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội thì mới đảm bảo sự công tâm, khách quan, vì mục đích và lợi ích chung của cộng đồng.
Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình của cá nhân, tổ chức khi được yêu cầu phải được thực hiện triệt để, có chế tài cụ thể đối với những cá nhân, tổ chức không thực hiện đầy đủ trách nhiệm này. Có như vậy thì giám sát, phản biện mới phát huy hiệu quả, giúp cho quy chế đặc biệt quan trọng này tránh rơi vào tình trạng hình thức.
Điều mong muốn của nhiều người dân là nước ta sớm tiến tới xây dựng luật giám sát và phản biện xã hội với tính khả thi, hiệu quả cao để xây dựng đất nước văn minh, hiện đại.
Phóng toPGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ảnh: Q.Thanh* PGS.TS NGUYỄN LÊ NINH (nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM):
“Cái roi” chưa “dọa” được ai
Từ trước đến giờ, việc giám sát và phản biện xã hội vẫn đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này chưa được như mong đợi. Nguyên nhân chính vẫn là từ “quan trí” đến dân trí chừng mực nào đó chưa coi trọng ý nghĩa của “cái roi” giám sát và phản biện. Hiện thực xã hội những năm qua cho thấy “cái roi” này chưa “dọa” được ai.
Bản thân tôi cũng được huy động tham gia góp ý phản biện một số dự án cỡ to nhỏ khác nhau nhưng chưa bao giờ được nghe tới dù chỉ là một chữ phản hồi từ đối tượng bị phản biện. Qua đó đủ thấy phản biện ai nghe và nghe đến đâu thì chỉ có thể hiểu ngầm là “...thực tiễn tồn tại sẽ là câu trả lời cho người góp ý phản biện”(!).
Quy chế nêu trên của Bộ Chính trị phải trở thành “cái roi” theo đúng nghĩa đen thì mới phát huy tác dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận