Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu thực hiện giám sát chất lượng, hiệu quả - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 4-11, theo thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, sẽ có 4 giám sát chuyên đề.
Trong đó, 2 giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và công tác quy hoạch; 2 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đánh giá toàn diện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho hay ngay khi nhận được chương trình, đoàn giám sát Thanh tra Chính phủ đã triển khai và sẽ có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng báo cáo để tổng hợp, giúp Chính phủ xây dựng báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến ngày 1-7-2021.
"Thanh tra Chính phủ nhận thấy rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước là rất cần thiết, thể hiện trách nhiệm trước cử tri. Qua đó, giúp Quốc hội đánh giá chính xác, toàn diện, khách quan công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 5 năm qua", ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Liêm đánh giá đây cũng là thời điểm rất tốt để tập trung xử lý nghiêm, xử lý dứt điểm những vụ việc mà Tổ công tác của Thủ tướng đã rà soát, đồng thời đề nghị quá trình giám sát, đoàn giám sát phối hợp ngay từ đầu với đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp để xem xét rà soát các vụ việc cụ thể.
Nhấn mạnh công tác chuẩn bị tốt đã bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định giám sát phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng từng vấn đề được giám sát; có phương pháp giám sát tổng hợp, chi tiết, khoa học, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay...
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu "cần phải làm đến nơi, đến chốn", có bằng chứng cụ thể, có đánh giá sát đúng với từng lĩnh vực, đưa ra kiến nghị, đề xuất sắc sảo và cũng phải theo dõi cả việc tổ chức thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát.
Theo đó, lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong từng ngành, lĩnh vực.
Mục tiêu là để đảm bảo sau giám sát có thể tạo ra sự chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước và yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn.
Về phương thức giám sát, ông Vương Đình Huệ yêu cầu tiến hành đồng bộ, tỉnh thành nào làm ở tỉnh thành đó và có kiểm tra chéo lẫn nhau. HĐND làm độc lập, các đoàn đại biểu Quốc hội và đoàn giám sát cũng làm độc lập, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ cũng làm độc lập.
Qua giám sát phải chỉ ra được những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay là do tổ chức thực hiện. Tới đây, phải tăng cường công tác giải trình tại các cơ quan của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, cụ thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân", ông Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó là yêu cầu thực hiện giám sát khoa học, tổ chức giám sát chặt chẽ. Cán bộ tham gia giám sát phải bản lĩnh, có cách để giám sát lại những người đi giám sát, mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận