TTCT - Dù không đến mức bị soi từng cái click chuột hay buộc phải tự "trói" mình vào máy tính cả ngày như ở Mỹ, nhiều nhân viên văn phòng Việt Nam cho biết họ cũng phải tuân thủ nhiều quy định mới về quản lý hiệu quả và năng suất làm việc khắt khe hơn từ khi chuyển sang làm việc từ xa do COVID-19. Minh họa: Washington Post/iStockMinh Đức, lập trình viên một hãng công nghệ, cho biết khi bắt đầu làm việc tại nhà, công ty có chính sách chi trả phụ cấp hao mòn thiết bị với mức chưa đến 100.000 đồng/ngày, nhưng kèm theo quy định người được hưởng phụ cấp phải cài đặt phần mềm giám sát giờ làm trên thiết bị cá nhân và đảm bảo 8 tiếng làm việc mỗi ngày theo ghi nhận trên hệ thống. Minh Đức và hầu hết đồng nghiệp mà anh biết đều lựa chọn từ bỏ khoản phụ cấp không đáng bao nhiêu nhưng rước thêm phiền toái vào người.Phạm Văn (không phải tên thật), nhân viên một agency quảng cáo ở TP.HCM, mỗi ngày đều phải chụp một tấm ảnh selfie trước màn hình máy tính rồi gửi lên hệ thống nội bộ để "điểm danh" với phòng nhân sự. Quy định này được áp dụng suốt trong thời gian làm việc từ xa đến cả khi đã bước sang giai đoạn "hậu đại dịch", khi công ty áp dụng mô hình đan xen giữa làm ở nhà và lên văn phòng. Việc điểm danh này dù sao cũng dựa vào tính tự giác của nhân viên là chính, vì chụp hình xong có thực sự ngồi làm việc không thì… hên xui.Ở một số công ty khác, mọi thứ không đơn giản như vậy.Không để thời gian "chết"Trước đây, Trần Nguyên (không phải tên thật), nhân viên viết nội dung (content writer) trong một công ty truyền thông tại TP.HCM, được giao việc với thời gian khá thoáng, chẳng hạn 2 bài quảng cáo trên Facebook cần hoàn thành trong 1 ngày (8 tiếng). Hiệu quả công việc được đánh giá chỉ dựa vào chất lượng bài viết nhận lại. Nhưng đến một ngày, lãnh đạo công ty tự hỏi deadline (hạn chót) cả ngày vậy có phải là quá rộng rãi không? Giả sử nhân viên có khả năng tự "thúc ép" bản thân hoàn tất chỉ trong 3 tiếng, vậy có phải công ty đã cho nhân viên "dư" tận 5 tiếng?Bên cạnh đó, các lãnh đạo cho rằng nếu không "làm dữ" tăng tốc độ làm việc, nhân viên có thể để thời gian "chết" rất nhiều. Chỉ cần mỗi nhân viên dành khoảng 30 phút trong tổng thời gian 8 tiếng làm việc để lướt mạng xã hội hoặc chat chit không liên quan đến công việc, nếu công ty có 100 nhân viên thì họ đã mất đến 3.000 phút, tương đương 50 tiếng mỗi ngày.Để giải quyết các vấn đề này, công ty đã thử nghiệm một phần mềm mới đặt hàng từ một công ty chuyên giải pháp chuyển đổi số. Phần mềm tạo một không gian làm việc "ảo", nền tảng tương tác chung cho mọi nhân viên thuộc các phòng ban. Trên đó, mỗi người sẽ phải nhập liệu lịch làm việc và từng task (nhiệm vụ được giao) mỗi ngày. Trưởng nhóm và người quản lý có thể nhìn thấy khối lượng và tiến độ của từng task nhân viên đang làm, chẳng hạn với những content writer như Nguyên là các bài viết phải hoàn thành. Cuối ngày, họ sẽ phải thống kê xem mình đã xong bao nhiêu việc như đã cam kết."Sắp tới, các sếp dự kiến thống kê thời gian mỗi người hoàn thành từng task. Sẽ có KPI thời gian cho tụi mình. Ví dụ, một bài viết đăng Facebook tổng hợp những điểm nổi bật sau một sự kiện hội thảo trực tuyến chỉ được phép hoàn thành trong 2 tiếng. Nếu chậm hơn, bọn mình có thể bị nhắc nhở, phê bình, thậm chí ảnh hưởng tới thưởng cuối năm. Trong 2 tiếng thực hiện task đó, nhân viên không được mở máy sang một ứng dụng nào khác như lướt web hay mạng xã hội. Nếu không, hệ thống sẽ "gửi" những cảnh báo về cho các sếp" - Nguyên nói.Nữ nhân viên 24 tuổi chia sẻ thêm: "Cách làm này có mặt tốt, thúc nhân viên hoàn thành nhanh công việc, không dây dưa với những task dễ. Tuy nhiên, mình cảm thấy hơi bị công nghiệp. Tụi mình giống những chiếc "máy viết", phải đúng boong tốc độ, bài viết phải được "ra lò" đúng y giờ giấc. Như vậy sẽ làm giảm sức sáng tạo của nhân viên, chưa kể khiến họ ức chế và mất cảm hứng".Ảnh minh họa"Giám sát viên" ngầmHồng Lý (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) hiện là chuyên viên vẽ đồ họa cho một công ty thi công thiết kế tại TP Thủ Đức. Sau hơn 3 năm gắn bó, Lý ngày càng cảm nhận được sự khắt khe trong cách giám sát. Trước đây, những nhân viên có hợp đồng chính thức như Lý hay cả các cộng tác viên từ xa có thể làm việc trực tiếp với trưởng phòng thiết kế cho hầu hết mọi bản vẽ. Trưởng phòng sẽ là người duyệt và nhận phản hồi trực tiếp của khách hàng rồi tiếp tục giao lại cho Lý chỉnh sửa bản thiết kế theo yêu cầu.Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, công ty bắt đầu "làm phồng" đội ngũ quản lý. Bên dưới trưởng phòng là những trưởng dự án - người làm việc trực tiếp với khách hàng, tiếp nhận yêu cầu và đại diện phản hồi giữa các bên. Kế đó lại có những trưởng mảng thiết kế của dự án để kiểm tra lại các sản phẩm xem có đúng đề bài và đạt chất lượng không. "Công ty cho rằng quản lý chỉ một trưởng phòng không còn hiệu quả, dễ gây quá tải và không theo được tiến độ của nhân viên. Thành thử bây giờ mỗi bản thiết kế của mình phải qua 3 người duyệt, chưa kể "thượng đế" là khách hàng. Trong thiết kế 9 người 10 ý, ai cũng có cái tôi, thế là mình phải chỉnh sửa gấp 3 lần hồi xưa" - Lý nói.Còn có một "giám sát viên" thứ 4. Đầu năm 2022, công ty lập ra một "biệt đội" giám sát tiến độ các dự án, thành phần chủ yếu là các nhân viên trong phòng nhân sự. Họ được công ty cấp quyền vào hầu hết nhóm chat bàn công việc của các phòng ban và các nhân viên. Mục đích là nhằm nắm bắt hoạt động của từng nhân viên để có thể đánh giá và hỗ trợ kịp thời.Trên thực tế, các thành viên trong "biệt đội" này thường "tàu ngầm" trong các nhóm chat, không lên tiếng. Dẫu vậy, họ lại để ý đến nhất cử nhất động của từng nhân sự, đặc biệt với cấp nhân viên, chuyên viên. Không nhận xét về chuyên môn, họ sẽ đánh giá xem cách các bạn làm việc ra sao, thái độ ứng xử với trong nhóm chat thế nào, có thường là ngòi nổ gây cãi vã, xung đột không?"Họ cũng để ý cả cách tụi mình giao tiếp với khách hàng. Từng có một anh đã bị phê bình khá nặng nề do những dòng chat với khách hàng mà theo "giám sát viên" là cộc lốc và dễ gây mất thiện cảm. "Biệt đội" trưng ra được những bức ảnh chụp màn hình những dòng tin nhắn nói trên - Lý kể - Lúc họ trưng ảnh, tôi chợt nhận ra rằng dường như mọi hành vi của chúng tôi đều đang có người ghi chép lại. Tôi thấy ranh giới giữa giám sát và soi mói là rất mong manh".■Một kiểu trói chân khácNguyễn Long H. (32 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) - hiện là phó trưởng phòng về vận hành đơn hàng cho một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại TP.HCM - cho biết những năm gần đây, công ty đang có xu hướng cải tiến quy trình làm việc theo tần suất 3-6 tháng/lần. Mục tiêu là giảm tối đa những "hao phí" trong cách vận hành công ty và nâng cao được hiệu quả công việc.Điển hình vừa qua, công ty đưa vào một chức năng mới trong hệ thống thư điện tử nội bộ. Trường hợp thư gửi "cc" cho nhiều người, trong một khoảng thời gian nhất định, nếu một người không trả lời, phần mềm sẽ ghi nhận người ấy đã đồng ý về vấn đề được đề cập trong thư. Họ sẽ không được bàn thêm hay góp ý riêng về vấn đề này sau đó. Tất nhiên, họ cũng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định "tự động" trên."Nhìn ở một góc độ nào đó, cuộc "cách mạng" của các sếp đã "cắt bỏ" khá tốt thời gian chờ đợi. Không chỉ qua mail, các thư từ đệ trình cũng vậy. Cách trình giấy truyền thống bằng văn bản thường "ngốn" quá nhiều thời gian chờ để sếp A ký tên mới lên tới sếp B. Chỉ cần một mắt xích "ngâm" thêm 1 ngày cũng đã làm dây dưa nhiều dây chuyền. Giờ thì với những sự việc không quan trọng, tùy vào vai trò và vị trí của nhân sự, thời gian để họ xem xét và cho ý kiến sẽ dao động khoảng 1-2 ngày, vấn đề gấp chỉ được nửa ngày" - H. nói.Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác, H. cho rằng cách làm này lại gây cho anh nhiều áp lực. Anh phải thường xuyên túc trực trên phần mềm của công ty để tránh sót mail hay văn bản. Tất nhiên không phải ai cũng đến công ty ngồi cả ngày chỉ để đọc mail hay xem đơn thư. Mỗi nhân sự đều có những công việc riêng tại phòng ban hoặc ra ngoài gặp đối tác. "Nhiều nhân viên, trong đó có tôi, đã kiến nghị công ty chỉnh lại quy trình. Công ty nên có sự linh hoạt trong những trường hợp bất khả kháng không thể trả lời mail. Hoặc nhân sự có thể giải trình và bổ sung ý kiến sau đó nếu nguyên nhân họ trễ nải hợp lý" - H. nói. Tags: Năng suất công việcLàm việc từ xa
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.