Luật sư Nguyễn Thế Phong tại phiên tòa ở Long An - Ảnh: V.Trường |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Thế Phong (chủ nhiệm Ủy ban giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật Liên đoàn Luật sư VN) cho biết:
- Trong số 20 luật sư bị xóa tên trong nhiệm kỳ thì Hà Nội đứng đầu khi chiếm đến hơn nửa số luật sư bị xóa tên. Lý do bị xóa tên chủ yếu là bỏ sinh hoạt, không đóng phí và có một số trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Một nhiệm kỳ mà có 20 luật sư bị xóa tên, theo tôi là nhiều vì đó đều là những người vi phạm nghiêm trọng. Còn những luật sư bị đình chỉ tư cách luật sư từ 6-24 tháng thì rất nhiều. Số trường hợp bị kiểm điểm, cảnh cáo cũng nhiều.
* Theo ông, vì sao đơn thư tố cáo, khiếu nại về đạo đức luật sư nhiều mà xử lý lại ít?
- Đúng là các đoàn luật sư nhận được nhiều đơn tố cáo, khiếu nại, song qua xác minh thì thấy có nhiều đơn tố cáo không có căn cứ, thiếu chứng cứ... Tuy nhiên cũng không loại trừ người dân tố cáo là đúng, nhưng vì luật sư hiểu luật hơn nên không để lại bằng chứng, vì vậy khó xử lý.
Nhiều nhất là việc luật sư bị tố cáo nhận tiền, vòi thêm tiền nhưng không làm hết trách nhiệm với khách hàng. Khi nhận tiền thì luật sư không viết biên nhận nên dù bị tố cáo nhưng không có chứng cứ rõ ràng để xử lý.
* Gần đây có việc các luật sư sử dụng mạng xã hội để bài xích, nói xấu nhau. Ông nghĩ gì về việc này?
- Đây cũng là phạm trù đạo đức của luật sư, được điều chỉnh bằng quy tắc hẳn hoi. Luật sư phải thân ái, tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ nhau chứ không được nói xấu nhau, không dùng thủ đoạn để tranh giành khách.
Việc một số luật sư công kích nhau trên mạng xã hội là không nên, nó làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người luật sư và vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Nếu thu thập đầy đủ chứng cứ thì Liên đoàn Luật sư VN sẽ xử lý kỷ luật tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm.
* Ông có thấy gì đáng lo ngại về tình trạng vi phạm đạo đức của luật sư hiện nay?
- Có thể thấy rõ những biểu hiện tiêu cực của một số luật sư trong thời gian qua như: chạy án; lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng; chung chi bồi dưỡng, bôi trơn cho những cá nhân ở cơ quan công quyền liên quan đến vấn đề mà luật sư nhận của khách hàng...
Và còn nhiều biểu hiện “ngầm” khác như: nói xấu, hạ uy tín của đồng nghiệp khi tiếp xúc khách hàng; hứa hẹn những việc quá thẩm quyền, khả năng của luật sư; khoe khoang mình có quen thân với thẩm phán này, thư ký kia để làm khách hàng lầm tưởng luật sư có thể “chạy” được...
* Hiện nay Liên đoàn Luật sư VN giám sát đạo đức của luật sư bằng cách nào?
- Ngoài đơn thư tố cáo hành vi vi phạm của luật sư thì chúng tôi cũng có nhiều kênh khác để giám sát như: từ phản ảnh của dư luận, báo chí và từ tòa án, viện kiểm sát. Trong các buổi sinh hoạt của đoàn luật sư đều có tuyên truyền, nhắc nhở anh em tránh những biểu hiện vi phạm đạo đức.
Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):
Không thể dùng tiền để mua kết quả được Về giải pháp, luật sư khi mới vào nghề hoặc đang hành nghề, đừng vội vã về tiền bạc, đừng vội vã vì cái danh của mình mà phải làm bằng mọi cách. Nghề luật sư để tạo dựng được tiếng tăm, tên tuổi, uy tín phải trải qua quá trình lâu dài, vì uy tín hành nghề và thu nhập phải qua quá trình hành nghề, không thể ngày một ngày hai mà có uy tín và được tin tưởng. Một luật sư hành nghề một vài năm thì không thể thành công mà thậm chí 10, 20 năm... Việc luật sư quảng cáo về việc mình quen người này hay người khác với thân chủ thì đó là việc xây dựng sự nghiệp thiếu bền vững và lâu dài. Tại TP.HCM, rất ít khách hàng yêu cầu luật sư sử dụng tiền hoặc đặt vấn đề về mối quan hệ của luật sư trong khi làm việc. Khách hàng biết rủi ro việc đó, biết chấp nhận thực tế và luật sư cần phải dùng thời gian, kiến thức pháp luật để đổi lấy thắng lợi cho thân chủ chứ không thể dùng tiền để mua kết quả được. Nếu luật sư gặp những khách hàng đặt câu hỏi về các mối quan hệ thì luật sư cũng nên đánh giá những khách hàng đó sẽ mang nhiều phiền toái cho luật sư, vì nếu không được việc thì khách hàng sẽ khiếu nại, sẽ ghi âm để làm bằng chứng chống lại luật sư. Về việc giám sát, tôi cho rằng luật sư hoạt động độc lập, chỉ có thân chủ giám sát, đoàn chỉ biết được khi có khiếu nại, và bởi luật sư với luật sư cũng không thể giám sát nhau được. |
Tôi không khỏi bị tổn thương cho nghề Khi có luật sư bị kết tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (liên quan hay không liên quan đến hoạt động nghề nghiệp luật sư) bởi bản án có hiệu lực pháp luật thì dẫu biết rằng trong nghề nào, lĩnh vực nào cũng có một số tiêu cực nhưng tôi cũng như đồng nghiệp khác vẫn không khỏi bị tổn thương cho nghề, cho giới của mình. Nguyên nhân mà có luật sư bị kết tội hình sự lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi bản án có hiệu lực pháp luật thì có nhiều nhưng trước tiên và quan trọng hơn hết là do luật sư đó lấy mục tiêu vật chất là chủ đạo trong việc hành nghề, cố ý vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên theo tôi, cũng nên lưu tâm đến những nguyên nhân khác, dù là khách quan nhưng vẫn có những tác động nhất định trong việc góp phần đưa, đẩy luật sư vào con đường phạm tội hình sự... Chẳng hạn như đến nay tỉ lệ luật sư tính trên dân số còn quá ít, chỉ khoảng 1 luật sư/11.710 dân. Điều đó dẫn đến hiểu biết của người dân về chức năng, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư còn hạn chế. Trong một số trường hợp, có người hiểu sai luật sư chỉ là “cò”, môi giới cho mối quan hệ với người có thẩm quyền (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán...), phải đảm bảo kết quả vụ việc nên đã chủ động nhờ luật sư chạy án, đề nghị luật sư “phải đảm bảo kết quả thắng - thua, không tội, án treo, án thấp...” Và trong những lúc sao nhãng, xa rời hay có chủ ý lừa đảo, chà đạp công lý, pháp luật, quy tắc, vì mục tiêu vật chất là chủ đạo nên có luật sư đồng tình, đáp ứng hoặc giả bộ đáp ứng yêu cầu trái pháp luật này để nhận tiền của khách hàng. Có một số quy định pháp luật bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn khiến người thực hiện, người áp dụng hiểu cách này, cách khác đều có thể bị/được cho là sai hoặc đúng, cho là vi phạm hoặc không vi phạm nên dẫn đến cách giải quyết khác nhau. Hiện nay, Luật luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành, điều lệ Liên đoàn Luật sư VN, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư VN có nhiều quy định về nguyên tắc hành nghề luật sư; về chức năng, quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư; nghiêm cấm luật sư không được thực hiện một số hành vi; về những trường hợp luật sư từ chối nhận vụ việc. Thiết nghĩ, việc luật sư nắm chắc và thực hiện đúng các quy định, quy tắc ấy và thông báo, xác định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của luật sư và khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý ký kết giữa đôi bên là một trong những cách hữu hiệu không chỉ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, tránh góp phần đưa họ vào con đường phạm pháp hình sự mà còn nâng cao uy tín, danh dự, tránh sa ngã, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người luật sư, giới luật và nghề luật sư. Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận