28/10/2024 06:44 GMT+7

Giám sát của Quốc hội: Giá bất động sản tăng vọt so với thu nhập đa số người dân

Sáng nay 28-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Quốc hội: Giá bất động sản cao hơn thu nhập đa số người dân - Ảnh 1.

Các dự án bất động sản đang phát triển ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Phiên thảo luận hội trường của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Gần 1.000 dự án bất động sản vướng mắc

Qua giám sát, đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu. 

Giá bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân.

Nhiều khu đô thị bỏ hoang, chung cư mini còn nhiều bất cập và chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả; các khu tập thể cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân.

Đặc biệt nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Riêng tại TP Hà Nội có 712 dự án và TP.HCM có 220 dự án vướng mắc. Các loại hình bất động sản mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, số dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai cần tập trung xử lý lên đến 712 dự án, tương đương quy mô sử dụng đất trên 11,4 nghìn ha.

Trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, thực trạng phát triển các dự án bất động sản tại Hà Nội rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt, sản phẩm nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án giai đoạn trước.

Nhiều dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cũng chậm triển khai và phải điều chỉnh tiến độ; nhiều dự án có thời gian triển khai thực hiện lên đến 10 - 20 năm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch. 

Trong khi đó, báo cáo của UBND TP.HCM có 30 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị ngưng thi công, 56 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị chưa thi công; trong khi thời gian dự kiến hoàn thành của các dự án này đều trong giai đoạn 2015 - 2020.

Hà Nội, TP.HCM không còn phân khúc chung cư bình dân

Giám sát của Quốc hội: Giá bất động sản cao hơn thu nhập đa số người dân - Ảnh 2.

Đoàn giám sát nhận định một số dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do việc thực hiện kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ thay đổi, vướng mắc rất khó tháo gỡ - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đoàn giám sát nhận định những tồn tại, hạn chế trên dẫn đến cơ cấu sản phẩm bất động sản  chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp, mục tiêu đầu tư tài chính, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân trong khi nhu cầu của người dân lớn. 

Nguồn cung chủ yếu từ các dự án triển khai trong giai đoạn trước, rất ít dự án mới. Một số dự án gặp vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 

Số lượng lớn dự án bất động sản nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ, chậm triển khai, bị đình trệ, trong khi nguồn lực mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án là rất lớn, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng khó khăn và tăng chi phí cho chủ đầu tư, từ đó tăng giá bán sản phẩm.

Nhiều khu đô thị bị bỏ hoang trong khi giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. Tại TP Hà Nội và TP.HCM không còn phân khúc căn hộ chung cư giá bình dân.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, phân khúc căn hộ chung cư trung cấp và cao cấp chiếm đa số. Trong năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng rất cao, lượng giao dịch thấp, chỉ chiếm khoảng 10% lượng sản phẩm chào bán ra thị trường; giá nhà ở riêng lẻ vẫn duy trì ở mức cao và gần như không có giao dịch. 

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, lượng giao dịch bất động sản giảm sút mạnh, giá bất động sản tăng không kiểm soát, mất cân đối giữa giá cả và giá trị. 

Qua quá trình làm việc với đoàn giám sát, Hiệp hội bất động sản TP.HCM cung cấp số liệu thống kê cho thấy từ năm 2021 trên địa bàn TP không còn phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2). 

Thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án bất động sản còn phức tạp

Theo báo cáo của đoàn giám sát, giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản đã tạo ra khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Quy mô giá trị tăng thêm ngành kinh doanh bất động sản (theo giá hiện hành) tăng dần qua từng năm, từ khoảng 83.000 tỉ đồng đến hơn 121.000 tỉ đồng, bình quân tăng trưởng 2,72%/năm.

Diện tích đất được quy hoạch cho phát triển đô thị tăng lên hằng năm so với tổng diện tích tự nhiên; tỉ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020. Có khoảng hơn 2.688 dự án nhà ở thương mại và khu đô thị đã và đang triển khai, với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 8.878ha.

Ngoài ra hơn 430 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang triển khai thực hiện, với quy mô sử dụng đất khoảng hơn 8.805.830ha.

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát, việc triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án còn khá phức tạp. Nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước quy trình theo quy định của nhiều luật đan xen, thiếu liên thông, thống nhất, đồng bộ, còn chưa đủ rõ, áp dụng khác nhau tại các địa phương.

Việc cải cách hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, giải quyết hồ sơ còn chậm. Các thủ tục theo pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường… còn kéo dài.

Thời gian thực tế để hoàn thành thủ tục pháp lý thường kéo dài hơn so với thời hạn pháp luật quy định. Nhiều thủ tục không xác định được thời hạn thực hiện.

Mặt khác, khả năng tiếp cận đất đai để triển khai mới các dự án bất động sản còn khó khăn. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Giám sát của Quốc hội: Giá bất động sản cao hơn thu nhập đa số người dân - Ảnh 3.Chính phủ tập trung giải quyết các dự án bất động sản 'đắp chiếu'

Thủ tướng đã quyết định thành lập ban chỉ đạo để tập trung giải quyết các dự án bất động sản vướng mắc, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên