Mục tiêu đặt ra là xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.
Ủy ban nhân dân các tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm ban hành kế hoạch, bố trí kinh phí và chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để tạo ra các vùng có nguy cơ thấp về dịch bệnh trên tôm, các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn về dịch bệnh.
Theo kế hoạch, phấn đấu kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thành công và được chứng nhận là các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo quy định của Thông tư 14 và của OIE; phấn đấu trong năm 2017, có ít nhất 1 doanh nghiệp là cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước.
Để thực hiện Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Tổng cục Thủy sản chỉ đạo kiểm soát chất lượng con giống tại các vùng sản xuất giống tập trung. Chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất lượng, giá cả vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm tránh lạm dụng và tồn dư nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm đồng thời tuyên truyền rộng rãi đến người nuôi để thực hiện.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trọng điểm về sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết cho địa phương và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí đủ kinh phí để triển khai thực hiện (bao gồm cả kinh phí chi trả cho cán bộ ấp, xã, thú y xã trong việc thu thập thông tin, thống kê và báo cáo về tình hình nuôi, dịch bệnh, kinh phí mua hóa chất, sản phẩm vi sinh để xử lý các ao nuôi cho kết quả giám sát dương tính và xử lý khi có dịch bệnh tại vùng đệm).
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt trên 1,9 tỷ USD; tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu tôm nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và giá tôm thế giới có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn cung thế giới sụt giảm.
Sau đợt hạn mặn vừa qua, nhiều hộ nuôi tôm sú đã chuyển đổi sang thả nuôi tôm chân trắng do thời gian nuôi ngắn, lợi nhuận cao, tỷ lệ nuôi thành công cao. Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu, tỷ trọng tôm chân trắng xuất khẩu tăng do diện tích thả nuôi và sản lượng tăng. Tỷ trọng xuất khẩu tôm sú và tôm biển giảm.
Trong 8 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 10%, chiếm 60,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm; tôm sú giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 31,4%. Trong tất cả các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng mạnh nhất trên 12%, xuất khẩu tôm loại khác chế biến đóng hộp (HS 16) giảm mạnh nhất 66%, tuy nhiên chỉ chiếm giá trị nhỏ 1,8 triệu USD.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang top 5 thị trường chính đều tăng trừ Nhật Bản giảm 6,4%. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 36,9%, sang Mỹ tăng 16,4%; sang Hàn Quốc tăng 13,5% và EU tăng 7,1%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận