10/12/2024 19:11 GMT+7

Giám sát các sàn giao dịch việc làm trực tuyến ngăn lừa đảo, cần nhiều ngành chung tay

Đại biểu HĐND TP.HCM nêu vấn đề lừa đảo trên các sàn giao dịch việc làm trực tuyến và kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động.

TP.HCM: Đại biểu đề nghị cần giải pháp ngăn lừa đảo qua sàn giao dịch việc làm trực tuyến - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa phát biểu tại kỳ họp - Ảnh: HỮU HẠNH

Chiều ngày 10-12, HĐND TP.HCM đã tiến hành phiên giám sát chuyên đề về công tác quản lý lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra các sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện nay còn hạn chế, đặc biệt khi nhiều người lao động từ các tỉnh tìm việc tại TP.HCM lại bị lừa đảo.

Bà Hoa đề nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các sàn giao dịch này để giảm thiểu tình trạng lừa đảo và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Văn Thinh cũng thừa nhận việc quản lý lao động tự do tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Ông cho biết theo khảo sát tại một số quốc gia tiên tiến như Đức, Nhật Bản... họ cũng gặp khó khăn trong việc nắm bắt và quản lý chính xác số lượng lao động tự do tham gia vào thị trường lao động.

Tại TP.HCM, lực lượng lao động lên đến gần 5 triệu người. Mặc dù các doanh nghiệp có hợp đồng lao động, bảo hiểm và thuế đều được quản lý chặt chẽ, nhưng đối với lao động tự do không có hợp đồng, việc theo dõi và quản lý là một thách thức lớn.

Ông Lê Văn Thinh cho biết sở đã kiến nghị với TP.HCM về việc xây dựng phần mềm quản lý lao động thông qua công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng vấn đề kinh phí vẫn là rào cản lớn khiến các dự án công nghệ chưa thể triển khai như mong muốn.

Về việc giám sát các sàn dịch vụ việc làm trên mạng, theo ông Thinh, ngành lao động cũng rất quan tâm. Tuy nhiên, để giám sát trên không gian mạng cần sự vào cuộc của nhiều ngành như thông tin truyền thông, an ninh mạng.

Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024 đã chỉ đạo cho Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 89 sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP.HCM, kể cả kết nối liên thông các tỉnh.

Qua đó, tư vấn trên 204.000 lượt người tham gia, có hơn 30.000 người sau đợt tư vấn tham gia ký kết được hợp đồng lao động. Thời gian tới tiếp tục tăng cường hơn để có chính sách thúc đẩy câu chuyện kết nối giới thiệu việc làm.

Tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 4,2% xuống còn 3,8%

Trong phiên giám sát, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đã báo cáo kết quả công tác quản lý lao động và việc làm của TP.HCM hiện có 88% lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ.

Từ năm 2021 đến 2024, TP.HCM đã tạo việc làm mới cho gần 574.000 lao động, với tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 4,2% xuống còn 3,8% vào cuối năm 2024. Dự kiến đến năm 2025, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục giảm và đạt chỉ tiêu tạo việc làm mới 100%.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương tăng cường kinh phí cho đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Hiện nay mức kinh phí đào tạo còn thấp, không đủ để đáp ứng chi phí thực tế cũng như sinh hoạt của học viên.

Thành phố kiến nghị có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đào tạo, phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi.

UBND TP.HCM cũng đề xuất hướng dẫn xử lý đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những doanh nghiệp kéo dài tình trạng này, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

TP.HCM: Đại biểu đề nghị cần giải pháp ngăn lừa đảo qua sàn giao dịch việc làm trực tuyến - Ảnh 2.Công an TP.HCM: Người cao tuổi đang là đối tượng của lừa đảo qua mạng

Theo Công an TP.HCM, người cao tuổi là đối tượng mà lừa đảo qua mạng đang nhắm đến, bởi điều kiện tiếp cận thông tin của nhóm này còn hạn chế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên