Đoàn giám sát thuộc Ủy ban MTTQ VN quận 8, TP.HCM giám sát thực hiện an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú tại Trường tiểu học Trần Nguyên Hãn, ngày 24-11- Ảnh: MỸ DUNG
Làm thế nào để bữa ăn của học sinh vừa chất lượng, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?
Cô Lê Thị Quy Thục (phó hiệu trưởng phụ trách bán trú, THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM):
Phải kiểm tra thường xuyên, đột xuất
Học sinh ở trường tại TP.HCM được cung cấp bữa ăn trưa theo hai cách: có bếp ăn tại trường và suất ăn công nghiệp. Với cách nào thì khâu kiểm tra, giám sát của trường với các công đoạn trong bữa ăn bán trú của học sinh vẫn quan trọng nhất.
Hiện nay, các công ty cung cấp thức ăn muốn cung cấp thức ăn cho học sinh đều phải lấy thực phẩm đúng nguồn cho phép. Nhà bếp cũng phải mua thực phẩm tại những nơi cung ứng đúng nguồn an toàn...
Tuy nhiên, để bữa ăn an toàn thì tất cả các khâu từ chọn nguồn thực phẩm tươi, sạch, chế biến đúng cách, đảm bảo vệ sinh, nấu nướng đúng cách, an toàn, đưa thức ăn lên mâm, rửa, phơi, sấy chén bát... đều phải thực hiện đúng. Trong quá trình đó, chỉ cần nhà trường lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát sẽ khiến các bộ phận dễ lơ là.
Vì thế, trường cần cử cán bộ, nhân viên y tế kiểm tra đột xuất khâu tiếp phẩm để đảm bảo nguồn gốc thực phẩm đúng chuẩn, tươi, sạch. Trường cũng cần kiểm tra đột xuất các nhân viên thực hiện quy trình cung cấp bữa ăn...
Bên cạnh đó, định kỳ, trường cần lấy ý kiến phụ huynh, học sinh về bữa ăn để cung cấp bữa ăn cho học sinh tốt hơn, an toàn hơn. Riêng đối với nguồn thực phẩm, trường cần tham khảo trường bạn để chọn những đơn vị uy tín hoặc thay đổi nơi cung cấp nếu cần thiết.
Bà Trần Thanh Hà (chủ tịch Ủy ban MTTQ VN quận 8, TP.HCM):
Lập đoàn liên ngành giám sát
Ủy ban MTTQ VN quận 8 đang thực hiện việc giám sát lãnh đạo trường trong thực hiện an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú trên địa bàn.
Chúng tôi thực hiện từ ngày 14-10-2022 với sự tham gia của Phòng GD-ĐT, Trung tâm Y tế, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 8. Việc giám sát xem các trường đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của quận hay chưa. Đây là việc làm hằng năm của Ủy ban MTTQ VN quận.
Qua thời gian giám sát, chúng tôi thấy rằng mặc dù TP có quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong các trường học, có hướng dẫn của ngành giáo dục, ngành y tế nhưng điều kiện ở mỗi trường học là khác nhau nên cách làm nhiều khi không thể giống nhau được.
Vì thế, thông qua giám sát, đoàn sẽ trao đổi để trường làm tốt hơn việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đoàn cũng giới thiệu thêm mô hình để trường áp dụng nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú...
TS Trần Thị Thu Trà (giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Lưu ý việc phân chia thực phẩm sau nấu chín
Con người thực hiện là trung tâm của việc đảm bảo an toàn cho bữa ăn của học sinh. Quy trình có hiện đại, chi tiết đến đâu nhưng con người thực hiện không đúng, không chuyên tâm, lơ là cũng có thể gây những hậu quả đáng tiếc.
Muốn vậy, cấp dưỡng, nhân viên làm việc liên quan đến bếp ăn trường học, cung cấp bữa ăn cho học sinh phải được đào tạo về vệ sinh an toàn thực phẩm và tuân thủ quy trình làm việc liên quan đến bữa ăn của trẻ.
Tôi cũng thắc mắc tại sao thức ăn ở Trường iSchool Nha Trang trong vụ học sinh ngộ độc lại nhiễm vi khuẩn salmonella sống. Salmonella nhạy cảm với nhiệt độ, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt khi bị gia nhiệt đến 85oC trong vài giây.
Do vậy, khi nhiệt độ chiên gà trên 100oC thì vi khuẩn này đã bị tiêu diệt. Vì thế, nhiều khả năng salmonella đã nhiễm vào thực phẩm trong quá trình phân chia thức ăn sau khi thực phẩm đã chín.
Vụ học sinh ngộ độc thực phẩm ở iSchool Nha Trang khiến tôi nhớ đến việc TP.HCM cũng từng có vụ công nhân bị ngộ độc do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh sau khi thức ăn đã được nấu chín. Nguyên nhân vì nhân viên tay bị thương có mủ mà vẫn tham gia trong quá trình phân chia thức ăn.
Ông Dương Văn Dân (trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, TP.HCM):
Phụ huynh cùng tham gia
Để tổ chức bữa ăn bán trú an toàn hơn cho học sinh, Phòng GD-ĐT quận 8 ngoài yêu cầu hiệu trưởng các trường tổ chức theo dõi chặt chẽ hằng ngày về chất lượng bữa ăn của học sinh, chúng tôi còn ban hành văn bản cụ thể hóa trách nhiệm của bộ phận phụ trách bán trú tại các trường.
Đối với cơ sở giáo dục, Phòng GD-ĐT yêu cầu lãnh đạo trường phân công trực tiếp kiểm tra việc tiếp phẩm và giờ ăn của học sinh, phối hợp với tổ trưởng tổ cấp dưỡng lên thực đơn bữa ăn bán trú; thực đơn hằng ngày được công khai trên bảng tin (niêm yết đủ thông tin về chủng loại, số lượng, đơn giá...), suất ăn đúng với thực đơn đã công bố; tổ mua sắm và tổ tiếp nhận hàng hóa thực hiện đúng quy trình mua sắm và tiếp nhận hàng hóa; mua thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, Phòng GD-ĐT yêu cầu trường không đặt hàng, không tiếp nhận thực phẩm đã sơ chế sẵn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện sổ ba bước có cập nhật thông tin hằng ngày, áp dụng quy trình bếp ăn một chiều, lưu mẫu thực phẩm, thức ăn theo quy định.
Phòng GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban kiểm tra nội bộ, phụ huynh học sinh của trường trong tham quan, giám sát việc thực hiện bữa ăn của học sinh để nhà trường thực hiện tốt hơn quy trình thực hiện bữa ăn học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Việc phụ huynh học sinh tham gia quá trình giám sát bữa ăn sẽ khiến bữa ăn được cải thiện không những về an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn khiến chất lượng bữa ăn sẽ tốt hơn. Theo tôi, đây là một trong những vấn đề then chốt để hạn chế tối đa việc mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn học đường.
Quản lý dinh dưỡng suất ăn bằng phần mềm
Trường tiểu học Phước Tiến quản lý dinh dưỡng bữa ăn bằng phần mềm và cho phép cha mẹ học sinh đến bếp ăn để kiểm tra suất ăn và cách chế biến - Ảnh: THỤC NGHI
Tổ chức bán trú cho gần 900 học sinh, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Tiến (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - cho biết trường quản lý dinh dưỡng suất ăn của mỗi học sinh theo phần mềm thuộc Dự án bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam khởi xướng.
Mỗi trường sẽ có một tài khoản, chỉ cần truy cập phần mềm sẽ đưa ra mức tính toán dinh dưỡng cho từng lứa tuổi. Ví dụ học sinh từ 6-7 tuổi mỗi ngày cần nạp bao nhiêu tinh bột, chất xơ... phần mềm cũng lên danh sách thực đơn không lặp lại để nhà trường lựa chọn.
"Chúng tôi yêu cầu rất chặt nguyên liệu đầu vào phải là hàng tươi sống trong ngày, phía cơ sở phải có địa chỉ, thương hiệu có các giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với thực phẩm chế biến sẵn như chả lụa chúng tôi sẽ đặt riêng, phía cơ sở phải ký cam kết không dùng phẩm màu, chất phụ gia... sau đó sẽ trụng nước sôi thêm một lần nữa. Trước mỗi tuần nhà trường sẽ gửi bảng thực đơn trong các group để phụ huynh góp ý.
Về khâu kiểm tra, nhà trường cho phép phụ huynh đến trực tiếp bếp ăn để xem chất lượng bữa ăn, ngoài ban giám hiệu xuống tận bếp ăn để kiểm tra còn có cán bộ y tế giám sát công đoạn chế biến", cô Hoa nói. (MINH CHIẾN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận