Khu fan zone cho VCK Euro ở Glasgow (Scotland) - Ảnh: Scottish FA
Ý tưởng về việc tổ chức VCK Euro rải đều khắp châu Âu, với tất cả 12 thành phố của 12 quốc gia trải dài từ Tây sang Đông Âu, thật ra không xuất phát từ chủ tịch UEFA đương nhiệm - ông Aleksander Ceferin.
Nói một cách chính xác, đó là ý tưởng của người tiền nhiệm Michel Platini, một người rất giỏi trong việc kinh doanh. Ngay từ đầu, đó đã là một ý tưởng gây nhiều tranh cãi. Truyền thông Anh khẳng định ông Ceferin không hề "ưng bụng" kế hoạch này.
Và đây là thời điểm để UEFA thay đổi kế hoạch rối rắm của Platini. Trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa hề cho thấy điểm dừng, việc tổ chức càng nhiều địa điểm sẽ càng tăng thêm nhiều nguy cơ hơn.
Mới đây, Giải vô địch Đức (Bundesliga) đã tiết lộ kế hoạch tổ chức lại giải đấu trong thời gian tới. Theo đó, các trận đấu sẽ diễn ra trong tình trạng không khán giả cho đến hết năm nay, bao gồm cả nửa đầu của mùa giải mới. Sự cẩn thận đó của người Đức rõ ràng không phải là thừa.
Mặt khác, việc tổ chức ở quá nhiều thành phố cũng gây trở ngại về mặt thể lực cho các cầu thủ, cũng như... tiền túi của các CĐV bởi mỗi bảng đấu đều phải tổ chức ở hai thành phố khác nhau. Amsterdam (Hà Lan) và Bucharest (Romania) - hai thành phố cùng đăng cai bảng C (gồm Hà Lan, Áo, Ukraine và một đội bóng chưa xác định) có khoảng cách đến hơn 2.200km.
Rome (Ý) và Baku (Azerbaijan) - đăng cai bảng A của Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Xứ Wales và Thụy Sĩ thậm chí cách nhau đến 4.000km. Việc phải di chuyển giữa những thành phố đó thực sự là một vấn đề khổ sở với các cầu thủ và CĐV.
Mới đây, UEFA đã tiết lộ về việc họ có thể sẽ cắt giảm số thành phố đăng cai VCK Euro 2021. Đi cùng với thông báo này là thông tin từ Daily Mail cho biết Ý và Tây Ban Nha có thể sẽ rút khỏi việc đăng cai do đối mặt quá nhiều vấn đề về đại dịch COVID-19. Và không loại trừ khả năng số lượng các thành phố phải rút việc đăng cai VCK Euro 2021 có thể còn nhiều hơn.
Chuyện gì cũng có hai mặt, giảm số thành phố đăng cai sẽ bớt đi những nỗi lo về tình hình dịch bệnh và công tác tổ chức. Bù lại, UEFA sẽ phải sớm tính phương án dàn xếp với những nơi đăng cai còn lại, cũng như bài toán tài chính.
Cụ thể, nếu Rome (Ý) rút thì Baku - thủ đô của Azerbaijan - sẽ phải một mình gánh trọn bảng A. Với một quốc gia mà nền bóng đá gần như không có gì đáng kể như Azerbaijan, chuyện này là không đơn giản. Dù trên lý thuyết Azerbaijan vẫn còn một năm để chuẩn bị, nhưng tình hình đại dịch kéo dài có thể khiến mọi chuyện trở nên rối rắm hơn.
Một vấn đề khác là các hợp đồng quảng cáo, tài trợ và những sô diễn đã được lên lịch. Vốn dĩ việc dời sang năm 2021 đã khiến các bên tổ chức thiệt hại nặng nề. Chẳng hạn Anh - nơi đăng cai các trận đấu bảng D và 3 trận chung kết, bán kết - cho biết họ đã phải hủy một hợp đồng béo bở vì trùng lịch trình. Điều tương tự cũng xảy đến với Hà Lan và Scotland.
Và điều quan trọng nhất, cho đến lúc này UEFA hay các quốc gia đăng cai vẫn chưa thể ước lượng được khả năng tổ chức của họ sau một năm nữa, với ngày càng nhiều thiệt hại do đại dịch gây nên.
Barca tiếp tục "dậy sóng"
Vài ngày sau khi tuyên bố từ chức, cựu phó chủ tịch Emili Rousaud của Barca cho biết ông sẽ phát động một chiến dịch pháp lý chống lại chủ tịch Josep Bartomeu vì cho rằng "có nhiều khoản thanh toán bất hợp pháp ở đội bóng".
Ông Rousaud cho biết đây là lý do chính khiến ông từ chức bởi ông phải báo cáo minh bạch một số hoạt động bất thường mà từ đó cơ quan giám sát có thể quy trách nhiệm thành sự phạm pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận