Theo Luật doanh nghiệp 2014, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp mới sẽ chỉ còn 3 ngày. Trong ảnh: người dân đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP.HCM - Ảnh: Quang Định |
Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) vừa công bố dự thảo nghị định về đăng ký doanh nghiệp (DN) với nhiều điểm mới so với hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại sẽ gây phiền hà về thủ tục đăng ký thành lập DN. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Hồng Minh - cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - nói:
- Luật DN 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7- 2015) được ban hành với mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho DN, nhằm huy động mọi nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.
Dự thảo nghị định đã bám sát nội dung của Luật DN 2014, các quy định được thiết kế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc gia nhập thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý nhà nước.
* Theo dự thảo nghị định thì DN vẫn buộc phải có con dấu nhưng có thể tự làm hoặc đặt làm, không phải xin công an cấp dấu nữa?
- Để tạo thuận lợi tối đa cho DN khi khởi sự kinh doanh, giảm thiểu chi phí, Luật DN mới đã chuyển quyền quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu cho DN.
Trước khi sử dụng, DN chỉ cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN (hiện nay DN phải xin cơ quan công an cấp con dấu).
Dự thảo nghị định hướng dẫn đang quy định theo hướng DN có thể tự làm con dấu hoặc làm con dấu tại các cơ sở khắc dấu.
Bà Trần Thị Hồng Minh - Ảnh: C.V.K. |
* Dự thảo nghị định yêu cầu khi đăng ký kinh doanh, DN vẫn phải ghi và mã hóa ngành nghề theo phân ngành kinh tế cấp 4 của hệ thống ngành kinh tế của VN? Một số chuyên gia cho rằng điều này sẽ vẫn gây phiền hà cho DN, vẫn phải “lụy” cán bộ đăng ký kinh doanh.
- Quy định hiện hành, DN đang phải kê khai tên ngành, mã ngành khi đăng ký kinh doanh và ngành đó phải được ghi vào giấy chứng nhận đăng ký DN (trước gọi là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
DN không được kinh doanh ngoài lĩnh vực mình đã đăng ký, nếu cần phải đăng ký bổ sung. Luật DN 2014 không yêu cầu điều này, khẳng định DN được kinh doanh tất cả ngành nghề pháp luật không cấm. Tuy nhiên, để đảm bảo quản lý nhà nước, luật quy định khi đăng ký thành lập, DN cần ghi ngành nghề mình dự định kinh doanh vào giấy đề nghị đăng ký DN.
Đến dự thảo nghị định về đăng ký DN mà chúng tôi đang xin ý kiến nhân dân chỉ hướng dẫn rõ thêm: DN ghi ngành, nghề kinh doanh theo ngành kinh tế cấp 4 trong hệ thống ngành nghề kinh tế của VN (gồm 437 ngành, mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo quyết định 10/2007 của Thủ tướng Chính phủ - PV) trong giấy đề nghị đăng ký DN.
Nghĩa là trong giấy chứng nhận đăng ký DN sẽ không còn ghi các ngành nghề kinh doanh như trước nữa. Hướng dẫn như vậy không hề trái luật, không hạn chế quyền tự do kinh doanh.
Cũng có ý kiến lo ngại phiền hà, tuy nhiên việc kê khai ngành nghề kinh doanh và áp mã ngành không phải hai khâu tách biệt. Trong danh mục hệ thống ngành kinh tế của VN đã chỉ rõ tên ngành và đi kèm bên cạnh là mã ngành. Vì vậy, DN chỉ cần lựa chọn đúng ngành nghề kinh doanh của mình sẽ thấy ngay mã.
Trường hợp ngành nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế của VN hay các văn bản quy phạm pháp luật khác thì dự thảo nghị định cũng nêu rõ cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn phải xem xét ghi nhận ngành nghề kinh doanh của DN vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN (nếu không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh) và thông báo cho Bộ KHĐT để bổ sung mã mới.
* Việc kê khai ngành là bình thường, nhưng việc DN phải áp mã ngành vốn được coi là một phiền hà của Luật DN 2005. Tại sao không cho DN chỉ khai ngành, việc áp mã là trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh?
- Trên thực tế, DN là nơi nắm rõ nhất ngành nghề mà mình định kinh doanh. Việc ghi chính xác ngành nghề sẽ đảm đảo quyền lợi của DN (đặc biệt trong việc áp mã thuế hoặc xác định ưu đãi đầu tư...). Việc yêu cầu DN ghi ngành nghề kinh doanh theo hệ thống ngành kinh tế của VN không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn phục vụ lại cho chính cộng đồng DN.
Hiện nay có thể tra cứu tất cả DN trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN. Qua việc cung cấp số liệu chính xác, đầy đủ, các bên đối tác, bạn hàng có thể tìm hiểu thông tin về nhau một cách dễ dàng, đầy đủ và đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, việc DN kê khai ngành nghề kinh doanh còn phục vụ công tác hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước mà mục tiêu chính là để phục vụ cho chính cộng đồng DN.
* Việc vẫn yêu cầu ghi và mã hóa ngành nghề kinh doanh, theo đánh giá của cục, có làm phát sinh thêm thời gian, chi phí cho DN? Liệu mục tiêu hoàn thành đăng ký kinh doanh trong hai ngày theo chỉ đạo của Thủ tướng có còn thực hiện được?
- Quy định nêu trên tại dự thảo nghị định cơ bản không thay đổi so với quy định hiện hành và đã được DN thi hành trong gần năm năm. Do vậy, quy định nêu trên không làm phát sinh thêm thời gian và chi phí.
* Vậy với dự thảo nghị định mới, thời gian đăng ký thành lập DN sẽ giảm được bao nhiêu so với hiện nay? Những điểm nào DN sẽ được thuận lợi hóa?
- Theo quy định hiện hành, thời gian xử lý hồ sơ đăng ký thành lập DN là năm ngày làm việc (trong đó có hai ngày để cơ quan thuế cấp mã số DN, ba ngày để cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp nhận, xử lý hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký DN). Như vậy là phải chờ cấp mã số DN từ cơ quan thuế, làm kéo dài thêm thời gian.
Để tạo thuận lợi tối đa, Luật DN 2014 đã giảm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN còn ba ngày làm việc. Bộ KH-ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính trong việc trao đổi thông tin.
Sẽ áp dụng hệ thống thông tin đăng ký thuế để tự động tạo mã số thuế mà không cần sự kiểm tra, xem xét của cán bộ thuế. Nên dự thảo nghị định đã quy định thời hạn để cấp giấy chứng nhận đăng ký DN chỉ còn ba ngày làm việc (kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ).
Vẫn còn điểm băn khoăn Một trong những nội dung mang tính “cách mạng” của Luật DN 2014 là không bắt DN phải kê ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trong dự thảo nghị định về đăng ký kinh doanh (hướng dẫn Luật DN 2014) vừa được Bộ KH-ĐT công bố có một chi tiết rất nhỏ nhưng sẽ tác động lớn: khi đăng ký thành lập (kể cả thay đổi, bổ sung...), DN phải lựa chọn ngành kinh tế cấp 4 và đặc biệt phải mã hóa ngành nghề kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký DN... Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), như vậy DN sẽ vẫn phải tự mình dò quy định của Nhà nước về “ngành kinh tế cấp 4”. Thậm chí, bà Hồng băn khoăn quy trình mới còn... kém minh bạch hơn vì không nêu nếu DN áp mã ngành sai thì phải chịu hậu quả gì? “Quy định thiếu rõ ràng này có thể tạo ra dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu từ các cán bộ thực hiện thủ tục” - bà Hồng nói. VCCI cũng đã chính thức có văn bản gửi Bộ KH-ĐT. Dẫn điều 24 của Luật DN 2014, VCCI khẳng định luật chỉ quy định giấy đăng ký DN phải có nội dung “ngành nghề kinh doanh”. Như vậy, “DN không có bất kỳ nghĩa vụ nào về việc phải mã hóa ngành nghề kinh doanh”. Vì vậy theo VCCI, “việc quy định buộc DN phải ghi và mã hóa cả ngành nghề trong giấy đề nghị đăng ký DN là không phù hợp với Luật DN 2014”... Luật sư Nguyễn Hưng Quang - trưởng văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự - cho rằng với quy định DN vẫn phải tự áp mã ngành kinh doanh, sẽ không giải quyết được bất cập hiện tại vì thực tế việc áp mã rất phức tạp, dễ sai. Trong khi đó VN đa số là DN nhỏ và vừa, khả năng pháp luật hạn chế, nhất là tại các địa bàn tỉnh xa thì việc phải áp mã “sẽ gây khó cho DN”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận