13/12/2019 09:27 GMT+7

Giảm ô nhiễm cho TP.HCM, bao giờ làm được?

TUỔI TRẺ
TUỔI TRẺ

TTO - TP.HCM ô nhiễm nặng là mối lo ngại của người dân, được nêu ra tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 9-12. Và khói thải từ các loại xe được xem là "thủ phạm".

Giảm ô nhiễm cho TP.HCM, bao giờ làm được? - Ảnh 1.

Quận 2 là nơi ô nhiễm không khí nặng nhất ở TP.HCM. Bầu trời mù bụi sáng 12-12 trên đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP.HCM - Ảnh: THIÊN THẢO

Để giảm khói xe cần giải quyết đồng bộ 2 vấn đề: giảm xe máy và nâng chất lượng xe buýt. Thế nhưng cả hai việc này hiện đang chưa đi đến đâu.

* Bạn đọc Tú Nguyên: 

Xe buýt: bước tiến và bước lùi…

Chiều chủ nhật 8-12, tôi đón xe buýt 51B-200xx tuyến số 54 ở trạm Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tôi chưa kịp bước lên, tài xế đã cho xe chạy, suýt chút nữa tôi ngã xuống đường nếu không kịp níu vào cửa xe. 

Nhiều tiếng hành khách trên xe la lên, tài xế dừng lại đột ngột. Một lần nữa nếu không có một hành khách nam đỡ kịp, tôi đã ngã sấp xuống sàn xe. Lên xe mãi lâu, tôi bất ngờ khi người đưa vé cho tôi cũng là một hành khách! 

Nhìn quanh thì thấy anh tiếp viên ngủ "ngon lành" trên hàng ghế hành khách, khi xe về đến bến xe Chợ Lớn anh vẫn chưa thức dậy. Công việc thu tiền anh phó mặc cho những hành khách tốt bụng làm giùm.

Tôi từng rất ấn tượng tốt với loa báo trạm tự động trên tuyến xe buýt bến xe Chợ Lớn - Suối Tiên - ngã ba Tân Vạn, xe tiện nghi tốt, ghế bọc nệm, sạch đẹp. Rồi có lần trở lại với tuyến xe này, loa báo trạm đã "tắt tiếng". Tôi thắc mắc, anh tiếp viên đáp: "Nó bị… yếu sinh lý rồi chú ơi!". 

Chuyến xe mất vui hơn khi anh tiếp viên nói cộc lốc với hành khách: "Để hành lý sát vô" hoặc: "Chưa tới trạm mà đứng dậy làm chi". Trong khi suốt đoạn đường mấy mươi phút, qua hàng chục trạm anh chỉ thông báo 3 lần, nếu không phải là hành khách thường xuyên sẽ rất lúng túng. Một hành khách ngồi cạnh tôi nói: cư xử vậy làm sao hành khách vui vẻ chọn xe buýt.

Hệ thống báo trạm tự động trên những xe tuyến 54 tôi đã đi âm thanh nghe không rõ, chẳng nghe ra được xe đang dừng là ở trạm nào.

TP.HCM từng có chủ trương đầu tư xe buýt mới, tiện nghi, tiến tới sử dụng nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trong 11 tháng của năm 2019 trên địa bàn TP có 229,6 triệu lượt hành khách đi xe buýt, giảm 14,2% so với cùng kỳ 2018. Đáng buồn là số người đi xe buýt đang ít dần.

Theo tôi, trước khi có thể thực hiện bán vé tự động, trên mỗi xe buýt cần có một hệ thống báo trạm tự động hoạt động ổn. Thêm được tiện nghi phục vụ hành khách cần giữ cho tốt, đừng bỏ phế theo thời gian làm nản lòng hành khách. Nên có những hội thi hoặc phát động những tháng có chủ đề phục vụ hành khách cho tài xế, tiếp viên và nhân viên của ngành.

* Bạn đọc Nguyễn Thị Xuân Phương (quận Tân Bình, TP.HCM):

Giải pháp hạn chế xe máy "mù"

Theo thống kê mới nhất mà Sở GTVT TP.HCM công bố, hiện TP có gần 7,9 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 730.000 ôtô và 7,15 triệu xe máy (chiếm khoảng 95%) và khoảng 2 triệu phương tiện của người dân từ địa phương khác mang vào TP.

Số lượng xe máy tiêu thụ 50% lượng xăng nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. 

Hầu hết đây là các loại khí thải độc hại cho sức khỏe. Rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Và bầu không khí TP trở nên độc hại hơn từng ngày.

Sở GTVT TP.HCM cũng đã đề nghị Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy tham gia giao thông trên địa bàn TP. Đồng thời hỗ trợ xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải đối với xe máy. Từ đó sẽ đề xuất các giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải đối với xe máy, hạn chế bớt những xe máy không đáp ứng yêu cầu lưu thông.

Thế nhưng tôi thắc mắc việc kiểm định khí thải xe máy, kiểm soát lượng xe máy "mù" này bằng cách nào? Sẽ rất khó vì xe máy vẫn là phương tiện mưu sinh của nhiều người, các xe máy cũ giá vài triệu đồng đang là "cần câu cơm" của nhiều gia đình. 

Theo tôi, song song với việc kiểm soát khí thải xe máy, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ mua hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho những đối tượng người nghèo.

* TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM):

Phải áp dụng đăng kiểm xe máy

Tại TP.HCM, tình trạng xe máy cũ nát, thải khói đen kịt trên các tuyến đường trở thành nỗi ám ảnh. Lượng xe máy ngày càng gia tăng và không phải qua bất cứ khâu kiểm định nào về khí thải.

Kết quả quan trắc môi trường tại TP.HCM cho thấy nguồn phát thải từ xe máy ra môi trường rất lớn. Nguồn khí thải này chứa hàm lượng cao các chất độc hại như CO, NOx… Người đi đường hít loại khí bị ô nhiễm này suốt thời gian dài sẽ dẫn tới các chứng bệnh về hô hấp, tim mạch...

Do đó, TP.HCM nên sớm đưa ra chính sách kiểm định khí thải xe máy và thu hồi lượng lớn xe máy không đạt yêu cầu kỹ thuật đang lưu hành. Muốn làm được điều này, chúng ta cần có các quy chuẩn cụ thể về tiêu chuẩn khí thải phù hợp với môtô, xe máy đang lưu hành.

Căn cứ vào tiêu chuẩn đó sẽ có các trung tâm đăng kiểm xe máy thí điểm. Người dân chỉ được sử dụng xe máy qua kiểm định, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn khí thải. Chúng ta cần có những chế tài xử phạt đối với những phương tiện vi phạm quy định về lượng khí phát thải. Còn các xe không đạt tiêu chuẩn thì cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ nâng cấp hoặc thu hồi hợp lý, giảm tác hại với môi trường không khí.

Song song với đó là việc phát triển phương tiện công cộng và kêu gọi sử dụng năng lượng sạch… nhằm giảm được ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung.

Ra luật không khí sạch để chống ô nhiễm Ra luật không khí sạch để chống ô nhiễm

TTO - Qua quá trình phát triển và đối mặt với vấn nạn ô nhiễm không khí, nhiều quốc gia phát triển như Anh đã ban hành luật về quản lý chất lượng không khí từ những năm 60 của thế kỷ 20.

TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên