14/12/2018 09:36 GMT+7

Giảm ngập đô thị: Mỗi người một việc

Ông NGUYỄN VĂN THANH (chủ tịch Tập đoàn SENGROUP)
Ông NGUYỄN VĂN THANH (chủ tịch Tập đoàn SENGROUP)

TTO - Cần một “nhạc trưởng” cho việc chống ngập đô thị, cần sự chung tay góp kinh phí từ các doanh nghiệp trong việc chống ngập.

Giảm ngập đô thị: Mỗi người một việc - Ảnh 1.

Một gia đình trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM bị nước tràn vào nhà trong bão số 9 - Ảnh: D.PHAN

Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến ông Nguyễn Văn Thanh, đại diện doanh nghiệp bất động sản, về câu chuyện này.

Ngày 26-11, trên đường về nhà ở khu dân cư The Garland, Q.9, TP.HCM, như bao người, tôi cũng loay hoay trong cảnh nước bủa vây. 

Chứng kiến nhiều người dẫn xe trong nước ngập, té ngã trên đường, tôi tự hỏi: Vì sao TP.HCM, dù đã chi rất nhiều tiền cho công tác chống ngập nhưng cứ sau mỗi cơn mưa, mỗi đợt triều cường, người dân lại phải bì bõm trong nước ngập?

Xác lập vai trò nhạc trưởng

Điều này ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống người dân và ảnh hưởng đến bộ mặt của TP.HCM, ảnh hưởng "bao trùm" luôn đến các dự án bất động sản. 

Một dự án tốt, không chỉ hạ tầng bên trong khu dự án đó hiện đại, hài hòa diện tích xây dựng, cây xanh, mặt nước, mà các tuyến đường, khu dân cư kết nối xung quanh cũng phải hoàn chỉnh.

Thời gian qua, thành phố đã rất nỗ lực trong công tác chống ngập. Hàng loạt dự án mới đã được triển khai nhưng đã đủ chưa, kết nối đồng bộ chưa... vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp rõ ràng. 

Công tác chống ngập tại TP.HCM và một số đô thị lớn vẫn thiếu một "nhạc trưởng" - người, cơ quan chịu trách nhiệm tối cao trong việc triển khai, thực hiện quy hoạch, huy động mọi nguồn lực cho công tác chống ngập, kể cả chịu trách nhiệm trước người dân nếu chống ngập không hiệu quả. 

Nhạc trưởng này đủ thẩm quyền kết nối, chỉ đạo sự phối hợp, vận hành trơn tru giữa các sở ban ngành và đơn vị chống ngập hiện nay là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước.

Chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều về cơ chế nhạc trưởng nhưng nhạc trưởng chống ngập tại TP.HCM thời gian qua chưa thể hiện rõ được vai trò của mình. 

Nhân câu chuyện ngập nước tại các đô thị vừa qua, chúng ta cần xác định, củng cố rõ vị trí, vai trò của nhạc trưởng này.

Giảm ngập đô thị: Mỗi người một việc - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Ảnh: T.SẢY

Đóng góp kinh phí chống ngập

Với vai trò là một trong những doanh nghiệp đầu tư bất động sản, chúng tôi thấy rằng ngập cũng ảnh hưởng nhiều đến khách hàng, đến kinh doanh của đơn vị. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức, tiền bạc chung tay cùng thành phố trong việc giảm ngập. 

Giải quyết được chuyện ngập, trước hết vì lợi ích người dân, diện mạo thành phố cũng đổi thay, các doanh nghiệp cũng gia tăng các giá trị dự án của mình.

Do đó, khi triển khai một dự án bất động sản, ngoài việc đảm bảo các chỉ tiêu về cây xanh, thoát nước cho dự án của mình theo quy định, chúng tôi sẵn sàng đóng góp kinh phí đầu tư thêm hệ thống thoát nước, kết nối đồng bộ với hạ tầng xung quanh nếu các cơ quan chức năng đề nghị. 

Tôi tin các doanh nghiệp khác cũng sẽ ủng hộ điều này. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng có thể trích quỹ góp cùng thành phố đầu tư các dự án chống ngập khác, chúng tôi mong các dự án chống ngập này thực hiện công khai minh bạch, đúng chất lượng kỹ thuật và mang lại hiệu quả cụ thể cho doanh nghiệp, Nhà nước và người dân.

Chúng tôi mong các cấp chính quyền cần quyết liệt hơn nữa trong câu chuyện xả rác làm tắc nghẽn cống thoát nước, giải quyết dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, xây nhà trên kênh rạch. 

Việc này không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát nước mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, để lại hình ảnh xấu xí trong đời sống đô thị. 

Các quy định pháp lý không thiếu, cộng đồng chắc chắn ủng hộ việc loại bỏ những hành vi xấu xí này. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm thực hiện và duy trì hay không.

Chuyện ngắn, chuyện dài về ngập

Nhà tôi ở quận Thủ Đức (TP.HCM), cách sông Sài Gòn 60m.

Hôm TP.HCM bị ngập nặng bởi cơn mưa lịch sử do ảnh hưởng bão số 9 và những điều mắt thấy tai nghe mấy mươi năm ở Sài Gòn, tôi nghĩ những chuyện ngắn, chuyện dài về câu chuyện ngập ở thành phố này.

Đầu tiên, ngập vì ông trời - một cách nói dân dã về chuyện biến đổi khí hậu. Ngày trước mùa khô, mùa mưa rõ rệt. Giờ Sài Gòn đã thấy những cơn mưa dữ dội như miền Trung khắc nghiệt. Nhưng, ngập ở TP.HCM đâu chỉ có tại trời.

Hôm ảnh hưởng bão số 9, lên mạng thấy mọi người ở nội đô kêu trời vì ngập. Nhà tôi gần sát sông lại không ngập!

Tôi lò dò ra sông nhìn thì thấy mực nước cũng không phải là cao quá, để khiến nước ở nội đô không thoát được. Vậy là do đâu?

Lại nhớ những hình ảnh phóng sự về rác và ngập trên TTO, tôi ám ảnh bởi nạn xả rác bừa bãi. Rác cỡ đó thì ngăn dòng nước thoát ra sông là phải rồi.

Chuyện ngập tại người không chỉ do xả rác bừa bãi. Các đô thị văn minh hiện đại trên thế giới từ lâu đã đưa ra một khái niệm gọi là "thành phố bọt biển".

Nghĩa là phải quy hoạch, xây dựng sao cho thành phố giống như một miếng bọt biển, hút tối đa nước mưa, nước thải.

Một điều cơ bản để xây dựng "thành phố bọt biển" là phải trồng thật nhiều cây xanh, phải hạn chế bêtông, nhất là các vỉa hè. Trong khi đó, TP.HCM thì ngày càng ít cây xanh, vỉa hè thì đổ bêtông gần hết!

Rất nhiều chuyên gia nói về quy hoạch của thành phố không hợp lý. Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ xin kể một chuyện thế này:

Hồi TP.HCM tràn ngập "lô cốt" do xây dựng hệ thống cống chính, một người bạn của tôi là dân Nhật, có tham gia một phần của dự án, đã bảo rằng: "10 năm nữa hệ thống cống này sẽ vô dụng, anh nhớ điều tôi nói hôm nay để xem có đúng không nhé".

Hỏi tại sao thì anh đáp: "Tokyo có số dân tương đồng với TP.HCM, và những ống cống chính của thủ đô nước Nhật có đường kính gần 10m, gấp ba lần ống cống chính ở TP.HCM. Vì vậy, 10 năm sau, hệ thống cống xây dựng hôm nay sẽ quá tải".

Giờ đây nhớ lại và thấy anh bạn Nhật đã nói đúng!

Nhưng, làm hệ thống cống hoành tráng như Nhật thì tiền đâu? Lại là một chuyện dài, ở tương lai.

TRƯỜNG HIỂN

Chống ngập đô thị: Cần xây dựng "không gian cho sông"

TTO - Một đô thị chống chịu được với biến đổi khí hậu không ở chuyện thoát nước, cần xử lý được lượng nước đã nhận. Cần làm gì với tài nguyên nước? Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Henk Ovink, đặc phái viên về nước của Vương quốc Hà Lan.

Ông NGUYỄN VĂN THANH (chủ tịch Tập đoàn SENGROUP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên