Từ mức sinh giảm xuống thấp…
Đại diện Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, nhìn tổng thể về quy mô dân số, chúng ta có thể yên tâm với việc đạt mức sinh thay thế hiện nay, tức là mỗi cặp vợ chồng có 2,05 con.
Tuy nhiên, bản chất của vấn đề này lại nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp, trong đó có sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng miền rất lớn.
Chẳng hạn, ở khu vực Tây Nguyên có mức sinh khá cao, từ 2,5-2,6 con/phụ nữ. Ngược lại, ở Đông Nam Bộ, mức sinh giảm xuống rất thấp, dưới mức sinh thay thế (2,05 con/phụ nữ). Thậm chí, tại TP.HCM, mức sinh giảm chỉ còn 1,35 con/phụ nữ.
Mức sinh giảm thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số, tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi nhóm dân trên 65 tuổi ngày càng tăng. Khi đó sẽ tạo ra sự dịch chuyển về dân số và kéo theo một loạt các vấn đề khác về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm...
Bên cạnh đó, sự chênh lệch mức sinh giữa các thành phố lớn với khu vực nông thôn cũng ở mức cao, là 0,55 con. Điều này cũng rất đáng lo ngại, vì nơi có chất lượng dân số thấp thì có mức sinh nhiều, còn nơi có chất lượng dân số cao thì lại hạn chế.
… Đến già hóa dân số
Trong cơ cấu dân số hiện nay ở nước ta đang nổi lên 2 vấn đề nóng, đó là tốc độ già hóa dân số tăng nhanh và mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, vấn đề già hóa dân số xảy ra ở nước ta sớm hơn so với dự báo của các chuyên gia.
Hiện, số người từ 60 tuổi trở lên ở nước ta đang chiếm trên 11%, trong khi trẻ em trước đây chiếm 50% thì hiện nay còn 25%.
Mức sinh thấp, cùng với tỷ lệ người cao tuổi tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực thành phố.
Và nếu không tạo ra nguồn tiết kiệm đủ lớn để chuẩn bị cho tương lai không xa khi lực lượng lao động hiện nay về hưu thì hậu quả đối với xã hội rất khó lường.
Theo Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình, mục tiêu cốt lõi của vấn đề giảm sinh là năm 2015 phải đạt được mức sinh thay thế.
Chính sách này được thực hiện từ năm 2005 và đã thành công khi nhận thức của người dân về “Mỗi gia đình chỉ nên sinh từ 1-2 con” được nâng lên và được duy trì đến nay.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, không nên kéo dài hiện tượng giảm sinh nếu không muốn rơi vào tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng như một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, một số nước châu Âu, Mỹ… đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do cơ cấu dân số già.
Bài học từ một số quốc gia cũng cho thấy, việc chậm chuyển hướng chính sách dân số, thường là hơn 10 năm sau khi đạt mức sinh thay thế, mức sinh sẽ giảm sâu và rất khó nâng mức sinh lên, ví dụ như Hàn Quốc, Ðài Loan… hiện nay hầu như chỉ còn 1 con/phụ nữ.
Như vậy, vấn đề đặt ra của ngành dân số là phải có giải pháp đặc thù để nâng tối thiểu mức sinh hiện nay ở khu vực thành phố bằng mức sinh thay thế, đồng thời kiểm soát mức sinh ở khu vực nông thôn, miền núi xuống mức sinh thay thế.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng và ổn định hệ thống làm công tác kế hoạch hóa gia đình và chuyển đổi trọng tâm từ công tác kế hoạch hóa gia đình sang vừa kế hoạch hóa gia đình vừa nâng cao chất lượng dân số với sự phát triển toàn diện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận