28/07/2017 17:55 GMT+7

Giảm mạnh thời gian học ở trường của học sinh phổ thông

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT ban hành, thời lượng học của các bậc học đều giảm. Hệ thống môn học chỉ còn hai nhóm: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Học sinh Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh tư liệu
Bậc THPT sẽ được thiết kế theo nhóm các môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.

Ngày 28-7, Bộ GD-ĐT  đã thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sau nhiều lần điều chỉnh.

Theo đó, thời lượng các môn học của các bậc học đều giảm. Một số môn giảm mạnh so với dự thảo gần nhất.

Hệ thống môn học của cả ba bậc học chỉ còn hai nhóm: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Tiểu học giảm 62-132 tiết

Cụ thể bậc tiểu học gồm có các môn:

-         Toán, tiếng Việt, ngoại ngữ ở lớp 3, 4, 5;

-         Đạo đức, tự nhiên và xã hội của lớp 1, 2 , 3;

-         Khoa học  của lớp 4, 5;

-         Lịch sử và địa lý lớp 4,5;

-         Tin học và công  nghệ ở lớp 4,5;

-         Giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm (bắt buộc) và hai môn tự chọn là tiếng dân tộc và ngoại ngữ 1 đối với lớp 1, 2.

Thời lượng của bậc học này giảm từ 62-132 tiết/năm tùy theo từng môn (so với dự thảo cũ)

Bắt buộc và tự chọn

Bậc THCS gồm có: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục công dân, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm. Các môn tự chọn gồm tiếng dân tộc, ngoại ngữ 2.

Với thiết kế này, thời lượng của bậc học giảm từ 58-78 tiết/năm, tùy theo từng môn học (so với dự thảo cũ)

Cấp THPT sẽ còn không lớp “dự hướng” như dự thảo cũ mà thiết kế theo nhóm các môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn. 

Nhóm bắt buộc bao gồm các môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương.

Trong đó, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm chia theo học phần, chủ đề.

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn:

- Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật;

- Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lý, hóa học, sinh học;

- Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, tin học, nghệ thuật.

Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.  

Mỗi học sinh sẽ chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

Bậc học này sẽ có các chuyên đề học tâp theo định hướng nghề nghiệp. Cụ thể mỗi môn học ngữ văn, toán, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 đến 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết. 

Ngoài ra, các môn học tự chọn ở bậc học này là tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

 Năm phẩm chất và 10 năng lực

Theo chương trình được công bố thì chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hướng đến hình thành 5 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi của học sinh (dự thảo cũ là 6 phẩm chất, 10 năng lực).

Cụ thể các phẩm chất gồm: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Các năng lực gồm có 3 năng lực chung là tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo và 7 năng lực  chuyên môn bám sát hệ thống môn học xuyên suốt trong các cấp học.

 

 

 

 

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên