Đó là một trong những nội dung dự thảo "Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện" đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các bộ, tỉnh, thành phố và doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện tại Việt Nam có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện gồm VinFast và Công ty cổ phần ô tô TMT. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng sẽ triển khai sản xuất, lắp ráp ô tô điện.
Số lượng ô tô điện tại nước ta gia tăng nhanh chóng. Năm 2021 có 167 xe điện được cấp giấy chứng nhận tại Việt Nam nhưng đến 12-7-2023 đã có 12.585 ô tô điện được cấp giấy chứng nhận.
Hiện có nhiều doanh nghiệp quan tâm với thị trường thiết bị và dịch vụ cho xe điện, đặc biệt là trạm sạc pin. Trong đó VinFast phát triển hệ thống trạm sạc có độ bao phủ lớn nhất nước với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện.
Các doanh nghiệp khác như Công ty EVIDA, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng tham gia cung cấp trạm sạc điện…
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc chuyển đổi sang ô tô điện tại Việt Nam, từ kinh nghiệm các nước trên thế giới, Bộ Giao thông vận tải đề xuất các chính sách như sau:
Đối với sản xuất, lắp ráp ô tô điện: bổ sung các nội dung về chính sách ưu tiên phát triển ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng) trong các luật liên quan làm cơ sở triển khai, thực hiện.
Xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phát triển phương tiện không phát thải.
Ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện (miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, phí...). Miễn, giảm thuế đối với việc nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền, linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện. Cơ chế ưu đãi tiếp cận tài chính... cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện.
Ưu tiên tiếp cận, chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô điện; sản xuất pin, động cơ ô tô điện; Ưu tiên nguồn lực đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô điện; sản xuất pin, động cơ ô tô điện. Ưu đãi thuế nhập khẩu ô tô điện.
Với người sử dụng ô tô điện: giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với ô tô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua ô tô điện; trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện; hỗ trợ giá sạc điện. Xây dựng, ban hành chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công...
Về khai thác, vận hành: tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị; ưu tiên chỗ, giá đỗ xe giờ cao điểm.
Thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị, trong đó chỉ các phương tiện không phát thải được hoạt động. Truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức xã hội về tác dụng tích cực của việc phát triển và sử dụng ô tô điện.
Chính sách phát triển trạm sạc điện: quy định bố trí trạm sạc điện đối với các cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo (bến xe, trạm dừng nghỉ, khu đô thị, điểm đỗ...).
Theo Bộ Giao thông vận tải, việc xây dựng dự thảo "Báo cáo đề xuất chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện" được thực hiện theo nhiệm vụ Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao.
Để có đủ cơ sở hoàn thiện trình Thủ tướng, bộ đề nghị các bộ cho ý kiến các nội dung dự thảo; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đồng bộ, khả thi, có thể triển khai ngay gắn với thời hạn áp dụng cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển, chuyển đổi sang ô tô điện tại Việt Nam…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận