Các bạn trẻ trải nghiệm ứng dụng thanh toán điện tử trong Ngày không tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ giới thiệu câu chuyện thực tế, phân tích của một lãnh đạo ngân hàng.
Bắt đầu từ tháng 9-2016, Ngân hàng Techcombank chúng tôi triển khai miễn phí giao dịch điện tử theo từng đợt. Tháng đầu con số khách hàng giao dịch khá khiêm tốn, khoảng 200.000 người. Sau hai năm, đã có hơn 1,7 triệu khách.
Lượng giao dịch của các khách hàng cá nhân từ chưa đến 500.000 lượt/tháng khi bắt đầu, nay vào tháng 4 vừa rồi đã gấp 20 lần. Tổng cộng, đến nay đã có hơn 100 triệu giao dịch điện tử được thực hiện.
Đó là hành động đồng hành với khách hàng và chủ động hưởng ứng chính sách hạn chế sử dụng tiền mặt của Chính phủ. Tôi nghĩ cách đồng hành đơn giản nhưng tốt nhất là miễn phí các giao dịch ngân hàng điện tử. Hơn 100 triệu giao dịch điện tử nghĩa là đã hạn chế được rất nhiều tiền mặt "chạy" ở bên ngoài xã hội.
"Quy ra thóc", tính trung bình mỗi giao dịch các ngân hàng chỉ thu mức phí khoảng 5.000 đồng thì ngân hàng đã "lỗ" đến hơn 500 tỉ. Đấy là chưa nói đến khoảng 20 triệu USD đầu tư.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Ảnh: Q.Đ.
Nhưng chúng tôi vẫn làm. Trước hết, giao dịch điện tử hoàn toàn có lợi cho khách hàng, vừa nhanh chóng, tiện lợi, an toàn. Miễn phí, khách hàng được lợi, cộng thêm thời gian họ không phải chờ ở chi nhánh, họ có thể làm những việc khác hữu ích.
Ngân hàng cũng được lợi. Với khoảng 1,7 triệu khách hàng, thực hiện 100 triệu giao dịch trong 2 năm, giả sử mỗi người đến quầy ngân hàng 5-10 lần, cần phải có vài trăm giao dịch viên, hàng chục kiểm soát viên phục vụ. Nhờ các giao dịch điện tử, ngân hàng "tiết kiệm" được phần đó.
Tiền "chạy" trong hệ thống trơn tru, chúng tôi cũng không cần quá nhiều "tiền chết" nằm trong các trụ ATM để khách rút. Để thanh toán điện tử, khách hàng phải có tiền trong tài khoản. Mà tiền như vậy càng nhiều, hệ thống ngân hàng có mức độ an toàn cao, thanh khoản tốt, được đánh giá mức độ tín nhiệm cao.
Vấn đề lớn khác, các khách hàng lớn như điện lực thường phải vay nước ngoài, vì ngân hàng trong nước không dễ huy động cả tỉ USD cho vay. Như thế là tăng nợ công toàn quốc. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp lớn ngoài lãi suất phải cộng rủi ro tỉ giá. Tất cả cộng vào giá thành. Ngược lại, khi người dân không dùng tiền mặt để giao dịch, và họ gửi tiền vào ngân hàng để giao dịch điện tử, thì nguồn thanh khoản sẽ khởi sắc hơn.
Một điểm quan trọng nữa là với số tiền trong tài khoản của hàng triệu khách hàng đó, ngân hàng đã huy động được một số vốn lớn với giá rẻ. Điều đó giúp có thể giảm được lãi suất cho vay. Như thế, giảm giao dịch tiền mặt ngoài hệ thống ngân hàng có tác động trực tiếp đến lãi suất huy động, và tác động gián tiếp đến lãi suất vay.
Tiền không ở trong ngân hàng, nhà băng phải trả lãi suất cao để huy động. Ngưỡng lãi suất có kỳ hạn hiện nay đã 5-6%, cộng thêm chi phí vận hành khoảng 1-2%. Những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao buộc phải cộng thêm chừng 2% dự phòng. Như thế, giá vốn là 10% thì không cách nào ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn được.
Nhưng nếu tiền được chảy vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn, qua các giao dịch điện tử chẳng hạn, thì dòng tiền đó có "giá" huy động rẻ hơn, không phải 5-6% mà chừng 3% chẳng hạn. Huy động vốn rẻ như vậy sẽ cho vay lãi suất thấp hơn. Rõ ràng, vẫn còn đó cơ hội để doanh nghiệp có nhiều vốn, chi phí thấp, tăng sức cạnh tranh, từ đó tăng việc làm, tăng đóng góp cho xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận