06/07/2019 09:53 GMT+7

Giám khảo kỳ thi THPT quốc gia: Áp lực cao, thù lao thấp

TRƯƠNG MINH (TP.HCM)
TRƯƠNG MINH (TP.HCM)

TTO - Tuổi Trẻ nhận được ý kiến của các thầy cô về việc tham gia kỳ thi THPT quốc gia ở vai trò giám khảo và giám thị với nhiều tâm tư, xem đây là những góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia.

Giám khảo kỳ thi THPT quốc gia: Áp lực cao, thù lao thấp - Ảnh 1.

Cán bộ chấm thi làm việc tại hội đồng chấm thi THPT quốc gia năm 2019 ở TP.HCM sáng 2-7 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Chấm thi: "có thực mới vực được đạo"

Tôi có tên trong danh sách đi chấm thi môn văn. Nói thật lòng là "cực chẳng đã" - hiệu trưởng nhà trường cử đi thì đành phải đi, chứ tôi không muốn. 

Mấy ngày hè, đáng lẽ được nghỉ ngơi bên gia đình hoặc tham gia một khóa học ngắn hạn nào đó để nâng cao tay nghề thì tôi phải lóc cóc chạy đi chấm thi. 

Nhưng thù lao chấm thi thì thật đáng buồn: 10.500 đồng/bài thi. Mỗi bài thi văn sẽ có hai giám khảo chấm. Như vậy, mỗi giám khảo chỉ được hưởng thù lao 5.250 đồng/bài thi - quá thấp và quá bèo bọt so với thời giá hiện nay. 

Ngày chủ nhật cũng phải đi chấm cho kịp tiến độ và ngày nghỉ này thì mức thù lao cũng chỉ có thế.

Tổng cộng trong bốn ngày chấm thi tôi nhận được hơn 1 triệu đồng. Đồng nghiệp của tôi, người nhiều nhất thì được 1,9 triệu đồng, người ít nhất thì chưa được 1 triệu đồng. Đó là chưa kể chúng tôi phải tự chi tiền xăng, tiền cơm trưa...

Mà chúng tôi làm việc trong môi trường như thế nào? Trong phòng chấm thi có ba cái camera, bên ngoài hành lang thì thanh tra các cấp đi qua đi lại liên tục. 

Chúng tôi đi ra hay đi vào cũng đều bị các lực lượng có trách nhiệm giám sát rất chặt chẽ. Năm nay, Bộ GD-ĐT còn chỉ đạo phải chấm kiểm tra các bài thi đạt điểm cao nên chúng tôi càng bị áp lực.

Ngày nhận tiền thù lao, giáo viên chúng tôi xôn xao với mức thù lao quá thấp. Mọi người quay qua hỏi nhau: trách nhiệm thì cao mà sao thù lao thấp thế?! 

Tính trung bình, mỗi giáo viên được gần 300.000 đồng/ngày - làm suốt từ sáng đến chiều - thu nhập như thế còn thấp hơn cả người giúp việc ở thành phố này. Trong khi chúng tôi là những cử nhân, thạc sĩ... văn chương.

Bạn tôi thắc mắc với cán bộ của hội đồng chấm thi thì được giải thích là Sở GD-ĐT TP.HCM làm theo quy định của Bộ

GD-ĐT. Hỏi kỹ hơn thì được biết cái quy định ấy đã được áp dụng tám năm nay. Tám năm - vật giá tăng lên rất nhiều lần - mức lương cơ bản cũng tăng lên nhiều lần. Thế mà mức thù lao dành cho giáo viên đi chấm thi vẫn không thay đổi.

"Có thực mới vực được đạo" - câu nói này ông bà ta đã dạy từ rất lâu. Trong bối cảnh ngành GD-ĐT kêu gọi giáo viên phải chấm bài tự luận có chất lượng mà trả thù lao như vậy liệu có thu hút được giáo viên giỏi, giáo viên có tâm (chấm bài không chạy theo số lượng) đi chấm thi không?

Coi thi: quan trọng là cách tổ chức

Chúng tôi là cán bộ coi thi, dẫu có bị áp lực đến đâu vẫn cố gắng tươi vui, nhẹ nhàng với các thí sinh vì chúng ta đều biết các em rất lo lắng.

Vì thế, đã nhận nhiệm vụ thì chúng tôi tâm niệm phải nhẹ nhàng với các em, dặn dò, nhắc nhở, chúc các em thi tốt, lắng nghe những câu hỏi và trả lời thắc mắc của các em, nâng đỡ tinh thần cho các em.

Kỳ thi vừa qua, tôi coi thi ở cụm thi có nhiều thí sinh từ Trung tâm GDTX Bình Định.

Ngay buổi chiều đầu tiên, khi đến làm thủ tục, đã có nhiều thí sinh rất lơ ngơ, có thí sinh đến rất trễ.

Khi chúng tôi hỏi lý do thì được trả lời "bận việc cơ quan"! Đến các môn thi văn và toán, nhiều thí sinh buông bút ngay từ những phút đầu tiên.

Trong buổi thi cuối cùng, khi được phân công làm cán bộ giám sát hành lang, tôi phải nhẹ nhàng nhắc nhở nhiều thí sinh lấy điện thoại tắt nguồn, để lại hành lang.

Quy định kỷ luật cán bộ coi thi nếu trong phòng thi có thí sinh mang điện thoại di động cũng thật oái oăm!

Chúng tôi chỉ có thể thông báo, nhắc nhở, chứ chúng tôi đâu thể lục túi quần túi áo thí sinh, trong khi không phải các điện thoại di động đều lộ ra sau lớp túi áo túi quần để cán bộ coi thi có thể thấy hết.

Có thêm một chi tiết là chuyện lãng phí số lượng cán bộ coi thi phải lưu lại ở điểm thi xấp xỉ 5 giờ đồng hồ vào các buổi thi môn tổ hợp.

Đối với các trưởng điểm thi mạnh dạn, linh động thì chủ động thông báo từ buổi thi hôm trước để một số cán bộ coi thi được ở nhà vào buổi thi môn tổ hợp.

Nhưng ở một số điểm thi, toàn bộ cán bộ phải có mặt, bốc thăm và nếu bốc trúng thăm không vào phòng nào thì phải ở lại phòng hội đồng... tám chuyện, ăn bánh kẹo hoặc ngủ gục trên các ghế.

Phải chờ đến hết giờ làm bài, cổng mở mới được rời điểm thi. Thời gian cứ thế lãng phí trôi qua, trong khi con cái thì chúng tôi phải đưa đi gửi từ sáng sớm để có mặt tại điểm thi trước 6h15.

Cứ nhân lên cho số lượng điểm thi trên khắp cả nước thì số lượng nhân lực lãng phí trong 2 buổi thi đó là bao nhiêu.

Vì số lượng nhân lực quá cồng kềnh nên số tiền thù lao cả đợt coi thi cho từng cá nhân là vô cùng khiêm tốn: 640.000 đồng/cán bộ cho tổng cộng 6 buổi coi thi.

T.N.M.T.

Quy trình chấm thi trắc nghiệm được thay đổi ra sao để ngăn tiêu cực?

TTO - Các trường đại học, cao đẳng được Bộ GD-ĐT phân công chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm đều đã bắt đầu làm việc ở tất cả hội đồng thi THPT quốc gia trên cả nước.

TRƯƠNG MINH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên